Siết lại việc trao danh hiệu, giải thưởng

Quy chế “Tổ chức tôn vinh danh hiệu và  trao giải thưởng chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp” đang được lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp tại website của Chính phủ (www.chinhphu.vn) thu hút sự chú ý của dư luận. Nếu theo đúng tinh thần của dự thảo luật thì sắp tới đây, hàng trăm hoạt động tôn vinh, trao các giải thưởng cho doanh nghiệp có thể sẽ phải thay đổi nội dung, hình thức tổ chức, thậm chí có thể bị hủy bỏ.

Theo dự thảo, sẽ chỉ còn 3 cấp tổ chức giải thưởng, bao gồm: cấp bộ, toàn quốc và… quốc tế. Thẩm quyền quyết định quy mô giải thưởng toàn quốc sẽ do Thủ tướng xem xét, phê chuẩn. Giải thưởng quy mô cấp bộ thì sẽ do bộ trưởng xem xét, quyết định. Trong đó, cơ quan đứng ra tổ chức tôn vinh doanh nghiệp phải là cơ quan cấp bộ, UBND cấp tỉnh, các ban ngành đoàn thể ở trung ương, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, các tổ chức do Thủ tướng quyết định thành lập hoặc phê chuẩn điều lệ. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức giải thưởng, đơn vị mới được tiến hành tổ chức, tuyên truyền các hoạt động của sự kiện.

Các doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng cũng phải có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học Công nghệ cấp. Thậm chí, ban tổ chức giải cũng không được huy động kinh phí dưới mọi hình thức đối với các tổ chức, cá nhân tham gia bình chọn, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng chất lượng sản phẩm. Đổi lại, những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tôn vinh và trao giải thưởng, được nhận bằng khen về thành tích đóng góp vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực được trao giải. Khi đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng, khai thác biểu trưng giải thưởng, được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại…

Không phải đợi đến khi nổ ra vụ nước tương có chứa chất gây ung thư 3-MCPD vượt quá quy định thì mới “lòi” ra hàng loạt các doanh nghiệp từng được tôn vinh “Hàng Việt Nam chất lượng cao” vi phạm quy định, làm ăn gian dối. Lâu nay, người dân đã quá ngán ngẩm trước tình trạng không ít doanh nghiệp có giải thưởng, được tôn vinh nhưng hàng hóa chất lượng kém, không đảm bảo.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngay bản thân nhiều doanh nghiệp cũng thẳng thắn cho rằng một số danh hiệu, giải thưởng cũng chẳng “thơm tho” gì, phải dùng tiền để mua cả, cứ gửi hồ sơ, nộp tiền là được nhận cúp, giải thưởng. Tiền nhiều thì giải cao, thậm chí, còn có thể “mặc cả” được danh hiệu, cúp. Có doanh nghiệp còn “than phiền” cờ, cúp của họ nhiều quá đến mức không có nơi để trưng bày!

Việc tôn vinh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có đóng góp cho xã hội và cộng đồng là một điều hoàn toàn nên tuyên dương. Tuy nhiên, phải làm sao để người được tôn vinh cũng thấy không “đỏ mặt” vì ngượng khi được xướng tên trao cúp, trao danh hiệu. Việc tôn vinh đòi hỏi cũng phải đúng quy trình, đúng thẩm quyền chứ không nên tràn lan, thương mại hóa danh hiệu như hiện nay. Vì thế, luật hóa các danh hiệu và hình thức trao tặng danh hiệu cho doanh nghiệp nên sớm được triển khai.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục