Nỗi buồn… Vĩnh Châu

Nỗi buồn… Vĩnh Châu

Từ lâu, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nổi tiếng với đặc sản củ hành tím. Toàn huyện có khoảng 5.000 hộ trồng củ hành tím với 4.500ha, mỗi năm cung ứng cho thị trường trên dưới 50.000 tấn. Nhờ vậy mà đời sống của người dân Vĩnh Châu cũng khá lên. Những căn nhà ngói bề thế, khang trang mọc lên thay thế cho những ngôi nhà lá nghèo nàn, xơ xác. Nhờ củ hành tím mà Vĩnh Châu đã thay đổi bộ mặt, ngày một tươi tắn và  đẹp thêm. Nhưng, phía sau những mái nhà xinh đẹp đó là cả  nỗi buồn day dứt của người dân Vĩnh Châu.

Làm giàu từ củ hành tím

Theo tỉnh lộ 38, chúng tôi về với Vĩnh Châu, nơi đây, người dân đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch củ hành tím. “Vương quốc” củ hành tím vào những ngày này thật đông vui, đặc biệt ở các xã Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa, Lạc Hải… nơi có diện tích trồng củ hành tím nhiều nhất huyện. Trên những con đường liên xã mở rộng, trải nhựa phẳng lì, xe Honda, xe đạp, ba gác, xe tải… tấp nập ngược xuôi đưa hành tím từ đây đi khắp nơi.

Trời đã xế chiều, nắng dìu dịu, khi có những cơn gió nhẹ nhàng thoảng qua, mọi người được hít thở cái mùi cay cay nồng nàn, hương vị đặc trưng của củ hành tím quyện vào không khí vùng này. Nó như là sự ban tặng của một loại đặc sản quê nhà, tạo nên sức quyến rũ, hấp dẫn đối với du khách mà không nơi nào có được.

Nỗi buồn… Vĩnh Châu ảnh 1

Cuốc đất trồng hành. Ảnh: NHẬT NGÂN

Gặp ông Lâm Sươi ở ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa đang đẩy chiếc ba gác chở đầy củ hành vừa thu hoạch về nhà, ông cho biết: “Năm nay củ hành trúng mùa, tôi làm nửa mẫu, đầu tư hơn 10 triệu đồng, thu về hơn 8 tấn. Chỉ cần bán với giá 4.000đ/kg, trừ hết chi phí cũng kiếm được 20 triệu đồng ngon lành. Nếu được giá thì mức lãi sẽ tăng thêm nữa”.

“Trồng củ hành tím thu hoạch cao hơn lúa từ 3 đến 4 lần. Tất cả đều nhờ vào củ hành tím”, chỉ tay vào những ngôi nhà mới xây bề thế, ông Sươi khẳng định.

Buổi chiều ở khu vực này cũng là thời điểm mua bán của những người buôn bán lẻ. Họ thường vào mua tại ruộng, giá có đắt hơn so với củ hành đã thu hoạch đưa về nhà.

Giải thích vì sao những người mua bán lẻ lại mua củ hành tím tại ruộng cho dù giá có cao hơn, chị Ba Thu, người có hơn 20 năm sống bằng nghề mua bán củ hành tím, thật thà cho biết: “Tôi bán lẻ tại chợ nên không cần mua số lượng lớn. Củ hành mua ở ruộng do không sử dụng phấn bảo quản nên dễ bán hơn so với hành đã thu hoạch, mang về nhà và sử dụng phấn bảo quản”.

Chị Thu giải thích thêm: “Người ta ít mua củ hành có phấn bảo quản đóng quanh bên vỏ, nó độc hại lắm”. Chị Thu chậc lưỡi hít hà: “Ở xứ này, người ta bị mù vì phấn hành nhiều lắm”.

Nỗi buồn cũng từ củ hành tím

Nếu không có biện pháp ngăn ngừa, thì số người mù sẽ ngày một tăng cao. Chỉ ở 2 ấp Đại Hải và Đại Hải A, xã Lạc Hòa đã có tới 121 người bị mù.

