Giá đền bù đất lúa sẽ cao gấp đôi đất thổ cư

Trước tình trạng nơi nơi tự làm quy hoạch, thậm chí “xé nát” cả quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rồi thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật” một cách bừa bãi để làm khu đô thị mới, khu công nghiệp, sân golf... Bộ NN-PTNT đã soạn thảo một nghị định về quản lý đất trồng lúa nước trong giai đoạn mới. Trong đó, một trong những nội dung hiện đang được nhiều người dân quan tâm là giá đền bù đất trồng lúa màu mỡ sẽ cao gấp 2 lần giá đất thổ cư ở cùng thời điểm.

Trước tình trạng nơi nơi tự làm quy hoạch, thậm chí “xé nát” cả quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rồi thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật” một cách bừa bãi để làm khu đô thị mới, khu công nghiệp, sân golf... Bộ NN-PTNT đã soạn thảo một nghị định về quản lý đất trồng lúa nước trong giai đoạn mới. Trong đó, một trong những nội dung hiện đang được nhiều người dân quan tâm là giá đền bù đất trồng lúa màu mỡ sẽ cao gấp 2 lần giá đất thổ cư ở cùng thời điểm.

Bảo vệ “bờ xôi ruộng mật”

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khẳng định, hiện tổng diện tích đất lúa trong cả nước chỉ còn lại là 4,1 triệu ha.

Nếu như giai đoạn 1995-2000, mỗi năm diện tích đất lúa đều tăng lên cả về diện tích lẫn chất lượng, do triển khai việc khai hoang ở những phần đất chưa sử dụng, nhờ chương trình thủy lợi ngọt hóa ĐBSCL, cải tạo đất bỏ hoang hóa do nhiễm phèn để đưa vào trồng lúa. Nhưng từ năm 2000 đến nay, diện tích đất trồng lúa liên tục giảm.

Nhiều nơi, tỷ lệ đất lúa đã giảm ở mức báo động. Có nhiều xã hiện 100% đất lúa đã bị thu hồi, nông dân không còn đất canh tác.
 
Cụ thể, gần 9 năm qua, diện tích đất lúa bị chuyển đổi đã lên tới 555.000ha. Trong đó, ĐBSCL là nơi có diện tích đất lúa giảm nhiều nhất với 205.000ha, chiếm 57% tổng diện tích của cả nước. Tại phía Bắc, Hải Dương là tỉnh có tỷ lệ giảm lớn nhất, bình quân 1.569 ha/năm, Hưng Yên 939 ha/năm, Hà Nội (cũ) là 653 ha/năm…
 
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, tình trạng các địa phương ồ ạt chuyển đổi đất nông nghiệp đã khiến cho sản lượng lúa bình quân mỗi năm giảm từ 400.000-500.000 tấn. Trong khi hiện nay, nhiều khu công nghiệp ở cả miền Bắc và miền Nam lại đang bỏ hoang hoặc chỉ lấp đầy khoảng 50%-70% lượng doanh nghiệp đến hoạt động.

Tương tự là các dự án khu du lịch, khu đô thị mới mặc dù chưa có năng lực triển khai song đã thu hồi đất của nông dân… Quan trọng hơn, việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động lớn tới đời sống kinh tế - xã hội của người nông dân, gây mất việc làm, giảm thu nhập…

Theo tính toán, đến năm 2020, dân số cả nước sẽ xấp xỉ 100 triệu người, năm 2030 sẽ có khoảng 110 triệu người. Như vậy, tổng nhu cầu lúa cho năm 2015 là 32,1 triệu tấn, năm 2020 là 35,2 triệu tấn và năm 2030 là 37,3 triệu tấn (chưa tính lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 8-9 triệu tấn lúa).
 
Đất lúa không còn rẻ

Do đó, không thể chậm hơn là ngay từ bây giờ phải có chính sách bảo vệ đất trồng lúa nước. Theo Bộ NN-PTNT, dự thảo sẽ hạn chế quyền chuyển đổi đất lúa của chủ tịch UBND các tỉnh. Sắp tới, lãnh đạo các tỉnh chỉ có quyền cấp phép chuyển mục đích sử dụng đối với đất lúa cho các dự án và các khu vực liền vùng dưới 5ha, mức cao hơn sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đặc biệt, nghị định đưa ra giá bồi thường đất lúa ở mức cao “chót vót”. Đó là, nếu vùng đất thích hợp trồng lúa nước, giá đền bù sẽ gấp 2 lần giá đất thổ cư ở cùng thời điểm. Còn lại, vùng đất ích thích hợp với lúa nước, giá đền bù cũng gấp 3-4 giá đất nông nghiệp khác ở cùng thời điểm.

Ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, ý tưởng của nghị định là làm sao để các nhà đầu tư hạn chế đầu tư trên đất lúa bởi với giá đền bù cao như vậy sẽ không còn hấp dẫn được nhà đầu tư nữa, họ sẽ phải tìm về đầu tư ở những khu vực giá đất rẻ hơn. Nếu chúng ta không tính toán cụ thể, mà cứ để tồn tại tình trạng chuyển đổi đất thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát như hiện nay thì đến năm 2020 chúng ta không còn đủ quỹ đất để đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước.

Ông khẳng định, nghị định bảo vệ đất lúa không phải làm khó cho nhà đầu tư, làm chậm quá trình đầu tư mà chúng ta có nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để đảm bảo tối thiểu diện tích cho sản xuất lương thực quốc gia, ông Ngọc cho rằng, Trung ương phải đứng ra cầm trịch, ngoài quy hoạch chung của cả nước, sẽ phải đưa ra quy hoạch giữ đất lúa cụ thể đối với mỗi địa phương, nếu để các địa phương tự quy hoạch thì đến năm 2020, chúng ta chỉ còn hơn 2 triệu ha đất trồng lúa.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục