Bất cập bến xe tại TPHCM

Có một thực tế là hầu hết các bến xe đầu mối trên địa bàn TPHCM đều đang tồn tại hàng loạt những bất cập và vì thế chưa thể khai thác hết, khai thác đúng công năng của bến!
Bất cập bến xe tại TPHCM

Có một thực tế là hầu hết các bến xe đầu mối trên địa bàn TPHCM đều đang tồn tại hàng loạt những bất cập và vì thế chưa thể khai thác hết, khai thác đúng công năng của bến!

  • Đủ dạng bất cập

Một trong những đặc điểm nổi bật, nhưng cũng chính là hạn chế đáng chú ý của các bến xe đầu mối trên địa bàn thành phố lâu nay, đó là đa phần - nếu không muốn nói tất cả - đều nằm lọt thỏm, nằm “trà trộn” trong các khu dân cư đông đúc. Điển hình như Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây và Bến xe An Sương.

Bình thường thì có thể “không mùi mẽ gì cho lắm”, nhưng cứ hễ vào dịp lễ hội hay tết nhất, người ta mới thấy rõ sự xô bồ, bát nháo, quá tải cả trong lẫn ngoài khuôn viên các bến - nhất là bên ngoài khuôn viên bến - mà một trong những nguyên nhân là do chính sự tập trung dân cư quá mức vây quanh các bến xe!

Hoạt động vận chuyển hành khách tại Bến xe miền Đông. Ảnh: KIM NGÂN

Hoạt động vận chuyển hành khách tại Bến xe miền Đông. Ảnh: KIM NGÂN

Điểm danh các bến xe cửa ngõ của thành phố, người ta chợt nhận ra rằng tất cả đều được bố trí, quy hoạch ở các góc cạnh quốc lộ. Bến xe Ngã tư Ga nằm trên Quốc lộ 1A, Bến xe An Sương nằm ở góc giao Quốc lộ 22 và Quốc lộ 1, Bến xe miền Tây nằm trên Quốc lộ 1 và Bến xe miền Đông là bên Quốc lộ 13. Mặt tích cực của vị trí như thế này, trên lý thuyết là thuận lợi cho nhu cầu của hành khách đến/đi các bến. Thế nhưng, thực tế không hẳn như vậy, mà trường hợp của Bến xe An Sương và Bến xe Ngã tư Ga là những dẫn chứng cụ thể.

Bến xe Ngã tư Ga nằm trên trục giao thông Quốc lộ 1A, sát khu dân cư đông đúc và khu công nghiệp của thành phố và tỉnh Bình Dương, cận kề cầu vượt Ngã tư Ga. Tuy vị thế thuận lợi như vậy nhưng mặt tiền của bến xe - do nằm trên trục Quốc lộ - lại bị chắn ngang bởi một giải phân cách dài ngoằng. Hệ quả là hành khách ở phía bên kia đường, muốn đi vào bến thì chỉ có một cách duy nhất là buộc phải đi đường vòng “chỉ” chừng… 2 cây số! Bến xe An Sương cũng bị “rào cản” là một giải phân cách giữa đường giống thế. Điều này vô hình trung gây ra tâm lý ngán ngại vào bến đối với hành khách.

Bến xe miền Đông được bao quanh bởi những tuyến đường sầm uất người và xe, bản thân bến xe được đầu tư cải tạo bề thế và hoành tráng, thế nhưng phía trước mặt nó, bên phía đường Đinh Bộ Lĩnh, lại ngang nhiên tồn tại một bến xe “cóc nhưng không phải cóc” bởi vì cũng có giấy phép hoạt động đàng hoàng! Sự chồng chéo giữa bến chính bến phụ này, như nhận định của một đại biểu Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, những hạn chế khác như sự cạnh tranh không lành mạnh giữa bến xe khách đường dài và xe khách đường ngắn, thiếu một sự linh động và nhạy bén trong việc định ra đơn giá lệ phí xe khách các tỉnh qua bến…

  • Bài toán quản lý

Trường hợp các giải phân cách vô hình trung tạo rào cản tâm lý đối với hành khách muốn vào bến đi cho “đàng hoàng”. Hiện tượng bắt xe dọc đường như đã và đang xảy ra tại các Bến xe An Sương và Bến xe Ngã tư Ga cũng cho thấy có gì đó không ổn trong công tác quản lý quy hoạch. Hoặc bản thân các bến xe ấy đã được đặt để ở vị trí chưa thực sự hợp lý, hoặc giải phân cách đã nằm không đúng chỗ, hoặc thiếu một cầu vượt bộ hành cho hành khách từ phía bên này đường muốn vào bến xe.

Tình huống “bến xe đối mặt bến xe” như xảy ra tại Bến xe miền Đông cũng nằm trong phạm trù quản lý chưa hợp lý, ít nhất là ở khâu quản lý cấp phép hoạt động đối với bến xe “phụ” trên đường Đinh Bộ Lĩnh. Vẫn vị đại biểu Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM nói trên đã từng chất vấn rằng trách nhiệm của ngành giao thông công chính nằm ở đâu khi để tồn tại bến-cóc-có-giấy-phép này. “Ngay cả bến có giấy phép thì vì sự bất hợp lý, vẫn cần phải rút lại giấy phép hoạt động của bến cóc đó”, vị đại biểu HĐND TPHCM này quả quyết.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, những tồn tại xoay quanh các bến xe nêu trên không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ hạn chế trong quản lý quy hoạch của ngành chức năng, mà đôi khi lại đến từ yếu tố khách quan lịch sử hoặc từ tâm lý của chính người dân. Bởi vì chính từ tâm lý của không ít người dân vốn dĩ “thích” quần tụ chung quanh các bến xe, xem đó là cơ hội, điều kiện mưu sinh, làm ăn tiện hơn những nơi không có bến xe, nên mới có chuyện bến xe đặt ở đâu thì lần hồi tự phát dân cư mọc lên đông đúc ở đó. Trường hợp của Bến xe An Sương là một ví dụ.

Khi được thành lập cách đây khoảng 20 năm, vị trí đặt Bến xe An Sương chỉ là một vùng đất trống, đất nông nghiệp năng suất kém hầu như chỉ có mỗi chức năng duy nhất là để tiêu thoát nước tự nhiên. Sự xuất hiện một bến xe cửa ngõ đã lần hồi và chóng vánh biến vùng đất trống thành khu dân cư tập trung náo nhiệt, sầm uất như đang tồn tại. Có lẽ không quá lời khi nói rằng bến xe chính là tiền đề hình thành nên các khu dân cư mới! Và đây là một bài toán khó cho ngành chức năng

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục