Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM - Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Vấn nạn kẹt xe đã được các nhà khoa học, chuyên gia cảnh báo cách đây hơn chục năm. Đã có rất nhiều hội thảo của các nhà khoa học, nhiều cuộc họp của cơ quan chức năng TP. Tuy nhiên, câu hỏi vì sao nạn kẹt xe lại xảy ra thường xuyên hơn, tại sao TPHCM càng chống kẹt xe lại càng kẹt… vẫn chưa tìm được hết cội nguồn của vấn đề này.        Hai mũi tên ngược chiều nhau
Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM - Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Vấn nạn kẹt xe đã được các nhà khoa học, chuyên gia cảnh báo cách đây hơn chục năm. Đã có rất nhiều hội thảo của các nhà khoa học, nhiều cuộc họp của cơ quan chức năng TP. Tuy nhiên, câu hỏi vì sao nạn kẹt xe lại xảy ra thường xuyên hơn, tại sao TPHCM càng chống kẹt xe lại càng kẹt… vẫn chưa tìm được hết cội nguồn của vấn đề này.

        Hai mũi tên ngược chiều nhau

Nếu sắp hai biểu đồ hiển thị sự gia tăng của các phương tiện giao thông và hệ thống cầu đường ở TPHCM gần nhau thì ta sẽ thấy 2 mũi tên tăng trưởng tách xa nhau. Trong đó mũi tên chỉ sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông đi lên với tốc độ chóng mặt. Ngược lại, mũi tên chỉ sự gia tăng hệ thống cầu đường chỉ là là ở phía dưới.

Cuối năm 2007, TPHCM có 3.365 con đường với tổng chiều dài 3.223km. Diện tích đường giao thông so với diện tích đất của thành phố mới đạt 1,44km/km², ước khoảng 1,7%. Đây là một tỷ lệ rất thấp so với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Để giao thông thông suốt, mật độ diện tích đường giao thông so với diện tích đất của thành phố phải đạt 15%-25%.

Gần 2 năm đã trôi qua, tình trạng nêu trên hầu như không được cải thiện là bao. Diện tích những con đường mới mở có khả năng giải quyết vấn đề đi lại của người dân trên một diện rộng tăng không nhiều, chỉ tăng khoảng 10% so với trước. Trong đó, TPHCM mới chỉ giải quyết được cơ bản hướng giao thông từ phía Đông sang phía Tây của thành phố bằng việc sắp hoàn thành dự án Đại lộ Đông Tây. Hướng giao thông từ phía Bắc xuống phía Nam mới hoàn thành được phần đi qua quận Tân Bình (đường Trường Chinh).

Trong ba đường vành đai thì TPHCM mới đang thực hiện được một phần của đường vành đai 2. Về hệ thống đường chính nội đô, TPHCM mới đang cải tạo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cộng Hòa… Các cầu mới vượt sông Sài Gòn cũng chỉ có cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ đã xây xong. Tổng số cầu đường đang được triển khai xây dựng ở TPHCM so với số lượng cầu đường cần được xây dựng từ nay đến đến 2020 theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM chỉ chiếm khoảng 10%.

Hiện nay, trong nhiều khu dân cư mới của TPHCM, mật độ đường giao thông đã tăng lên, nhưng không nhiều và hệ thống đường ấy cũng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Nguyên nhân chính của tình trạng này là “nhân, vật lực” cho việc phát triển hệ thống giao thông đều yếu và thiếu. Việc kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế khác cũng không đạt như mong muốn. Nhân lực cho việc xây dựng thiếu đến nỗi nhiều gói thầu xây dựng được mở ra nhưng không có nhà thầu tham dự.

Đào đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến kẹt xe (ảnh chụp chiều 19-10 trên đường Cách Mạng Tháng Tám). Ảnh: VIỆT DŨNG

Đào đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến kẹt xe (ảnh chụp chiều 19-10 trên đường Cách Mạng Tháng Tám). Ảnh: VIỆT DŨNG

        6 triệu rưỡi xe “nhét” vào thành phố

Trong khi việc phát triển hệ thống giao thông phát triển với tốc độ “rùa”, thì số lượng xe tham gia giao thông lại tăng “phi mã”. Nếu như năm 2000, TPHCM chỉ có khoảng 131.182 xe ô tô và 1.569.355 xe gắn máy 2 bánh đăng ký thì con số hiện nay đã gần 500.000 ô tô, gần 4.000.000 xe gắn máy. Và con số này vẫn đang tăng ở mức khoảng 100 ô tô và 3.000 xe gắn máy/ngày. Đó là chưa kể một lượng gần 1.000.000 xe gắn máy 2 bánh và hơn 60.000 xe ô tô mang biển số các tỉnh thành khác lưu thông vào TPHCM.

