Đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn?

Ngày 4-9, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước có cuộc họp với EVN - chủ đầu tư công trình và đại diện UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) về công tác xử lý sự cố thủy điện Sông Tranh 2.
Đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn?

Ngày 4-9, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước có cuộc họp với EVN - chủ đầu tư công trình và đại diện UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) về công tác xử lý sự cố thủy điện Sông Tranh 2.

Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đánh giá đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn ngay cả khi có động đất 5,5 độ richter. Trái ngược với nhận định trên, người dân và chính quyền địa phương lại lo lắng trước an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 khi động đất liên tiếp xảy ra và mùa mưa lũ đến gần.

Đoàn khảo sát địa chất của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2.

Đoàn khảo sát địa chất của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My lo lắng: “Tại cuộc họp với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sáng 4-9 tại Hà Nội, cả đơn vị tư vấn độc lập AF Colenco (Thụy Sĩ) và Công ty Tư vấn điện 1 đều cho rằng đập vẫn an toàn, nhưng chính quyền và người dân thì vẫn cứ lo vì động đất ngày càng mạnh. Chúng tôi tiếp tục đề nghị lắp đặt hệ thống các trạm quan trắc động đất cũng như công khai kết luận trước nhân dân tại Bắc Trà My để cho dân yên tâm”.

Ông Phạm Viết Tích, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam cho biết: Sau khi có động đất mạnh xảy ra, Sở KH-CN tỉnh đã có chuyến khảo sát hiện trường. Tuy nhiên, Sở KH-CN không đủ khả năng để đánh giá, nhận định về động đất mà chỉ khảo sát và đề nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ KH-CN yêu cầu Viện Vật lý địa cầu vào khảo sát bằng máy móc. “Theo nhận định của đoàn khảo sát địa chất của Viện Địa chất trước đây là động đất kích thích ngày càng giảm, trong khi hiện nay ngày càng mạnh thêm thì không biết nó hoạt động có đúng quy luật hay không?” - ông Tích đặt nghi vấn.

Trong khi đó, ông Lê Trí Tập, chuyên gia thủy lợi đặt hàng loạt nghi vấn: Trước đây các đoàn khảo sát nhận định động đất ở Bắc Trà My là động đất kích thích do tích nước lòng hồ thủy điện và cho rằng động đất ngày càng giảm. Thế nhưng, khi tích nước thì xảy ra động đất kích thích 3,5 độ richter, trong khi hiện nay mực nước nằm dưới mực nước chết vẫn xảy ra động đất 4,2 độ richter thì động đất kích thích hay động đất do biến đổi bề mặt trái đất? Nếu như vậy, khi tích nước trở lại ở cao trình lớn liệu động đất giảm hay mạnh thêm lên? Và mạnh là bao nhiêu, có vượt quá giới hạn 5,9 độ richter không? Và như thế, vài ba năm nữa khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích đầy nước sẽ như thế nào? Đặc biệt, vùng Trà My có lượng mưa rất cao, lượng nước đổ về rất nhanh sẽ đe dọa đến đập thủy điện Sông Tranh 2. Hơn nữa, cách xử lý bịt bề mặt khe nhiệt đập thủy điện Sông Tranh 2 ở phía thượng nguồn liệu có đảm bảo an toàn về lâu dài khi hồ đã tích đầy nước và động đất liên tục như hiện nay?

Cả chủ đầu tư là EVN và các đơn vị tư vấn thiết kế đều cho rằng đập thủy điện Sông Tranh an toàn, không ảnh hưởng bởi các trận động đất… Song, những khẳng định trên chẳng thể xoa dịu nỗi lo lắng của người dân và cả chính quyền huyện Bắc Trà My khi hàng triệu mét khối nước treo lơ lửng trên đầu hàng chục ngàn dân và động đất xảy ra ngày càng mạnh hơn.

Động đất chưa có dấu hiệu suy giảm

Qua theo dõi và phân tích trận động đất đêm 3-9 ở khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) cho biết, trận động đất này gây nên rung động trên cấp 6 theo thang MSK64 ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 và lân cận. Rung chấn này chưa vượt quá thiết kế chịu động đất đập thủy điện Sông Tranh 2 nên không gây ảnh hưởng tới hoạt động của đập.

Tuy nhiên theo Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở khu vực này kể từ tháng 11-2011 đến nay. Trận động đất này có thể được phát sinh trên một trong những đứt gãy địa phương nhưng cũng có thể là trận động đất kích thích được phát sinh do sự tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 gây ra.

Động đất kích thích ở khu vực này đã quan sát được từ năm 2011, trong đó tháng 11-2011 xảy ra 2 trận có độ lớn 3,4 độ richter và 1 trận vào ngày 2-3-2012 có độ lớn 3,1 độ richter. Trận động đất xảy ra đêm 3-9 vừa qua mạnh 4,2 độ richter. Vì thế, theo Viện Vật lý địa cầu, xu thế hoạt động động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, cần được đầu tư nghiên cứu và theo dõi tiếp.

Cũng theo nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy đang hoạt động, trong đó đáng chú ý nhất là 2 đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng - Tà Vi, ảnh hưởng trực tiếp đến đập thủy điện Sông Tranh 2. Động đất cực đại trên 2 đới đứt gãy này theo nhận định của các nhà khoa học có thể lên đến 5,5 độ richter và gây chấn động cấp 7 theo thang MSK64.

Tr.Bình

Tin cùng chuyên mục