Nhọc nhằn tàu xe vào Nam

Tiếp tục tăng cường đầu xe phục vụ khách
Nhọc nhằn tàu xe vào Nam

Nhiều người quan niệm đi vào những ngày chẵn trong dịp đầu năm sẽ gặp may mắn, làm ăn thuận lợi cho cả năm, nên trong ngày 8-2 (tức mùng 6 Tết Tân Mão), hàng ngàn hành khách đã tập trung về các bến xe, nhà ga, sân bay để tìm một chỗ vào Nam tiếp tục làm ăn sinh sống sau khi về quê ăn tết. Tình trạng “cháy” vé tàu, xe vào Nam tiếp tục diễn ra ở các tỉnh miền Trung.

Hết vé tàu, máy bay - xe khách nâng giá vé

Tại ga Đà Nẵng trong ngày 8-2, hàng trăm hành khách đến hỏi mua vé tàu đi TPHCM nhưng tất cả đều thất vọng bởi vé đã bán hết. Không có vé, chị Đỗ Thị Hạnh hối hả bắt xe ôm quay ngược lên hướng bến xe Đà Nẵng tìm một vé vào TPHCM để kịp công việc của công ty. Thế nhưng đến trưa cùng ngày, chị vẫn còn vất vưởng ngoài quốc lộ 1A. Chị cho biết, xe nào cũng chật cứng, hét giá trên trời: 700.000 đồng/người.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Thái Lâm, Phó ga Đà Nẵng, cho biết: Trung bình mỗi ngày có 700-900 hành khách xuất phát từ ga đi các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, từ mùng 6 đến mùng 8, ga Đà Nẵng đã phải tăng thêm 3 đoàn tàu (800 ghế/đoàn tàu) đi TPHCM. Do lượng khách quá lớn nên vé đi các tỉnh phía Nam từ nay đến ngày 15 tháng giêng Tân Mão đã bán hết. Trong khi đó, các đại lý vé máy bay ở Đà Nẵng đều cho biết đã hết vé đi TPHCM đến ngày 14 tháng giêng Tân Mão.

Từ tờ mờ sáng cho đến tận chiều mùng 6 Tết Tân Mão, dọc quốc lộ 1 tỉnh Quảng Nam, tại các ngã ba Vĩnh Điện (Điện Bàn), ngã ba Hương An (Quế Sơn), ngã tư Hà Lam, ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình) và đường Nguyễn Hoàng (TP Tam Kỳ) đông nghịt hành khách “tay xách nách mang” chờ đón xe vào Nam. Hầu hết xe khách vào Nam khi đến địa bàn Quảng Nam đều kín ghế nên hàng trăm công nhân người Quảng Nam làm việc tại các tỉnh phía Nam không thể đón xe vào Nam.

Điều đáng nói, lợi dụng quan niệm “ngày tốt” của người dân, nhà xe tha hồ tăng giá cước, gấp 2 lần so với ngày thường.

Quảng Ngãi có 6 công ty xe khách chất lượng cao với hơn 100 đầu xe. Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Quảng Ngãi, cho biết, để giải quyết hành khách đi lại sau tết, công ty đã liên kết với một số HTX vận tải và Công ty Xe khách ở TPHCM tăng cường hơn 50 đầu xe phục vụ hành khách tuyến Quảng Ngãi - TPHCM, bình quân mỗi ngày có từ 2.500 - 3.000 hành khách đi TPHCM. Tuy nhiên, vé xe đã bán đến ngày 16 tháng giêng.

Sáng sớm 8-2, tại đoạn đường tránh TP Huế giao nhau với đường quốc lộ 1A ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy đã có hàng trăm người dân đứng ngồi dọc lề đường để đón xe. Dù 5-10 phút có một chuyến xe vào Nam nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách vì các xe hầu như đã kín chỗ. Nhiều người vật vã đợi chờ 4 - 5 giờ mới đón được xe.

Do lượng khách vào đông nên từ Huế vào TPHCM được các nhà xe nâng giá 400.000-500.000 đồng/vé khi đón xe tại bến cóc này. Trong khi đó, tại Bến xe phía Nam TP Huế, ngày 8-2 cũng có rất đông khách đón xe vào Nam. Dù lượng xe đã được tăng cường rất nhiều lần so với ngày thường nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Giá vé vào TPHCM của các hãng xe chất lượng cao như hãng Hoàng Long, Thuận Thảo, Hưng Thành… tăng khoảng 50%-60% so với vé ngày thường (từ 800.000 - 1,3 triệu đồng/vé) nhưng lượng vé đã được bán hết, muốn vào Nam chỉ còn mua vé ghế phụ hoặc đi sau 14-2. Tại ga Huế, trong ngày có rất nhiều người dân tới mua vé vào các tỉnh, TP phía Nam nhưng nhà ga cho biết chỉ còn vé sau ngày 14-2.