Tất cả những điều này đã tạo một áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông thành phố. Hiện TPHCM có khoảng hơn 5 triệu rưỡi xe có động cơ và khoảng 1 triệu xe thô sơ 2, 3 bánh các loại. Tính ra, diện tích của TPHCM chưa bằng 1% cả nước, nhưng số phương tiện giao thông cá nhân đã chiếm 1/3 số lượng của cả nước. Với dân số trên 7,12 triệu người, tỷ lệ xe cơ giới trên số dân của TP đã vượt mức 1/2 (tức là 2 người có hơn 1 chiếc xe).

TPHCM biết rất rõ nguy cơ này và đã không ít lần xây dựng kế hoạch hạn chế xe cá nhân. Nhưng lần nào cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều và chưa có giải pháp nào căn cơ được đặt ra.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, khu vực quận 3 bao gồm các đường Tú Xương, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo, Trương Định… được người Pháp quy hoạch xây dựng với chức năng ở nên các con đường ở đây thường rất nhỏ, chỉ rộng 2 làn xe và khoảng cách giữa các nút giao thông chỉ là vài trăm mét, phù hợp với tiêu chuẩn giao thông của khu ở.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây rất nhiều ngôi nhà trong khu vực này đã được biến thành trường học, nhà hàng. Đường Tú Xương dài chỉ hơn 1km đã có tới 5-6 trường học và nhà hàng. Đường Lê Quý Đôn cũng tương tự với các trường Quốc tế Việt Úc, Cao đẳng Việt Mỹ…

Vào giờ cao điểm những khu vực có trường học này lại xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông do xe, đặc biệt là xe hơi của các phụ huynh dừng, đậu đón con. Chính vì thế, việc biến khu có chức năng ở thành khu có chức năng trường học, nhà hàng mà không cải tạo lại hệ thống giao thông thì kẹt xe xảy ra là chuyện… đương nhiên.

        Cao ốc mọc lên, xe dồn vào

Tờ mờ sáng, xe cộ từ mọi hướng chen nhau vào các quận trung tâm (quận 1, 3) và ngược lại vào chiều tối mọi người tìm cách để thoát ra. Nguyên nhân có thể nói ngay: Việc thả nổi xây dựng để cao ốc mọc lên mọi nơi, với diện tích đất nhỏ, kể cả ở những nút giao thông luôn kẹt xe đã được dự báo…

Trung tâm Thương mại dược phẩm - văn phòng do Công ty Xây dựng - nhập khẩu Y tế làm chủ đầu tư tại đường Võ Thị Sáu, nơi này thường xuyên ùn tắc giao thông. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, các biện pháp cải thiện chưa thấy hiệu quả, nhưng giờ đây, ngay tại nút giao thông này, xuất hiện Trung tâm Buôn bán hàng điện máy Phong Vũ. Xe cộ vào ra tấp nập, nhất là những lần nơi này tổ chức các chương trình quảng cáo giới thiệu sản phẩm ngay trên vỉa hè người xe tràn cả ra đường làm cho giao thông vốn đã phức tạp càng thêm rối loạn. Đối diện trung tâm này là cao ốc Mỹ Vinh gồm 66 căn hộ.

Cũng gần nút giao thông này, xích về phía Bệnh viện Từ Dũ, số 67 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 xuất hiện cao ốc văn phòng cao 9 tầng. Như vậy, hai rẻo đất nhỏ bé đối xứng nhau qua nút giao thông đã có hàng loạt trung buôn bán điện máy.

Chưa hết, dọc trên tuyến Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Cách Mạng Tháng Tám thuộc quận 1 và 3) dài khoảng hơn 3km có hơn chục cao ốc văn phòng từ 10 đến hơn 20 tầng, cụ thể: Cao ốc Itaxa, Indo Chine, tòa nhà văn phòng cao ốc của Tổng Công ty xây dựng số 1, Center Tower, Somerset…

Tương tự tuyến đường Lê Duẩn (quận 1) đoạn từ cổng Thảo Cầm Viên đến vòng xoay sau lưng nhà thờ Đức Bà chỉ dài khoảng 1km có hơn chục tòa nhà với số tầng cao trên 10 tầng mọc lên san sát nhau như tòa nhà văn phòng PetroVietnam Tower, cao ốc Sofitel Plaza SaiGon, Saigon Tower, Kumho Asiana Plaza, Diamond Plaza…

Với thực trạng cao ốc mọc lên nhan nhản trên các tuyến đường trung tâm thành phố, kèm theo đó, lượng người đổ về làm việc cùng với phương tiện, trong khi đó mặt bằng hạ tầng giao thông vẫn như cũ thì tình trạng ùn tắc là khó tránh khỏi.

Còn hàng loạt nguyên nhân khác: hệ thống đèn tín hiệu chưa hợp lý, chập chờn; ý thức người tham gia lưu thông kém, chen nhau vượt đèn đỏ; sự cố bất ngờ trên các tuyến đường, mưa ngập… mà trong phạm vi bài viết này chưa nêu hết được. 

KHOA – HÙNG – LÝ

>> Bài 1: Hậu họa khôn lường
>> Bài 3: 10 giải pháp

Tin cùng chuyên mục