Ám ảnh hủ tục ma lai, thuốc thư

Nhiều năm qua, cộng đồng người dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai vẫn truyền tai nhau về một thứ ma quái hại người có tên gọi ma lai, thuốc thư. Ai đó có một vài dấu hiệu lạ trên cơ thể bẩm sinh, hay mới phát sinh, là có thể bị xem là ma lai, có thuốc thư. Người bị nghi là ma lai, nhẹ bị đuổi ra khỏi làng, bị đập phá tài sản và nhà cửa, nặng bị cả làng đánh đến chết.

Đã hơn một tháng trôi qua nhưng gia đình anh Yah, chị Anay (dân tộc Ja Rai) ở làng Ktu, xã Chư Á, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) chưa hết bàng hoàng khi cái gọi là ma lai, có thuốc thư bất ngờ ập đến gia đình mình. Sáng 15-4-2013, Yin (17 tuổi), con trai út trong gia đình của anh Yah và chị Anay lên rẫy một mình, trên đường đi Yin gặp một nhóm người trong làng. Yin chào hỏi nhưng không thấy ai trả lời. Thấy vậy Yin hỏi: “Mọi người nghĩ tôi có thuốc thư hay sao mà không trả lời?”. Không ngờ, những người này đã vu cho Yin có thuốc thư và tin đồn này lan truyền như cơn gió thổi khắp làng và họ đã liên tưởng đến cái chết của Hmơ (18 tuổi), trú cùng làng. Trước đó không lâu, trong một lần lên rẫy, Hmơ thấy trong người mệt mỏi. Nghĩ rằng chỉ bị cảm nắng thông thường, gia đình khuyên Hmơ nằm nghỉ và ra tiệm thuốc tây ở ngoài trung tâm xã Chư Á mua thuốc cho Hmơ uống. Thế nhưng, nhiều ngày trôi qua, Hmơ nằm trên giường đến mỏi cái lưng, thuốc uống đầy bụng nhưng “con ma bệnh” trong người vẫn không hề thuyên giảm. Lúc này, nghe lời khuyên của cán bộ y tế xã, gia đình đã đưa Hmơ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khám chữa bệnh.

Kết quả thăm khám, các bác sĩ kết luận Hmơ bị suy tủy, xuất huyết tủy, tràn dịch xuất huyết não, tiên lượng khó qua khỏi. Nghe tin bạn bệnh nặng đang nằm viện, Yin vội xin cha mẹ đến thăm. Vài ngày sau đó, Hmơ qua đời. Đau đớn trước cái chết của con, nhớ lại trước đó từng nghe tin Yin có thuốc thư nên người nhà Hmơ cho rằng cái chết của con mình là do Yin đã bỏ thuốc thư. Quyết không để cho ma lai dùng thuốc thư hãm hại lũ làng, Mưng (24 tuổi, anh họ Hmơ) cùng một nhóm thanh niên trong làng kéo đến nhà Yin, dùng gậy đánh tơi tả. Không biết có “con ma” trong người không, chỉ biết trận đòn kết thúc cũng là lúc Yin người đầy máu, nằm vật ra sân bất tỉnh.

Gần đây, vào ngày 18-2-2013, Ayam (23 tuổi) và Siu Tuân (24 tuổi) cùng 6 người khác cùng ở tại xã Chư Jôr, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) tụ tập uống rượu. Vô tình, Ayam khoác tay lên vai Tuân. Không ngờ, tối hôm đó Siu Tuân đau bụng. Bà Siu HNhơr (mẹ Siu Tuân) cho rằng Ayam đã bỏ thuốc thư cho con mình, nên đã hô hoán một số người trong gia đình kéo đến đập phá nhà và ép buộc Ayam phải thừa nhận mình đã bỏ thuốc thư cho Siu Tuân. Những người này bắt Ayam viết giấy cam kết bồi thường 12 triệu đồng. Bà Siu HNhơr đã đưa con mình đến gặp bà Alem (63 tuổi), là thầy mo chuyên chữa thuốc thư. Bằng một số thủ thuật lừa bịp, Alem đã lấy từ trong người Siu Tuân một mẩu xương cá và phán là thuốc thư! Mất tiền mà bệnh không khỏi, bà HNhơr đã trình báo sự việc đến chính quyền địa phương và cơ quan công an. Cơ quan Điều tra Công an huyện Chư Pah (Gia Lai) đã kịp thời vào cuộc, vạch trần thủ đoạn lừa bịp của bà Alem. Siu Tuân sau đó được các y bác sĩ thăm khám và kết luận bị phù nề dạ dày và sự việc nhanh chóng được làm sáng tỏ.

Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) cho biết, qua rà soát, phát hiện trên địa bàn huyện còn 22 trường hợp đang bị cộng đồng nghi ngờ có thuốc thư, tập trung ở 7 xã. Việc những người này bị cộng đồng nghi ngờ có thuốc thư đều xuất phát từ những hạn chế của họ trong lối sống, sinh hoạt, phát ngôn hàng ngày, gây tâm lý bức xúc, hoang mang, lo sợ cho bà con trong làng.

Thiếu tá Trần Quang Thống, Phó trưởng Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), cho biết: “Lúc trước, ngoài thuốc thư, người ta còn đồn về loại ma lai chuyên bay nhảy, bắt người ăn thịt. Những người dân ở địa phương đều không ai biết thuốc thư, ma lai là gì, nhưng vì sự thiếu hiểu biết, dẫn đến nghi ngờ, thêu dệt, làm điều sai trái và vi phạm pháp luật. Đây là một hủ tục lạc hậu hết sức tai hại cần loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống dân cư”.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục