Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM - Bài 3: 10 giải pháp

Tăng vận tải công cộng và giảm xe cá nhân
Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM - Bài 3: 10 giải pháp

Giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông là một vấn đề cực kỳ khó khăn bởi nó liên quan đến quyền lợi, thói quen khác nhau của rất nhiều người. Chính vì vậy đòi hỏi người cầm trịch phải có một trái tim “nóng” bức xúc với tình trạng ùn tắc giao thông và một cái đầu “lạnh” để có được sự tỉnh táo, bản lĩnh theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình.

Kẹt xe - nỗi khổ của người dân. Ảnh: CAO THĂNG

Kẹt xe - nỗi khổ của người dân. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng vận tải công cộng và giảm xe cá nhân

TPHCM đã nhiều lần đề ra giải pháp chống ùn tắc giao thông. Nhưng việc triển khai thực hiện đều là nửa vời, bỏ giữa chừng hoặc không đủ liều lượng, không khả thi.

Phát triển vận tải hành khách công cộng đã một thời được TPHCM đầu tư mạnh mẽ như là một trong những giải pháp đầu tiên để chống ùn tắc giao thông. Nhưng hiện nay hoạt động này lại đang có xu hướng đi xuống. Lượng hành khách trên tất cả các tuyến đều giảm khoảng 10%. Nhiều xe buýt đã bắt đầu xuống cấp.

Đây là điều không thể chấp nhận bởi kinh nghiệm phát triển của nhiều thành phố trên thế giới đã cho thấy, chỉ có phát triển vận tải công cộng mới giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông.

TPHCM cần nhanh chóng có ngay các giải pháp chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách công cộng. Trước mắt, cần xem xét lại định mức trợ giá mà các đơn vị vận tải đang kêu là lạc hậu. Ngay sau đó là tổ chức lại mạng lưới xe buýt hợp lý hơn và nhanh chóng đầu tư phát triển hệ thống metro.

Hạn chế xe cá nhân là “chị em song sinh” với việc phát triển vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, TPHCM cũng đã nhiều lần đề xuất Chính phủ và các bộ ngành liên quan cho phép thành phố áp dụng một số giải pháp hạn chế xe cá nhân như thu phí đối với xe cá nhân, không cho xe cá nhân lưu thông trên một số tuyến đường, trong những giờ nhất định… song đã không nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Hạn chế xe cá nhân lưu thông chứ không hạn chế nhu cầu đi lại của người dân mà ngược lại còn phải đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu nàyï.

Không cầu toàn

Theo kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học xây dựng TPHCM: “Không thể có một giải pháp hoàn hảo, toàn diện cho việc chống ùn tắc giao thông. Để làm công việc này phải có giải pháp tổng thể, có sự chung tay góp sức của nhiều người. Và quan trọng hơn cả là cứ phải bắt tay vào làm và trong quá trình làm sẽ điều chỉnh dần những điều chưa hợp lý”.

Với 10 giải pháp chống ùn tắc giao thông (xem box) mà thành phố đã đưa ra, có thể nói thành phố cũng đã thấy được để giải quyết vấn nạn này phải có giải pháp tổng thể. Tuy nhiên, dường như quá cầu toàn nên TPHCM chưa mạnh tay với việc triển khai thực hiện các giải pháp.

Việc tổ chức làm lệch giờ, lệch ca là một ví dụ. Sau đề án thực hiện do Sở LĐTB-XH, Sở GD-ĐT trình, TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến. Ý kiến đồng ý cũng nhiều, ý kiến phản đối cũng không ít.

Tình trạng kẹt xe - nỗi bức xúc hàng ngày của người dân thành phố. Ảnh: Cao Thăng

Tình trạng kẹt xe - nỗi bức xúc hàng ngày của người dân thành phố. Ảnh: Cao Thăng

Đáng lẽ sau những cuộc họp như vậy, ngành chức năng phải tập hợp ý kiến để hoàn thiện đề án để sớm đưa đề án ra thực hiện thì ngược lại… mọi thứ đều rơi vào im lặng. Đề án có được sửa không, bao giờ thực hiện… không có câu trả lời chính thức. Hỏi một số người có trách nhiệm thì được trả lời: “đang hoàn thiện”.

Những nguyên nhân (được phân tích ở bài 2) sẽ là căn cứ cho việc xác định các giải pháp chống kẹt xe, ùn tắc giao thông của TPHCM. Chẳng hạn: phải mở rộng đường giao thông, kiên quyết hạn chế xây dựng cao ốc trong nội thành, hạn chế người nhập cư vào TPHCM…

TP cũng đang tích cực thực hiện một số dự án cầu đường: Dự án cầu cạn từ đường Hoàng Văn Thụ (khu vực Lăng Cha Cả), chạy dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kết nối vào đường Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan (về trung tâm thành phố) và đường Nguyễn Hữu Cảnh (sang quận 2). Ngoài ra, đường dọc kênh NL - TN dự kiến sẽ được mở rộng đủ 3 làn xe mỗi bên, góp phần giải quyết giao thông theo hướng Bắc - Nam, từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố.

Từ sân bay Tân Sơn Nhất còn có một tuyến đường mới đang được Tập đoàn LG (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cũng sẽ làm giảm áp lực về giao thông cho sân bay sau này… Tuy nhiên, tiến độ các dự án này còn khá chậm.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM giao cho Khu Quản lý đô thị số 1, nghiên cứu phương án cấm xe lưu thông trên một số tuyến đường ở khu vực trung tâm TP. Mục tiêu của việc làm này nhằm hạn chế dần số lượng xe cá nhân, tập thói quen cho người đi bộ và tiến đến sử dụng phương tiện công cộng. Cụ thể như đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh và Lưu Văn Lang đều ở Q1, việc nghiên cứu nhằm hình thành khu phố đi bộ trên các đường này.

Giải pháp cấp bách: phân luồng, tổ chức lại giao thông

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nhiều lần cho rằng, một trong những biện pháp có thể giải quyết được ùn tắc hiệu quả, ít tốn kém là tổ chức lại giao thông. Mục đích nhằm chia lượng xe từ đường có lưu lượng cao sang đường có lưu lượng thấp; giảm các điểm giao cắt, tăng các tiểu đảo... Tuy giải pháp này làm tăng hành trình của người lưu thông. Song nếu đi vòng một chút mà nhanh hơn, không tắc đường thì chắc chắn nhiều người sẽ đồng tình,

“Về lâu dài phải mở rộng đường sá, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, phát triển nhanh các phương tiện giao thông công cộng..., Ngoài các biện pháp trước mắt và lâu dài, vấn đề tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân là việc rất cần thiết. Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở TPHCM là nhiệm vụ của nhiều sở, ngành và của toàn xã hội chứ không chỉ mình sở mà giải quyết được” - ông Phượng nhấn mạnh.

10 giải pháp chống ùn tắc giao thông

1. Tập trung thực hiện ngay việc học tập, làm việc lệch giờ, lệch ca.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân chấp hành luật giao thông.

3. Kiên quyết chấn chỉnh trật tự đô thị và trật tự lòng lề đường.

4. Điều chỉnh giao thông theo hướng 1 chiều hóa.

5. Chấn chỉnh hoạt động xe buýt.

6. Tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi, vi phạm luật giao thông.

7. Đầu tư hạ tầng giao thông.

8. Tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

9. Đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học bệnh viện… ra ngoại thành.

10. Hiện đại hóa việc quản lý hạ tầng giao thông.

Khoa – Hùng - Lý

Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM

- Bài 1: Hậu họa khôn lường

- Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Tin cùng chuyên mục