Giới trẻ Việt Nam ý thức được sự hy sinh của thế hệ đi trước

Giới trẻ Việt Nam ý thức được sự hy sinh của thế hệ đi trước

Nhân sự kiện Việt Nam kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hãng thông tấn AFP đã có bài viết từ thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận cảm tưởng của giới trẻ về ngày chiến thắng lịch sử này cũng như tương lai Việt Nam.

Giới trẻ Việt Nam hướng về tương lai. Ảnh: AFP

Giới trẻ Việt Nam hướng về tương lai. Ảnh: AFP

Dưới bóng mát thanh bình của công viên trước Dinh Thống Nhất TPHCM, các đôi trai gái yêu nhau tận hưởng không khí yên lành, sinh viên thì lo ôn bài. Hai phần ba giới trẻ Việt Nam hiện nay chưa đầy 35 tuổi, không có ký ức về thời kỳ chiến tranh. Họ chỉ biết rằng cách đây 34 năm, chiếc xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, đánh dấu kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Giới trẻ Việt Nam trưởng thành trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế trong hòa bình cho biết họ tập trung vào tiến trình phát triển nhanh của đất nước.

Bạn Trần Mi Lan, 22 tuổi, bán quần áo tại một cửa hiệu ở trung tâm TPHCM nói: “Tôi tự hào là người Việt Nam khi chúng tôi đánh bại các cường quốc như Pháp và Mỹ”. Bạn Nguyễn Công Trương, 28 tuổi, chuyên viên tư vấn đầu tư nói: “Tôi muốn trong vòng 20 năm tới, Việt Nam trở thành một Singapore”. Với thu nhập bình quân đầu người hiện nay là trên 1.000 USD, thấp hơn Singapore 37 lần, Việt Nam còn một con đường dài để phấn đấu.

Bạn Trương nói: “Cha mẹ tôi nói với tôi rằng năm 1978, cuộc sống rất khó khăn, nhiều người phải sống nhờ khoai mì”. Cha mẹ của bạn hiện vẫn làm nghề nông, thu nhập trên 100 USD/tháng trong khi thu nhập của Trương cao gấp 6 lần. Bạn Lê Thế Huân, 20 tuổi, sinh viên luật, nói: “Tôi sinh ra trong thời bình, có cơ hội để hoàn thiện khả năng của mình”. Huân đang dùng máy tính xách tay và điện thoại iPod.

Bạn Trần Trọng Nguyễn, sinh viên vật lý, có cha mẹ là nông dân, nói: “Tôi nghĩ rằng cuộc sống của tôi hiện nay tất nhiên tốt hơn nhiều so với cha mẹ tôi, nhất là về mặt vật chất. Chúng tôi có nhiều điều kiện hơn để học tập, chăm sóc y tế, giáo dục và cuộc sống hiện nay ổn định hơn so với trước”.

Theo ông Phạm Thành Công, 52 tuổi, giới trẻ Việt Nam tập trung vào hiện tại và tương lai nhưng vẫn ý thức được sự hy sinh của các thế hệ đi trước. “Đại đa số họ sẽ không bao giờ quay lưng lại với quá khứ vì lịch sử là không thể chối cãi”.

Ông Công từng là bộ đội trong 5 năm, giờ đây là Giám đốc Bảo tàng Mỹ Lai. “Tôi cống hiến cho bảo tàng này bởi vì tôi muốn giới trẻ hiểu nhiều hơn về tội ác chiến tranh”, ông nói ª

H.Q.

Tin cùng chuyên mục