Người về hưu

Bài 3: Dự án hỗ trợ người về hưu

60 năm cuộc đời

Mong muốn được lao động chính là quyền lợi chính đáng và là quyền lợi đáng trân trọng nhất của con người, của mọi thành viên trong xã hội, trong đó có người về hưu, mà Nhà nước cần bảo hộ. Phải giải quyết tốt chế độ, chính sách cho người về hưu, làm sao để người về hưu sống tốt hơn. Phải “tìm tiền” ở đâu? Phải làm sao tính đúng, tính đủ lương cho người về hưu? Đó là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên ở đây chúng tôi lại muốn bàn đến một khía cạnh khác cũng đáng quan tâm không kém mà mang tính tích cực và khả thi cao. Đó là làm sao đáp ứng nhu cầu lao động chính đáng của người về hưu.

60 năm cuộc đời

Không phải là câu ca trong một bài hát mang tên như vậy, mà là một thực tế khách quan hiện tại của chúng ta – 60 năm đúng bằng số năm quy định tuổi về hưu theo Bộ luật Lao động của Việt Nam. Thử phân tích 60 năm đó xem sao. 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi. Rồi oe oe đi nhà trẻ, mẫu giáo… Nếu tuần tự như tiến thì 18 tuổi xong lớp 12, 24 – 25 tuổi tốt nghiệp đại học. Và theo kinh nghiệm dân gian thì “Tam thập nhi lập”, “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Nghĩa là từ 30 tuổi con người có thể tự lập và 50 tuổi có thể tri thiên mệnh – biết được mệnh trời – tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống đáng quý, đáng trân trọng. Và 10 năm sau thì người lao động về hưu. Dưới góc độ khác, theo điều tra xã hội học thì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 75 – 80 tuổi, như vậy có nghĩa là ít ra người lao động đem về nhà xài (kiểu gì, vào đâu không rõ)10 tới 15 năm “tri thiên mệnh” của mình.

Như vậy rõ ràng có phải chúng ta đã rất lãng phí, khi chỉ sử dụng cao nhất là 50% khoảng thời gian chắt lọc tinh túy nhất ở mỗi con người không (tính từ 50 đến 70 tuổi)?

Ở đây cần phải khẳng định thêm một lần nữa rằng, người về hưu có nguyện vọng được lao động hợp sức không những là chính đáng mà họ còn có đủ năng lực, trí tuệ để đóng góp cho đời.

Nhưng ai sẽ đưa ra lo việc này, khi mà bộ và các Sở LĐTB-XH chỉ quản lý họ bằng những văn bản và quyết định mà Nhà nước đã ban hành?

Cần sớm hình thành một tổ chức hỗ trợ người về hưu

Có ý kiến cho rằng, đã có các câu lạc bộ cán bộ hưu trí và Hội Người cao tuổi ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc rồi, đây chính là nơi tổ chức các cuộc hội họp, gặp gỡ giao lưu và cũng là nơi thu thập những ý kiến đóng góp của người về hưu tới các cơ quan chính quyền, đoàn thể. Điều đó không sai và rất đáng biểu dương, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ, xét cả dưới góc độ vì người về hưu, người cao tuổi và cả vì xã hội.

Chúng tôi đã suy nghĩ và trao đổi với nhiều người, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành; ông Võ Đức Huy, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đại biểu Quốc hội Trần Đông A, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM… tất cả đều cho rằng đúng là hiện rất cần hình thành một tổ chức hỗ trợ người về hưu. Ông Đoàn Duy Thành cho rằng ở đây cần có tầm nhìn chiến lược, vì người về hưu là một vấn đề chính trị, xã hội rất lớn. Giải quyết tốt chế độ cho người về hưu là tạo hình ảnh đẹp cho xã hội, là giáo dục, là động lực cho thế hệ tiếp nối, cho xã hội đi lên. Sử dụng tốt nguồn lực người về hưu không những giúp họ sống tốt hơn, mà còn giúp xã hội phát triển tốt hơn cả về kinh tế, chính trị và xã hội.

Bộ Lao động Thương binh - Xã hội nên thống kê một cách khoa học và đầy đủ những đối tượng được hưởng chế độ hưu theo thâm niên, sức khỏe và trình độ tay nghề chuyên môn, từ đó nối kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước để hỗ trợ tìm việc phù hợp giới thiệu cho người về hưu. Được như thế, chẳng những giúp người về hưu thêm nguồn sống mà còn giúp sức cho ngành lao động thương binh - xã hội và Nhà nước không ít. Thử làm một phép tính giản đơn. Hiện cả nước có 1,4 triệu người hưởng lương hưu, giả dụ chỉ có 50% trong số đó có việc làm thêm với lương 1 triệu đồng/tháng/người, thì mỗi tháng những người về hưu cũng tạo ra được một giá trị vật chất tương ứng 700 tỷ đồng. Và như thế mỗi năm họ cũng tự lo được cho mình 8.400 tỷ đồng – một con số cũng đáng lưu tâm.

Xã hội và gia đình cũng cần

“Về hưu là Nhà nước hết trách nhiệm, cá nhân hết việc làm và gia đình hết trông mong”. Nếu nhìn thẳng vào sự thật, thì rõ ràng với mức lương như hiện nay, thì chẳng ai “cõng” nổi ai. Và như vậy, người về hưu với đồng lương chỉ còn bằng độ 2/10 mức khi còn làm việc thì tự nhiên vừa trở thành gánh nặng cho con cái, gia đình và cho... cả chính mình. Đáng lo ngại hơn nữa là những người... không có gà để đuổi... không có vườn để làm, cứ đi ra đi vào như thừa như thiếu một cái gì. Họ không còn tự tin, không còn mạnh miệng răn dạy con cái. Và nếu có việc cần đến đồng tiền, phải ngửa tay xin con cái, thì thật không còn gì đau bằng với những trụ cột gia đình xưa! Lục đục xảy ra trong gia đình, con cái bất hiếu, bất nhẫn với cha mẹ... nhiều khi cũng từ đây.

Có lao động, chưa nói tới thu nhập thấp hay cao, người ta cũng có giá hơn, cũng vui vẻ hơn, có sức sống và tự tin hơn.

Người về hưu là vốn quý của xã hội, xét trên bình diện rộng. Tạo thêm chỗ làm việc phù hợp năng lực, sức khỏe và tuổi tác họ, tức là tạo thêm động lực cho xã hội đi lên. Và cũng là cách tốt nhất để gạt bỏ, ngăn chặn những tiêu cực có khả năng ăn mòn đi những vốn quý đó. Đây cũng là cách tích cực để giữ gìn những tấm gương cho thế hệ mai sau.

Nghiêm Minh

Thông tin liên quan

- Bài 1: Cái giá của 75%...

- Bài 2: Chế độ chính sách có đủ, nhưng...

Tin cùng chuyên mục