Kinh doanh vận tải trá hình - Bài 1: Xe khách lộng hành nội thị

Hiện trên địa bàn TPHCM, hoạt động xe vận tải hành khách rất bát nháo, gây bức xúc trong xã hội. Hàng chục doanh nghiệp lợi dụng hình thức xe chạy hợp đồng, du lịch lữ hành để đón, trả khách ngay trong nội thành gây ách tắc giao thông và mất an ninh trật tự.
Kinh doanh vận tải trá hình - Bài 1: Xe khách lộng hành nội thị

Hiện trên địa bàn TPHCM, hoạt động xe vận tải hành khách rất bát nháo, gây bức xúc trong xã hội. Hàng chục doanh nghiệp lợi dụng hình thức xe chạy hợp đồng, du lịch lữ hành để đón, trả khách ngay trong nội thành gây ách tắc giao thông và mất an ninh trật tự.

        Núp bóng chạy tuyến cố định

Mặc dù đăng ký vận tải du lịch lữ hành (open tour), xe chạy hợp đồng nhưng thực tế vận chuyển hành khách tuyến cố định không khác gì xe tại các bến. Lợi dụng TP cho phép một số tuyến đường ở khu vực trung tâm được đậu xe có thu phí, nhiều xe dù giả danh xe chạy theo dạng hợp đồng du lịch, đậu chờ đón khách tại các tỉnh thành khắp cả nước. Móc nối cùng nhà xe là những đối tượng “cò mồi” (hợp tác ăn chia với chủ xe) gom khách tại các địa điểm cố định, rồi điều những xe này đến đón lượng khách trên. Một số địa điểm này có chỗ cho xe chạy vào hoặc nhờ các bãi giữ xe, còn lại hầu hết xe đậu ở lòng, lề đường, sau đó nhanh chóng cho khách lên xe xuất phát. Ngoài ra, hàng loạt xe chạy tuyến cố định nhưng lại núp bóng xe hợp đồng như từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc… đến các điểm như Đầm Sen, công viên... với lý do xe chạy “hợp đồng” đi du lịch.

Nhiều đơn vị bỏ bến chạy hợp đồng.

Nhiều đơn vị bỏ bến chạy hợp đồng.

Ghi nhận của PV Báo SGGP tại khu vực các tuyến đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM), mỗi ngày có hàng chục xe du lịch “open tour” công khai dừng, đón trả khách giữa đường gây mất an toàn giao thông. Cụ thể, đơn vị vận tải Phương Trang 317 - 319 Phạm Ngũ Lão, 272 Đề Thám (quận 1) và 231 - 233 Lê Hồng Phong, quận 10, chạy tuyến cố định Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né. Nhất là các tuyến đường quanh công viên 23-9, sáng, chiều hàng chục chuyến xe đón đầy khách xuất phát, thậm chí những xe này còn kiêm luôn vận chuyển hàng hóa. Tương tự, trên các tuyến đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Ký Con, Hàm Nghi, Nguyễn Trãi (quận 1), hàng loạt doanh nghiệp hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm như các xe mang thương hiệu Tuyết, Ngọc Trang, Sing CAFÉ, Hoa Mai, Thiên Phú... đậu dưới lòng đường đón trả khách coi như bến bãi của mình.

Trên tuyến đường Lê Hồng Phong (thuộc quận 5 và quận 10) nằm gần đơn vị Thanh tra giao thông TP nhưng được xem là “thủ phủ” của các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa. Đoạn đường chỉ dài 500m, có tới cả chục trụ sở, văn phòng, chi nhánh của các hãng vận tải: Thành Bưởi, Quang Hạnh, Phương Trang, Tân Hoàng Anh... xe vào ra đón trả khách tấp nập ngày đêm như một bến xe hợp pháp giữa trung tâm TP. Đơn cử, đơn vị vận tải Thành Bưởi (266 - 268 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5) chạy tuyến cố định Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né và một số tuyến thuộc các tỉnh miền Tây. Tại địa chỉ trên là nơi bán vé (nhưng thực tế phiếu đặt cọc chỗ ngồi, ghi giờ xe chạy) vừa là nơi tập kết hành khách. Cứ khoảng 1 đến 2 giờ có một xe xuất phát. Náo nhiệt nhất từ 18 giờ trở đi, xe khách loại 50 chỗ vào ra lên xuống khách náo nhiệt.

Dạt ra các quận như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh cũng có hàng loạt điểm như thế. Một trong những nơi hoạt động rầm rộ nhất là khu Bàu Cát với sự hoạt động rầm rộ của các hãng xe: Xuân Tùng, Ba Nga, Chín Song… Ngay trên tuyến đường thường xuyên ùn tắc giao thông như Lý Thường Kiệt (đoạn gần chợ Tân Bình) có hãng xe Năm Thùy (173 Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình) chạy tuyến Buôn Ma Thuột, thường xuyên đón khách và lên xuống hàng hóa mỗi ngày vào giờ cao điểm (18 giờ). Trong khi đó, khu vực này rất đông phương tiện lưu thông vì gần chợ, siêu thị, và nhiều trường học.

        Lỏng lẻo trong cấp phép

Trước đây, “xe dù - bến cóc” diễn ra chủ yếu dưới dạng xe vận tải hành khách liên tỉnh sau khi xuất bến, tài xế chạy lòng vòng bên ngoài đón thêm khách hoặc xe chạy tuyến cố định nhưng không vào bến (xe không đăng ký tuyến, không vào bến xếp tài). Dạng xe này thường đón khách tại bất kỳ chỗ nào trên đường nếu có khách, thậm chí có xe đang chạy dừng giữa đường để đón khách. Các xe này chỉ hoạt động rộ lên vào dịp lễ, tết. Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng loạt đơn vị lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tự tổ chức bán vé, đón trả khách tại các địa điểm riêng ngoài bến xe liên tỉnh hoặc kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh dưới hình thức “open tour”, hợp đồng. Hình thức kinh doanh này đang thu hút hành khách do địa điểm đón trả khách nằm ngay trong nội thành.

Theo các chuyên gia về vận tải hành khách, các dạng xe trên không đảm bảo an toàn cho xe và hành khách (tức lái xe và xe không qua các thủ tục kiểm tra an toàn từng chuyến trước khi vận hành, chở quá tải…). Hành khách không có vé xe, không được bảo vệ quyền lợi, giá cả tùy tiện. Điều đáng nói, tình trạng kinh doanh này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải hành khách, tác động xấu đến các doanh nghiệp kinh doanh chính quy (trong bến). Nhà nước thất thu thuế do xe không phát hành vé.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có hơn 40 đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân núp bóng dạng xe hợp đồng, open tour để kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định. Việc làm này gây bức xúc đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách đang hoạt động tại các bến xe trên địa bàn thành phố. Nghiêm trọng hơn, tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến đường trong nội thành, trong khi đó, TPHCM đang phải “gồng mình” với các giải pháp chống ùn tắc giao thông.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục