"Trơ gan cùng tuế nguyệt”
Dự án KĐT Đông Tăng Long (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM) nằm cạnh đường Nguyễn Duy Trinh, cách trung tâm TPHCM khoảng 20km, được khởi công xây dựng từ năm 2005, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. KĐT này từng được giới thiệu nằm gần tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, gần đường Vành đai 2, bên cạnh đường Vành đai 3 và có nhiều liên kết vùng thuận lợi khác. Dự án được quy hoạch gần 160ha, với khu căn hộ phức hợp, chung cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, thể thao…, được kỳ vọng sẽ là một KĐT hiện đại ở phía Đông TPHCM.
Hiện tại, một số phân khu nhà phố, biệt thự của dự án đã hoàn thiện và bàn giao. Dự án đang có mức giá 65-70 triệu đồng/m2 đối với đất nền và dao động 8-18 tỷ đồng trở lên với nhà phố, 20-40 tỷ đồng/căn biệt thự, tùy vị trí và diện tích. Dù vậy, những căn nhà đã được bàn giao lại có rất ít cư dân sinh sống. Nhiều căn biệt thự do bỏ trống nhiều năm qua nên xuống cấp, cỏ mọc bao quanh. Anh Nguyễn Phú Lữ, sinh sống gần KĐT Đông Tăng Long, chia sẻ: Dù nhà cửa đẹp đẽ nhưng do cách xa trung tâm, dân cư hoang vắng nên hầu hết gia chủ ở nơi khác.
Một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương... tình trạng "giảm nhiệt" dự án BĐS cũng chưa khởi sắc. Ở Bình Dương, một thời gian dài rầm rộ, nhưng hiện nay mãi lực vẫn chưa cải thiện nhiều. Nhiều dự án của các nhà đầu tư, chẳng hạn như KDC Mỹ Phước 4, Cầu Đò có quy mô, được đầu tư hạ tầng hiện đại... thời gian qua vẫn hoạt động, đã thu hút người dân về ở, nhưng trước mãi lực giảm chung của thị trường... các dự án cũng "giảm nhiệt" về độ phủ xây dựng, người về an cư còn thưa.
Tại tỉnh Đồng Nai, sau 20 năm đầu tư hạ tầng, KĐT mới Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) vẫn hoang vắng. Các căn biệt thự “trơ gan” với nắng mưa, dân cư thưa thớt. Trong khi chờ được “đánh thức”, đất trống trong KĐT này được người dân tận dụng... chăn nuôi gia súc.
“Bội thực” nguồn cung?
Trong vòng 5 năm trở lại đây, Bình Dương nổi lên là “địa chỉ đỏ”, thu hút hàng loạt dự án KĐT, khu chung cư cao tầng, nhà phố của các đại gia BĐS Nam bộ. Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ đầu tư dự án Một Thế Giới (The One World) cho Kim Oanh Group, cùng 3 đối tác Nhật Bản. Dự án này có quy mô gần 50ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, được quy hoạch thành 6 phân khu, với khoảng 10.000 sản phẩm gồm: đất nền, shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự và căn hộ.
Không hề thua kém, gần đây tỉnh Long An xuất hiện nhiều dự án KĐT, thuộc sở hữu của Vinhomes, Ecopark, MIK Group, Cát Tường, Trần Anh, Eurowindow. Đầu tiên phải kể đến là dự án hợp tác đầu tư KĐT sinh thái, thương mại du lịch tại huyện Bến Lức giữa liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB và Công ty CP Tập đoàn Ecopark. Dự án này có vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng, quy mô tầm 220ha.
Một liên danh khác gồm Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đại An đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia thực hiện dự án KĐT mới Tân Mỹ (huyện Đức Hòa) - cả hai đều là công ty con của Công ty CP Vinhomes. KĐT mới Tân Mỹ có quy mô dân số gần 81.000 người, quy mô sử dụng đất 931ha, trong đó diện tích nhà ở thương mại khoảng 647ha, diện tích còn lại dành cho các phân khúc nhà ở khác.
Không chỉ phát triển các dự án KĐT ở các tỉnh lân cận TPHCM, nhiều doanh nghiệp địa ốc còn đầu tư phát triển các KĐT ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Đơn cử như Charm Group đang phát triển một dự án lớn tại trung tâm TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Hay mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư dự án KĐT tại TP Hà Tiên cho Công ty CP Tập đoàn Hà Đô. Dự án này có quy mô gần 100ha, với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Đại diện một chủ đầu tư cho biết, các doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển các dự án quy mô lớn, dạng KĐT vì muốn tận dụng tối đa quỹ đất và tạo ra các sản phẩm đa dạng hơn, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Trước thực trạng KĐT mới như trên, nhiều chuyên gia kiến nghị, các địa phương nên cân nhắc đến khả năng chi trả của người dân để có quyết định cho phép đầu tư phù hợp, bởi lẽ xây nhà nhưng bỏ hoang như hiện nay, vô cùng lãng phí.
TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM:
Người dân chỉ về sinh sống khi khu vực đó hoàn chỉnh không chỉ về hạ tầng kỹ thuật, mà còn về hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm, trung tâm mua sắm, chợ, thậm chí là chùa chiền, nhà thờ. Do đó, chủ đầu tư phải nhận ra rằng, họ không chỉ bán căn nhà đẹp hay căn biệt thự có nhiều mảng xanh, sông nước bao quanh mà còn phải cung cấp được các tiện ích lâu dài cho cuộc sống.