Mất nón bảo hiểm - “Bó tay” nạn trộm nón!

Bốc hơi
Mất nón bảo hiểm - “Bó tay” nạn trộm nón!

Theo dự thảo Thông tư liên tịch mới của liên bộ KH-CN, Công thương, Công an và GTVT, tới đây người điều khiển xe gắn máy bắt buộc phải sử dụng nón bảo hiểm đúng quy chuẩn, có dấu chứng nhận hợp quy. Trong khi đó, hiện nay dù chưa có thống kê hay điều tra cụ thể nhưng nạn đạo chích nón bảo hiểm “xịn” đang diễn ra ngày một phổ biến gây bức xúc cho người dân. Vấn đề đáng nói là hành vi trộm cắp phổ biến này dù gây nguy hiểm đến tính mạng người bị trộm nón nhưng vẫn không thể xử lý.

Bãi giữ xe tại siêu thị trở thành nơi các đối tượng trộm cắp nón bảo hiểm. (Ảnh mang tính minh họa)

Bãi giữ xe tại siêu thị trở thành nơi các đối tượng trộm cắp nón bảo hiểm. (Ảnh mang tính minh họa)

Bốc hơi

Chỉ trong vòng hai ngày, ông Trần Văn Đông (ngụ tại phường 4 quận 3 TPHCM) bị mất hai cái nón bảo hiểm loại tốt. Do công ty nơi ông làm việc không có bãi giữ xe, ông thường gửi xe tại một siêu thị gần đó. Xe ông là xe mô tô nên mỗi lần vào bãi giữ xe, ông vẫn được nhân viên giữ xe cho dựng xe ở một góc riêng, vì thế ông yên tâm treo nón trên xe. Một ngày đẹp trời, khi tan sở, ông Đông ra lấy xe thì chiếc nón bảo hiểm có giá hơn 500.000 đồng đã không cánh mà bay.

Sợ bị cảnh sát giao thông phạt, ông đành tấp vô lề đường mua cái nón bảo hiểm dỏm giá 35.000 đồng đội đỡ. Trên đường về nhà, ông mua lại chiếc nón bảo hiểm loại tốt với giá gần 600.000 đồng. Ai dè hôm sau, khi đi chơi với bạn tại Parkson Hùng Vương, chiếc nón bảo hiểm mới cáu của ông lại một lần nữa bị lấy trộm. Ông bức xúc: “Không muốn đội nón dỏm để đối phó với cảnh sát nhưng bị lấy cắp hoài kiểu này chắc tui cũng phải xài nón lề đường thôi”.

Tại bãi xe của các trung tâm thương mại lớn thường có thêm dịch vụ giữ nón bảo hiểm, giá gửi tương đương với giá giữ xe. Một xe đi 2 người, nếu cùng gửi nón thì mất thêm 3.000 – 5.000 đồng nên hầu như người dân vẫn có thói quen treo nón trên xe. Đây là sơ hở để kẻ trộm ra tay. Có người cẩn thận hơn, quàng quai nón vào cốp xe rồi khóa lại nhưng vẫn bị mất. Cuối tuần rồi, chị Trần Kim Quy (nhân viên một công ty truyền thông tại quận 1) khi gửi xe tại bãi xe bên hông Nhà văn hóa Thanh Niên đã bị kẻ trộm cắt quai, lấy mất chiếc nón bảo hiểm hiệu có giá hơn 400.000 đồng.

Sau 2 lần bị mất nón hàng hiệu, chị Quy đành từ bỏ sở thích đội nón bảo hiểm đẹp, chuyển sang đội nón loại 30.000 đồng. Chị than: “Không lẽ đi đâu cũng kè kè ôm nón? Mà đâu phải chỗ giữ xe nào cũng chịu giữ nón riêng. Thôi xài nón dỏm, nếu mất cũng đỡ tiếc”. Hỏi thăm các nhân viên giữ xe tại bãi xe gần Công viên 30-4, họ cho biết ngày nào cũng xảy ra việc nón bảo hiểm bị trộm. Các loại nón hay bị trộm nhất là nón bảo hiểm của Thái, nón nhãn hiệu Sơn, nón trùm tai loại dành cho đi xe mô tô hay các loại nón bảo hiểm tốt, mới, có màu sắc, hình vẽ bắt mắt.

Kẽ hở

Chưa ai thống kê được mỗi ngày, trên địa bàn TPHCM xảy ra bao nhiêu vụ trộm nón bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu tính trung bình mỗi chiếc nón bảo hiểm loại tốt có giá từ 200.000 - 500.000 đồng thì giá trị tài sản bị mất cắp không phải là nhỏ. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân, bởi nếu đội nón bảo hiểm kém chất lượng sẽ rất nguy hiểm khi chẳng may gặp tai nạn giao thông, thế nhưng khi bắt được kẻ trộm thì lại không thể xử lý hình sự.

Một nhân viên của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP kể: “Một lần, đang làm nhiệm vụ tại bãi giữ xe của Bệnh viện Trưng Vương (phường 14 quận 10), chúng tôi bắt quả tang một người đang trộm nón bảo hiểm trên xe của khách hàng. Vậy mà khi giải đối tượng này lên công an phường để xử lý, chúng tôi chưng hửng khi nghe câu trả lời: chuyện nhỏ như vầy mà cũng đưa đến công an, không xử lý được đâu, thả ra đi! Khách hàng mất nón thì cứ phàn nàn, thậm chí là mắng chúng tôi nhưng bắt được trộm rồi thì cũng phải cho đi chứ đâu làm được gì”.

Xảy ra việc trên là do quy định của pháp luật nâng mức định lượng đối với nhiều tội danh, trong đó có tội trộm cắp tài sản. Cụ thể, trong trường hợp tài sản bị trộm có giá trị dưới 2 triệu đồng (trước đây chỉ là 500.000 đồng), đối tượng phạm tội lần đầu không bị xử lý hình sự. Chỉ khi tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đối tượng trộm cắp đã từng bị xử phạt hành chính hay bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích thì mới bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm (khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự). Quy định này tuy xuất phát từ mục đích nhân đạo nhưng đã vô tình tạo kẽ hở cho không ít kẻ trộm ung dung phạm tội với suy nghĩ: “Nếu bị bắt lần đầu tiên cũng sẽ thoát thôi”. Do vậy, để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần thiết sửa quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế hơn để có biện pháp xử lý nghiêm hành vi trộm nón bảo hiểm.

Ái Chân – Mai Hương

Tin cùng chuyên mục