Tiếp tục tăng cường đầu xe phục vụ khách

Mùng 6 Tết Tân Mão, hàng ngàn người dân từ khắp các vùng quê Hà Tĩnh tay xách, nách mang ba lô, hành lý và người thân đi đưa tiễn “ùn ùn” vào Nam. Khác với các năm trước, năm nay hầu hết người dân Hà Tĩnh bắt đầu tập trung về các bến xe trên địa bàn để mua vé đi tuyến cố định.

Ban quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh và các doanh nghiệp vận tải đã tăng cường thêm gần 100 chuyến xe chất lượng cao loại 16 chỗ ngồi trở lên. “Năm nay, nhờ Ban quản lý các bến xe và nhà xe tổ chức bán vé khứ hồi với giá cả hợp lý, người dân mua vé khứ hồi sau tết nhiều cho nên đã giảm được áp lực khách ở bến xe, đặc biệt là số khách vẫy xe dù tại các bến cóc trên quốc lộ 1A giảm mạnh so với năm trước…” - ông Bùi Phan Lương, Phó Ban quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh khẳng định.

Ngày 8-2, lượng khách vào bến xe Quy Nhơn để đi vào các tỉnh phía Nam tăng đột biến. Ảnh: HÀ THANH

Ngày 8-2, lượng khách vào bến xe Quy Nhơn để đi vào các tỉnh phía Nam tăng đột biến. Ảnh: HÀ THANH

Tại TP Quy Nhơn (Bình Định), khác với mọi năm, mùng 6 Tết Tân Mão năm nay, lượng khách đi vào các tỉnh phía Nam không còn tập trung nhiều trên quốc lộ 1A để đón xe mà hầu hết đều vào Bến xe trung tâm Quy Nhơn để mua vé. Chị Dương Thị Nhi (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), đang buôn bán tại TPHCM, cho biết: “Tôi đã đặt mua vé đi TPHCM vào mùng 10 Tết Tân Mão từ 2 tháng trước nhưng vì có việc cần vào gấp nên phải lên đường vào ngày mùng 6. Vì quá sợ cảnh “xe dù” nhồi nhét nên tôi vào Bến xe Quy Nhơn “thử vận may” và mua vé có giường nằm. Tuy giá vé xe chất lượng cao trong bến có cao hơn các “xe dù” bên ngoài khoảng 100.000 đồng nhưng vẫn chấp nhận được”.

Theo ông Phan Chánh, Giám đốc Công ty Bến xe Bình Định cho biết, trong 6 ngày đầu năm Tết Tân Mão đã có hơn 15.000 lượt khách được vận chuyển từ TP Quy Nhơn đi TPHCM. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 chuyến xe từ Quy Nhơn xuất bến đi TPHCM; những ngày tới sẽ tăng cường lên 50 chuyến xe xuất bến/ngày.

Trong khi đó, Giám đốc Bến xe liên tỉnh Phú Yên Trần Văn Trình cho biết, năm nay, lượng hành khách trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ tết tăng đột biến. Từ mùng 1 đến mùng 4 Tết Tân Mão đã có gần 100 chuyến xe xuất bến để đi TPHCM. Theo dự kiến, các ngày từ mùng 6 đến mùng 10 tháng giêng, mỗi ngày cần từ 55 - 60 xe loại 50 chỗ ngồi cho tuyến Tuy Hòa - TPHCM.

Hiện nhiều hãng vận tải chạy tuyến Nha Trang - TPHCM cũng đã đưa xe ra Tuy Hòa để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Nhóm PV

* Tối 8-2, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết đến 19 giờ cùng ngày có 1.800 xe từ các tỉnh, thành vào bến xe đưa khoảng 48.000 hành khách về TPHCM. “Để cho xe quay đầu nhanh giải tỏa khách tại các bến xe (nhất là các tuyến Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc) bến xe làm các thủ tục xuất bến trong vòng 1 phút để xe xuất bến ngay. Bên cạnh đó, bến xe còn giảm 50% phí dịch vụ xe qua bến cho tất cả các xe vào bến trả khách.

