Sống chung với thiếu điện

Tại Đà Nẵng, trong ngày 22-4, nhiều khu vực tiếp tục bị cúp điện trong khi thời tiết nắng nóng đến 36-37°C, nên đã làm cho nhiều người dân phải “kêu trời”. Hàng ngàn người đổ ra biển hoặc bờ Tây sông Hàn để tránh cái nắng hầm hập, nóng bức.

Để có thể “sống chung với… cúp điện” mà theo dự báo sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới, những ngày qua, người dân ở Đà Nẵng đổ xô đi mua quạt tích điện, đèn sạt điện và máy phát điện. Do vậy hôm qua, nhiều cửa hàng quạt máy trên tuyến đường Hùng Vương, TP Đà Nẵng luôn tấp nập khách đến mua hàng.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, cho biết, cách đây 2 ngày anh mua với giá 600.000/chiếc quạt tích điện, hôm nay đến mua thêm 1 chiếc nữa giá đã đẩy lên 800.000/chiếc. Nhiều sản phẩm khác cũng tăng giá đột biến.

Trong khi đó, BS Phạm Hồng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Các bệnh viện, trung tâm y tế chịu cảnh mất điện mỗi tuần ít nhất từ một buổi đến một ngày. Mặc dù tại các cơ sở y tế có máy nổ dự phòng nhưng khó có thể đáp ứng nổi theo nhu cầu của người bệnh trong trường hợp tình trạng này kéo dài.

Tương tự tại Thừa Thiên - Huế, giải pháp duy nhất các bệnh viện huyện đối phó với tình trạng bị cắt điện là dùng máy nổ. Nhiều doanh nghiệp cho biết: Điện lực Thừa Thiên - Huế có thông báo lịch cúp điện nhưng lại thay đổi kế hoạch đột ngột nên không trở tay kịp. Cụ thể, Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương có 156 lao động trực tiếp tham gia tiếp nhận và xử lý 200 tấn rác thải các loại/ngày.

Tuy nhiên, hơn một tháng qua, ngành điện lực thường cắt điện đột ngột trong điều kiện nắng nóng khiến sản xuất đình trệ, công nhân của nhà máy được điều động đến làm việc phải ngồi chờ hàng giờ đồng hồ, nhưng nhà máy vẫn phải trả công...

Còn ông Nguyễn Nhuận (1936- Khu dân cư Bắc Hà Thanh, phường Đống Đa, Quy Nhơn) than thở: “Nhà tôi có một người già đang đau ốm nằm liệt một chỗ và hai đứa cháu nhỏ nên mỗi khi cắt điện là chúng khóc liên tục, còn vợ tôi thì nổi cơn ho và khó thở”.

Cũng như gia đình ông Nhuận, nhiều người dân ở TP Quy Nhơn phải “gồng mình” mua các loại máy phát điện, quạt sạc, đèn sạc điện,… để “sống chung” với tình trạng bị cắt điện.

Hôm qua, tại Bình Dương, hàng trăm doanh nghiệp may mặc, đồ gỗ chen nhau đăng ký thuê máy điện tại Công ty TNHH Một thành viên TM-DV-KT Bình Phú (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Bởi vì từ hôm nay (23-4), hầu hết các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát và thị xã Thủ Dầu Một bị cắt điện.

Theo ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc Điện lực Bình Dương, việc cắt điện 2 lần/tuần, từ 6 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày, khiến nhiều khu vực sản xuất công nghiệp và sinh hoạt bị đảo lộn.

Tại các khu công nghiệp ở Cần Thơ, cúp điện liên tục nhiều ngày qua, gây khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã phản ánh lên ban quản lý KCN - KCX Cần Thơ và các ngành chức năng yêu cầu xem xét, có biện pháp khắc phục.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp-Khu chế xuất Cần Thơ, cho biết, tình trạng cúp điện thường xuyên như hiện nay ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi rất đau đầu vì khả năng giải quyết vấn đề này thuộc ngành điện.

Đề nghị ngành điện khi cúp điện phải báo trước, nếu không doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn… Liên tục 2 ngày qua, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với Điện lực Cần Thơ để tìm hiểu thông tin về giải pháp cung cấp điện cao điểm mùa khô nhưng vẫn không gặp được người có thẩm quyền trả lời.

Tại TPHCM hôm qua xuất hiện một vài khu vực mất điện đột xuất do quá tải như trạm 500 kV Phú Lâm nên một số khu vực thuộc phường 4, 5 quận 8 và phường An Lạc, An Lạc A quận Bình Tân bị cúp điện hơn 1 giờ; một phần khu vực xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh và một phần xã Tân An Hội, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Hiệp và thị trấn Củ Chi bị cũng bị mất điện gần 3 giờ.

Một cán bộ Trung tâm Điều độ thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, các sự cố xảy ra cúp điện nêu trên là do thời tiết nắng nóng nguồn cung tăng đột biến khiến rờ-le tự bật hoặc hỏng cò đấu.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), với việc hàng loạt dự án chậm tiến độ, tình trạng khô hạn thì việc thiếu hụt điện sẽ diễn ra trầm trọng trong năm nay, đặc biệt là các tháng cao điểm của mùa khô tháng 5 và 6.

Theo tính toán của ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc EVN, chưa năm nào, 3 nhà máy thủy điện lớn nhất miền Bắc là Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phải vận hành với sản lượng thấp như hiện nay. Chính vì lượng nước về các hồ thủy điện thấp từ đầu mùa khô tới nay nên EVN đã phải khống chế sản lượng phát điện của 20 nhà máy lớn trong hệ thống.

Nhu cầu điện các tháng 4, 5, 6 dự kiến 285-300 triệu kWh/ngày nhưng để đảm bảo an toàn hệ thống điện, thì sản lượng điện phát tối đa trung bình ngày toàn hệ thống từ tháng 4 đến 6 chỉ đạt mức 270, 275 và 285 triệu kWh/ngày. Như vậy, mỗi ngày hệ thống điện quốc gia thiếu khoảng 10-15 triệu kWh.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục