TS Nguyễn Thành Thái: Mong được đóng góp nhiều hơn cho quê hương

Khát khao được đóng góp...
TS Nguyễn Thành Thái: Mong được đóng góp nhiều hơn cho quê hương

Bảo vệ luận án tiến sĩ ngành hóa – sinh tại Pháp, từng là viên chức của Viện Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp với nhiều cơ hội thăng tiến… nhưng ông từ bỏ mọi thứ để trở về quê hương bởi niềm mong muốn “làm được điều gì đó cho đất nước mình để lòng mình vơi đi phần nào nỗi mặc cảm…”. Đó là TS Nguyễn Thành Thái, Việt kiều Pháp, hiện là Tổng Giám đốc Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ.

Khát khao được đóng góp...

TS Nguyễn Thành Thái bên công trình cầu Phú Mỹ. Ảnh: THÀNH TÂM

TS Nguyễn Thành Thái bên công trình cầu Phú Mỹ. Ảnh: THÀNH TÂM

Chiều 9-6, đứng trên cầu Phú Mỹ, cây cầu dây văng đẹp và hiện đại nhất TPHCM đã hoàn thành được 98% - ông say sưa ngắm nhìn “đứa con” của mình bằng niềm hạnh phúc vô hạn và thổ lộ với chúng tôi: “Cô biết không, niềm mơ ước bao nhiêu năm rồi của tôi đến giờ mới thành hiện thực”. Rồi ông tâm sự về cuộc đời mình bằng giọng miền Nam nhẹ nhàng, ấm áp …

Sinh năm 1946 tại Tây Ninh, năm 1968 ông nhận được suất học bổng của Chính phủ Pháp. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành hóa ở Pháp, vì mưu sinh ông phải sang châu Phi để dạy học 3 năm. Sau đó, ông quay về Pháp làm luận án tiến sĩ.

Sống ở quê người nhưng lòng ông cứ đau đáu nhớ về quê hương. Ông chân thành nói: “Ngay khi còn là sinh viên, những lúc chơi đá banh ở sân trường với bạn bè, nghe đứa bạn nào hài tên nước Việt Nam ra ngạo nghễ hoặc chê bai người Việt Nam là tôi nhào tới đánh liền, rồi tới đâu thì tới”.

Với tấm bằng tiến sĩ, công việc nghiên cứu khoa học của ông ở Pháp gặt hái được khá nhiều thành công nhưng ông lại quyết định trở về Việt Nam để làm một điều gì đó thật ý nghĩa. “Thời đất nước chiến tranh, khốn khó, bạn bè tôi ở lại quê hương chiến đấu gian khổ, thậm chí có người còn đánh đổi cả xương máu của mình để bảo vệ đất nước nên tự đáy lòng mình, lúc nào tôi cũng cảm thấy mặc cảm, hổ thẹn với quê hương nhiều lắm!” - ông Thái bộc bạch.

Đóng góp thì có nhiều hình thức nhưng trong suy nghĩ của mình, ông cho rằng phải đóng góp cái gì đó mang ý nghĩa căn cơ, hướng đến tương lai…

Ngã rẽ...

Chuyến về nước đầu tiên của ông vào năm 1989. Dẫu bỡ ngỡ khi thấy đất nước nhiều thay đổi nhưng ông lại không xa lạ, vì nơi đây chính là quê cha, đất tổ của ông. Đến năm 1993, bằng chuyên môn của mình và với sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp ở Pháp, ông lập phòng thí nghiệm nghiên cứu hóa – sinh tại TPHCM. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công việc này không được thành công...

Là người giàu ý chí, ông kiếm tìm cơ hội ở “mặt trận” khác để đóng góp cho quê hương. Qua quan sát hàng ngày, ông nhận thấy hạ tầng đô thị của đất nước còn nhiều ngổn ngang. Ngay tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TPHCM mà hạ tầng giao thông còn lạc hậu, quá tải. Hạ tầng yếu kém cũng kiềm hãm kinh tế phát triển và làm chất lượng sống của người dân bị giảm sút. “Phải xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển đất nước” - ông thầm nhủ bằng sự quyết tâm.

Được bạn bè tư vấn, giới thiệu, ông tìm đến các công ty nổi tiếng ở Pháp về xây cầu để xin tư vấn và tìm tài trợ giúp Việt Nam. Công ty Freyssinet – Pháp (một trong những công ty xây cầu dây văng nổi tiếng nhất thế giới) đã nhận lời giúp ông.

Cầu Chữ Y là công trình đầu tiên được ông kết nối để Công ty Freyssinet nhận sửa chữa vào năm 1990, kế đến là cầu Tân Thuận.

Từ đó, uy tín của ông được nâng lên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lúc bấy giờ nhờ tìm tài trợ để tiếp tục sửa chữa hàng loạt cây cầu đã xuống cấp như: cầu Niệm, cầu An Dương (Hải Phòng), cầu sông Gianh, cầu Sài Gòn, đường hầm xe lửa qua đèo Hải Vân…

Thêm uy tín, thêm đóng góp

Qua nhiều năm làm việc với các công ty cầu đường của Pháp, ông băn khoăn: “Tại sao họ làm được những cây cầu bằng công nghệ hiện đại mà người Việt Nam mình lại không làm được?”. Bằng kinh nghiệm tích lũy được sau hơn chục năm làm việc với các công ty cầu đường lớn của Pháp, năm 2003, ông cùng bạn bè quyết định thành lập Công ty B.O.T cầu Phú Mỹ và ông giữ vị trí tổng giám đốc.

Đến tháng 2-2007, công trình cầu Phú Mỹ do công ty của ông làm chủ đầu tư chính thức được khởi công.

Cầu Phú Mỹ sẽ góp phần phát triển mạng lưới giao thông trục chính, nối kết giao thông tuyến vành đai 1 và 2 của TPHCM. Cây cầu này còn là yếu tố quyết định để hình thành hành lang giao thông mới từ miền Bắc, miền Trung đi về đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Đặc biệt, khi cây cầu được đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm bớt áp lực lưu thông xuyên tâm qua nội đô TPHCM. Đây là một trong những công trình giao thông thiết yếu vượt sông Sài Gòn, góp phần phát triển nhanh các khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn các quận 2, 7, 9.

Nhận thức được ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội mang lại từ cây cầu này, ông thực hiện nó bằng cả tâm huyết, với tinh thần làm việc cao độ. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào ngày 31-12-2009.

Tại lễ khởi công mặt sàn của nhịp dây văng vào ngày 9-9-2008, đơn vị thi công tuyên bố sẽ hợp long ngày 30-6-2009 và ngày 31-10-2009 cầu được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, ngày 19-5, cầu Phú Mỹ đã được hợp long. Điều này như món quà TPHCM dâng tặng Bác nhân ngày sinh nhật Người. Và, theo kế hoạch dịp lễ 2-9 tới, người dân TP sẽ được đi trên cây cầu hiện đại nhất TPHCM.

Chia tay ông ở phía chân cầu khi màn đêm đã buông xuống, chúng tôi nói như một sự chia sẻ niềm vui với ông: “Cầu Phú Mỹ thi công vượt tiến độ gần 4 tháng cũng là một sự kiện làm tăng uy tín của nhà đầu tư, vì trong thời điểm này hàng loạt công trình hạ tầng TPHCM đều chậm tiến độ”. TS Nguyễn Thành Thái chỉ cười nhẹ và nói: “Có thêm uy tín cũng là cơ hội để chúng tôi có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho quê hương mình”.

Hương Quỳnh

Tin cùng chuyên mục