Tương tự, lượng khách từ các tỉnh đổ về Bến xe miền Tây tăng, với khoảng 37.000 khách. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ga Sài Gòn, cho biết có khoảng 22.000 hành khách về ga Sài Gòn và các đoàn tàu đã tăng cường hết ghế phụ nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách trở lại TPHCM làm việc và học tập.

Q.Hùng

  • Hà Nội: Ùn tắc giao thông

Hôm qua 8-2, ở các cửa ngõ của thủ đô Hà Nội như Giáp Bát - Pháp Vân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên… vẫn diễn ra tình trạng quá tải do người dân đổ về khu vực trung tâm. Trong khi tại các bến xe lớn như Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm… đón nhận hàng vạn hành khách đổ về thì cũng có hàng ngàn hành khách tìm xe đi các tỉnh lẻ, dẫn tới tình trạng lộn xộn, chen chúc, cò xe ra sức mời mọc, nâng giá.

Đồng thời, cũng do là ngày đầu tiên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức làm việc bình thường trở lại sau hơn 1 tuần được nghỉ tết dài, trong khi cũng có nhiều người vẫn tổ chức đi lễ chùa đầu năm, đi thăm hỏi, chúc tết, dòng người và xe cộ đổ ra đường rất đông nên tại nhiều tuyến đường của Hà Nội lại tái diễn cảnh tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Ở ga Lào Cai, hôm qua vẫn còn nhiều hành khách không thể mua được vé tàu để xuôi Hà Nội, do các tàu đều quá tải.

Còn trên sông Hồng, suốt từ mùng 1 Tết Tân Mão tới nay, lượng người từ Hà Nội đổ lên Vĩnh Phúc, Phú Thọ để chúc tết, đi lễ Đền Hùng đầu năm và theo chiều ngược lại, tại khu vực phà Yên Thịnh - Vĩnh Thịnh (Sơn Tây, Hà Nội) liên tục trong tình trạng quá tải.

Do sông Hồng đang vào thời điểm cạn kiệt nguồn nước, lòng sông cạn trơ đáy nên các đôi phà hoạt động rất khó khăn. Nhân cơ hội này, ban quản lý phà đã tự ý đẩy mức phí lưu thông của hành khách lên gấp 3-4 lần bình thường.

Thậm chí người dân đi bộ bình thường được miễn phí qua phà thì hiện nay cũng bị thu mức 5.000 đồng/người khiến nhiều hành khách bức xúc.

  • ĐBSCL: Xe tư nhân tăng giá vé

Hôm qua 8-2, lượng người từ các tỉnh thành ĐBSCL sau khi nghỉ tết đã trở lên TPHCM và các tỉnh miền Đông làm việc tăng cao so với ngày 7-2. Theo Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, trong ngày mùng 6 Tết ước khoảng 20.000 - 22.000 lượt người qua lại Bến xe tàu Cần Thơ. Dù số người tăng nhưng nhờ chủ động đầy đủ các phương tiện vận chuyển nên hành khách không phải chờ lâu.

Tại An Giang, khoảng 10 giờ sáng 8-2, lượng xe từ các huyện trong tỉnh và từ Kiên Giang qua phà Vàm Cống rất đông, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm ngoái. Để tránh tình trạng kẹt phà kéo dài, Ban giám đốc Cụm phà Vàm Cống huy động đến 12 chiếc phà chạy liên tục.

Trong khi đó, nhiều xe dù tư nhân lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân nên đã nâng giá vé và ém khách. Ngày 8-2, ông Đỗ Chiến Đấu, Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai, cho biết, những ngày sau Tết Tân Mão, các tuyến xe khách từ TP Pleiku đến Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM đã bắt đầu “nóng” lên, song căng thẳng nhất vẫn là tuyến TP Pleiku - TPHCM.

Bến xe đã huy động 72 chuyến ngày/đêm cho tuyến đường này (tăng 50 chuyến so với ngày thường) nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách. Bến xe phải tăng cường thêm xe buýt phục vụ nhu cầu quá cao của hành khách ở tuyến đường này. Vé đi tuyến Pleiku - TPHCM đã được bán hết đến ngày 12 Âm lịch.

Tại Đà Lạt, tuyến đi TPHCM cũng rất đông khách. Các hãng xe có thương hiệu như Thành Bưởi, Phương Trang, Mai Linh ngày nào cũng đông khách. Phần lớn khách có nhu cầu đi những ngày này đã đặt mua vé từ trước tết.

Tin cùng chuyên mục