Hiện tượng “bỗng dưng thành tội phạm man rợ” - Hệ quả của xã hội thời chuyển tiếp

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ án giết người, hiếp dâm kinh hoàng khiến dư luận bức xúc, hoang mang. Điều khó hiểu là nhiều người phạm tội trước đó được đánh giá là rất ngoan, hiền, nhưng chỉ trong phút chốc bỗng biến thành con người khác hoàn toàn với những hành động hung bạo, man rợ. Vì sao lại như vậy? Phóng viên Báo SGGP đã trò chuyện với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm (ảnh), Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (Đại học KHXH-NV TPHCM), để tìm cách lý giải cho hiện tượng trên.* Phóng viên:
Hiện tượng “bỗng dưng thành tội phạm man rợ” - Hệ quả của xã hội thời chuyển tiếp

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ án giết người, hiếp dâm kinh hoàng khiến dư luận bức xúc, hoang mang. Điều khó hiểu là nhiều người phạm tội trước đó được đánh giá là rất ngoan, hiền, nhưng chỉ trong phút chốc bỗng biến thành con người khác hoàn toàn với những hành động hung bạo, man rợ. Vì sao lại như vậy? Phóng viên Báo SGGP đã trò chuyện với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm (ảnh), Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (Đại học KHXH-NV TPHCM), để tìm cách lý giải cho hiện tượng trên.

* Phóng viên:
Thưa giáo sư, người Việt vốn trọng tình, trọng sự hòa thuận, luôn cẩn thận từ lời ăn tiếng nói để giữ gìn, bảo vệ các mối quan hệ trong gia đình và cộng đồng. Vậy mà giờ đây, lối “nói chuyện bằng dao kiếm” lại có xu hướng nảy nở tràn lan. Giáo sư có nhận xét gì về tình trạng trên?

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm

* GS-TS TRẦN NGỌC THÊM: Chúng ta đang sống trong một giai đoạn chuyển tiếp từ văn hóa truyền thống đến văn hóa hiện đại, từ văn hóa nông nghiệp đến văn hóa công nghiệp, từ văn hóa nông thôn làng xã đến văn hóa đô thị. Trọng tình, trọng nghĩa là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp làng xã truyền thống. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống dựa trên tính cộng đồng làng xã đang bị phá vỡ quá nhanh, không còn phù hợp với môi trường mới. Tuy đâu đâu ta cũng thấy treo biển “làng văn hóa”, “khu phố văn hóa”, nhưng trên thực tế ở không ít nơi trên là bảng văn hóa, dưới là đống rác, là bơm kim tiêm vứt bừa bãi.

Trong khi đó, những giá trị văn hóa mới đang hình thành, chưa đủ để thay thế hoàn toàn văn hóa nông nghiệp. Những giá trị văn hóa mới hoặc xây dựng mãi nhưng chưa hình thành như việc xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật; hoặc, chưa kịp hình thành đã bị “chết yểu”, thoái hóa: những “công bộc” của dân là những hạt giống tốt của nền văn hóa mới nhưng một bộ phận lại bị biến chất, cửa quyền, ăn hối lộ, thậm chí cả tham nhũng. Có thể nói, văn hóa nước nhà đang ở ngã ba đường, văn hóa truyền thống tốt đẹp thì đã bị giải cấu trúc, trong khi văn hóa kỷ cương chặt chẽ, ý thức thượng tôn pháp luật như các nước phát triển thì lại chưa hình thành. Đó là nguyên nhân cơ bản của lối “nói chuyện bằng dao kiếm”…

* Rất nhiều trường hợp bình thường được nhận xét là hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng phút chốc bỗng biến thành một con người khác với hành động vô cùng man rợ, hung bạo. Phải chăng, trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập, khi tính cộng đồng và tính ổn định trong từng gia đình không còn vững chắc nhưng cái “tôi” cá nhân lại chưa được giải phóng hoàn toàn đã dẫn đến lệch lạc như hiện nay?

* Xã hội VN trước đây bao cấp một cách toàn diện, cộng đồng bao cấp cá nhân, gia đình bao cấp con cái dẫn đến tình trạng con người bị lệ thuộc, có thói quen ỷ lại, dựa dẫm, không có bản lĩnh, không tự lập. Thành ra hiện nay, khi cá nhân được giải phóng (dẫu chưa hoàn toàn) thì những cá nhân do không đủ bản lĩnh để tự lập, không đủ khả năng tự chủ bản thân, lại có phông văn hóa quá mỏng đã không đủ sức kiềm chế, điều tiết tâm lý và hành vi. Những người có hành động man rợ như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, Đặng Trần Hoài… đều có tuổi đời còn trẻ, học hành chưa đến nơi đến chốn.

