Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM. Bài 1: Hậu họa khôn lường

Kẹt mọi lúc, mọi nơi
Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM. Bài 1: Hậu họa khôn lường

>> Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
>> Bài 3: 10 giải pháp

Tình trạng kẹt xe trên địa bàn TPHCM hiện nay hầu như diễn ra khắp nơi, kể cả ngoài giờ cao điểm. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 56 vụ ùn tắc giao thông lớn, tăng 29 vụ – gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2008 (chưa kể số vụ ùn tắc, kẹt xe xảy ra vào giờ cao điểm, do trời mưa, ngập đường, phương tiện ùn ứ tại khu vực đang thi công các công trình đào đường). Vì sao kẹt xe xảy ra triền miên, càng chống càng kẹt? Giải pháp nào hiệu quả để thoát ra khỏi tình trạng này? Đó là những câu hỏi chưa có đáp án thỏa đáng.

Kẹt xe do đường ngập nước trên đường Hồng Bàng. Ảnh: Việt Dũng

Kẹt xe do đường ngập nước trên đường Hồng Bàng. Ảnh: Việt Dũng

Kẹt mọi lúc, mọi nơi

Nếu như trước đây, chuyện kẹt xe thường chỉ xảy ra vào giờ cao điểm và ở một số tuyến đường lớn thì thời gian gần đây, tình trạng kẹt xe bùng nổ trên rất nhiều tuyến đường ở nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, tại khu vực các quận nội thành và các quận 6, 12, Gò Vấp, xa lộ Hà Nội hướng về trung tâm TP, quốc lộ 1 đi về miền Tây. Và nạn kẹt xe xảy ra hàng ngày, sáng - trưa - chiều.

Theo thống kê của Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM - người đang thực hiện Đề án Cải tiến hoạt động vận tải hành khách công cộng cho TPHCM, hiện thành phố có 95 điểm dễ tắc nghẽn giao thông, hệ số ùn tắc giao thông ở đây vượt mức cho phép từ 11 - 23 lần.

Anh Trương Quang Thông nhà ngay vòng xoay Cây Gõ (quận 11) cho biết, khu vực này (thuộc quận 5, 6, 11) hiện nay không có giờ cao điểm, vì lúc nào cũng bị ùn tắc, 4 đến 6 lần từ 6 giờ 30 đến 21 giờ. Hàng ngàn người đi làm, trẻ đi học dường như giậm chân tại chỗ ở khu vực Minh Phụng - 3 Tháng 2 - Hồng Bàng (nối dài). Một biển người “nghẹt thở” bởi tiếng máy xe, bụi khói xe, tiếng trẻ con khóc. Dòng xe lưu thông bị kẹt cứng. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi xe buýt loại lớn từ các nơi tiến về khu vực bến xe Chợ Lớn và bến xe miền Tây tạo thành một “vành đai” xe buýt.

Chậm hơn đi bộ là cảnh kẹt xe tại khu vực ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi (quận 1, quận 5). Tại giao lộ Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình), cả sáng và chiều, đoàn người phải nhích từng chút, khoảng tiếng đồng hồ mới qua khỏi ngã ba, ngã tư…

Điều đáng nói là tình trạng kẹt xe hiện nay tại TPHCM như phản ứng domino: các đường chính bị kẹt thì ngay lập tức các tuyến đường nhỏ, đường nhánh, hẻm cũng bị kẹt theo. Điển hình như tại tuyến đường Trường Chinh (Tân Bình), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)… mỗi khi giao thông bị ùn tắc thì ngay lập tức các tuyến đường Nguyễn Thái Bình, Xuân Hồng (Tân Bình); Tô Hiến Thành, Thành Thái… cũng không thoát khỏi tình cảnh tương tự.

Tháng 9-2009, dù là “Tháng an toàn giao thông”, nhưng tình trạng kẹt xe tại TPHCM không những không giảm mà ngày càng diễn biến phức tạp. Điển hình như vụ kẹt xe vào ngày 7-9 và chiều tối 21-9, đã khiến cho giao thông ở hầu hết tuyến đường tại các quận nội thành bị “tê liệt”, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ.

Thiệt hại vô kể...

Kẹt xe quả là nỗi nhức nhối của TPHCM. Nó làm mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc của hàng chục ngàn người, làm tổn hại sức khỏe bao người dân, gây tâm lý bức bối cho tất cả những người lưu thông… và còn ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư trong và ngoài nước.

Xe tải kẹt nối đuôi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - một minh chứng thiệt hại cho sản xuất, nền kinh tế. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Xe tải kẹt nối đuôi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - một minh chứng thiệt hại cho sản xuất, nền kinh tế. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Dù khó quy ra tiền, nhưng chỉ nhìn vào vụ kẹt xe chiều tối 21-9 cũng đã thấy rùng mình. Theo quan sát của chúng tôi, khoảng hơn trăm ngàn người đã bị “kẹt cứng” trong 3 giờ đồng hồ. Thoát khỏi vụ kẹt xe, xã hội đã mất đứt hơn 300.000 giờ. Thời gian ấy đã có thể làm ra bao của cải vật chất, chưa kể những thiệt hại không thể tính được do trễ giờ hẹn làm việc theo kế hoạch của hàng chục ngàn người. Tình trạng kẹt xe hiện nay lại diễn ra triền miên, ngày càng nhiều hơn, rộng hơn - và dự báo trong tương lai còn tăng lên nữa – thì thiệt hại cho xã hội là vô kể.

Theo các chuyên gia về môi trường, bình thường, chỉ số CO2, bụi và khí độc khác ở nội thành TPHCM đã ở mức báo động. Song tại những nơi kẹt xe, nồng độ CO2 tăng lên hàng chục lần bình thường. Thời gian kẹt xe càng lâu, nồng độ khí độc càng tăng. Đứng trong dòng người kẹt cứng ấy, sức khỏe con người bị suy giảm và có thể là nguyên nhân phát sinh những bệnh nan y như lao, ung thư…

Những năm gần đây, TPHCM đã mất vị trí dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân, nhưng môi trường đầu tư – cả nghĩa đen và nghĩa bóng – là nguyên nhân chính. Trong đó, nạn kẹt xe trầm trọng là một trong các yếu tố mà các nhà đầu tư rất ngán ngại.

Khoa - Hùng - Lý

- Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
- Bài 3: 10 giải pháp

Tin cùng chuyên mục