Đáng nói có những em bé mới lên 6-7 tuổi đã vĩnh viễn không đến trường được vì mù lòa.

Mang nỗi xót xa của chị Thu bán củ hành ở thị trấn Hòa Bình vừa kể, tôi thẫn thờ đi dọc trên bờ ruộng trồng hành tím. Gió mơn man nhè nhẹ, thoảng mùi hành tím nồng nàn. Một phụ nữ dáng gầy còm, đi chậm chạp ngược trên bờ đê với tôi. Khi đến gần, tôi thấy bà bị hư một mắt, con mắt còn lại cũng kèm nhèm.

Bà cho biết mình tên Trần Kim Ly, ngụ ấp Đại Bái. Bà kể: “Tôi mù một mắt đã 5 năm rồi, con mắt còn lại cũng mờ lắm, không còn thấy rõ”.

Bà nói như cam phận: “Nhà nghèo không ruộng vườn, chỉ biết làm mướn sống qua ngày, ai mướn gì làm nấy. Ở xứ này không làm củ hành thì làm gì bây giờ. Nhà tôi có đến 3 người bị mù, xứ này hầu như nhà nào cũng có người mù, nếu không mù thì mắt cũng mờ. Có đến vài ngàn người chớ ít gì”.

Trộn phấn củ hành. Ảnh: NHẬT NGÂN

Trộn phấn củ hành. Ảnh: NHẬT NGÂN

Để tìm hiểu vì sao người trồng hành tím bị mù quá nhiều, tôi vào một nhà vừa thu hoạch hành tím.

Họ đang trộn phấn ủ củ hành bảo quản để không bị hư. Chủ nhà cho biết: “Trước kia mọi người dùng chất DDT làm phấn hành, nhưng nay chính quyền địa phương đã cấm, vì chất này quá độc hại, hiện tại bà con dùng thuốc Mipcin. Cứ 1 tấn củ hành thì trộn 1 bao bột đất sét khoảng 40kg với 2 hoặc 3 - 4kg thuốc trừ sâu Mipcin”.

Tôi hỏi vì sao phải trộn như vậy và tại sao phải dùng loại thuốc quá độc hại đó, chủ nhà trả lời rất thản nhiên: “Nếu không trộn phấn hành thì chỉ để trong vòng tuần lễ là củ hành bị thúi hết. Còn khi đã trộn phấn rồi, thì củ hành có thể để cả năm cũng không hề hấn gì”.

Tôi thấy, nhiều người trộn phấn vào củ hành mà không dùng bao tay, đã vậy thỉnh thoảng họ lại còn đưa cánh tay lên dụi mắt, quẹt mồ hôi trán. Tôi nhìn quanh, hai bên vách nhà được gắn mấy cái kệ để chứa củ hành đã ủ phấn để dành làm củ hành giống cho mùa sau và cũng để bán dần. Bên dưới là những bộ ván nằm ngủ. Chứng tỏ là họ “sống chung” với củ hành, và điều đáng nói là những củ hành đã ướp chất độc.

Tôi hỏi vì sao bà không mang bao tay, bà chủ nhà cười tỉnh rụi: “Ai cũng vậy, quen rồi”. Đang nói chuyện, lo khách bị nóng nực, bà lại mở quạt máy. Bụi phấn vụt bay trắng xóa cả căn nhà. Tôi vội chạy ra sân để tránh bụi phấn bay vào mắt.

Ông “Ba Từ Thiện”, một người ở địa phương chuyên lập danh sách những người mù để nhờ các hội từ thiện mổ mắt miễn phí, bức xúc: “Số người mù trong xã ngày càng nhiều thêm, vì họ vẫn theo thói quen dùng chất độc Mipcin, có chứa hoạt chất Methyl Parathion làm phấn ủ củ hành. Dù chính quyền đã cấm sử dụng chất độc này làm chất ủ hành tím nhưng người dân vẫn bất chấp vì cuộc mưu sinh”.

Nguyễn Tường Lộc

Tin cùng chuyên mục