Khác với những nền văn hóa coi trọng cá nhân như phương Tây, chú trọng rèn luyện bản lĩnh cho mọi thành viên từ khi còn rất nhỏ. Văn hóa VN do có truyền thống bao cấp toàn diện nên những cá nhân trên vẫn là “chưa chín”, còn bốc đồng, cảm tính… Tất cả những yếu tố trên cộng với sự tấn công của các loại kích thích vật chất (ma túy, thuốc kích dục, bia rượu) và tinh thần (phim ảnh khiêu dâm, bạo lực, game), được sự tiếp tay của truyền thông - đưa tin giật gân, câu khách, phản cảm đến mức vô cảm - khiến người xấu bắt chước làm theo và có những hành động bột phát khôn lường.

Thanh thiếu niên chậm tiến trong buổi gặp gỡ lãnh đạo Thành ủy TP Đà Nẵng ngày 12-7-2012. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Thanh thiếu niên chậm tiến trong buổi gặp gỡ lãnh đạo Thành ủy TP Đà Nẵng ngày 12-7-2012. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

* Nhiều mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống không được người trong cuộc trình báo cơ quan chức năng mà thường tìm cách tự xử và nhiều khi dẫn đến hậu quả đau lòng (con giết cha, chồng giết vợ, vợ giết chồng). Mặt trái - bệnh tùy tiện - này khó khắc phục?

* Bệnh tùy tiện với biểu hiện chưa quen sống và làm việc theo pháp luật là mặt trái của tính linh hoạt trong văn hóa cổ truyền. Nhưng chuyện tự xử này không chỉ do bệnh tùy tiện, mà là còn do truyền thống văn hóa VN luôn luôn muốn tách việc gia đình ra khỏi việc xã hội. Hiếm người VN nào lại đi kêu chính quyền đến xử lý chuyện gia đình mình. Với truyền thống văn hóa trọng tình nên chốn cửa quan vẫn có chuyện bên ngoài là lý, bên trong là tình khiến người dân chưa tin tưởng.

Trong khi quản lý xã hội lỏng lẻo, thực thi pháp luật chưa nghiêm, nên người dân vẫn còn suy nghĩ “vô phúc mới đáo tụng đình”, dẫn đến ngay cả chuyện xã hội cũng ngại đến công quyền, mà thường thích tự xử lý. Ngay chuyện Đặng Trần Hoài hiện nay trên diễn đàn mạng cũng đang có không ít ý kiến muốn được cảnh sát thả ra để cho dân tự xử!...

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

* Theo giáo sư, giải pháp nào có thể phòng ngừa, hạn chế những lối sống, cách hành xử kinh hoàng như đề cập trên đây?

* Lâu nay, chúng ta luôn nói văn hóa là gốc, là động lực của phát triển. Nhưng khi đi vào xử lý các vụ việc cụ thể, chúng ta lại luôn quên yếu tố văn hóa, con người mà chỉ đề cao yếu tố kinh tế, kỹ thuật. Cho nên việc đầu tiên là cần thực sự coi trọng văn hóa, khôi phục và đề cao các giá trị tinh thần bằng hành động, chứ không chỉ nói suông.

Trước đây, do lối suy nghĩ giản đơn và tư duy quản lý kém nên ta đã bỏ mất giá trị tâm linh. Trong cuộc sống còn người giàu kẻ nghèo, người khôn kẻ dại thì tôn giáo còn tồn tại. Niềm tin tâm linh, tin rằng làm ác sẽ bị báo ứng sẽ giúp những kẻ như Luyện, Nghĩa, Hoài tự giữ mình, tự kiềm chế mình.

Môn giáo dục công dân trong nhà trường cần được coi trọng đúng mức; cần sớm đầu tư, đổi mới để tăng cường giáo dục kỹ năng sống và ý thức tôn trọng luật pháp cho công dân. Không những vậy, cần mở rộng giáo dục truyền thống văn hóa rộng rãi cho tất cả các ngành, các cấp học; đổi mới một cách cơ bản việc dạy sử trong nhà trường. Đồng tiền và các giá trị tinh thần cần được đưa trở về đúng chỗ của nó.

Thứ đến, bộ máy công quyền phải đủ điều kiện để trong sạch; hệ thống pháp luật phải bảo vệ an toàn cuộc sống người dân, kẻ ác phải bị trừng trị ở mức đủ sức răn đe, giáo dục thì mới có thể khôi phục được kỷ cương và được người dân tin tưởng.

* Xin cảm ơn giáo sư!

"Trong thời kỳ chiến tranh, nhờ giá trị tinh thần được đề cao mà đất nước đã vượt qua vô vàn khó khăn. Khi kinh tế thị trường phát triển, nhà nước hô hào làm giàu là cần nhưng đến mức đồng tiền lấn át tất cả, trong khi các giá trị tinh thần thì bị xem nhẹ và đảo lộn như hiện nay là không ổn"

GS-TS TRẦN NGỌC THÊM

ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục