Bến cóc “bao” xe dù

Bến xe tạm bợ tràn lan
Bến cóc “bao” xe dù

Cả chục năm qua, trên địa bàn TPHCM, hàng loạt xe dù, bến cóc vẫn “sống khỏe”. Thậm chí, có nơi mô hình vận tải biến tướng đang tiếp tục nở rộ.

Xe hợp đồng núp bóng chạy xe dù trên đường Trần Phú quận 5 TPHCM.

Xe hợp đồng núp bóng chạy xe dù trên đường Trần Phú quận 5 TPHCM.

Bến xe tạm bợ tràn lan

Một trong những bến cóc gây bức xúc nhiều năm qua trên địa bàn TPHCM nằm đối diện Bến xe miền Đông. Hai bãi giữ xe này rộng hàng trăm mét vuông, nằm phía sau dãy nhà mặt tiền đường Đinh Bộ Lĩnh, xung quanh được rào chắn bằng những tấm tôn, rất sơ sài. Mỗi ngày, hai bãi xe này tiếp nhận hàng chục xe khách từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc ra, vào đón, trả khách như một bến xe khách thực thụ.

Hai bến cóc này chỉ được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động với chức năng là bãi giữ ô tô, nhưng sau một thời gian hoạt động, biến tướng thành “bến hành khách”.

Từ ngày hai bãi xe này hình thành, giao thông trên tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn đối diện cổng Bến xe miền Đông) xảy ra ùn tắc giao thông thường xuyên vào giờ cao điểm vì mỗi khi xe khách từ các nơi đổ dồn về dốc cầu Bình Triệu 2 tập kết vào hai bãi giữ xe trên để trả khách. Cổng vào chỉ là một con hẻm nhỏ, trong khi đó, xe loại lớn mỗi lần vào phải de tới de lui mới vào được bên trong do vướng nhà hai bên. Nhiều lúc 2 - 3 xe nối đuôi nhau nằm chắn ngang đường Đinh Bộ Lĩnh nên các phương tiện lưu thông từ Thủ Đức vào trung tâm TP bị dồn ứ.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh cho biết, khi hai bãi xe này hình thành, công an phường đã kiểm tra nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Đối với việc lấp rạch để nới rộng bãi giữ xe, UBND phường đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 3 lần và mới đây nhất, UBND quận và phường đã tiến hành khảo sát, đo đạc diện tích lấn chiếm để lập phương án cưỡng chế. Về hoạt động tổ chức lên xuống khách tại hai bãi xe này, do thẩm quyền xử phạt không thuộc UBND phường nên không thể xử phạt được.

Vì vậy, cần phải có sự phối hợp của lực lượng thanh tra giao thông và các cơ quan chức năng. Trong thời gian qua, mỗi khi các cơ quan chức năng phối hợp, làm cương quyết thì việc xe, ra vào lên xuống khách tại hai bãi xe này không hoạt động, nhưng mỗi khi lực lượng chức năng rút đi thì đâu lại vào đấy.

“Nếu quận, phường xử lý việc lấn chiếm rạch làm bãi giữ xe mà lực lượng thanh tra giao thông, các đơn vị liên quan khác không kiên quyết trong việc xử lý hoạt động bến bãi thì sẽ phát sinh trở lại. Do đó, hai việc này cần phải được tiến hành song song”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Tương tự, tại khu vực bãi đất trống của Nhà máy thuốc lá Sài Gòn (đường Lê Hồng Phong - Trần Phú quận 5) có cả trăm xe khách “ẩn náu” bên trong hoạt động rầm rộ. Tại đây, có cả chục đơn vị như: Phương Trang, Thành Bưởi, Liên, Thiện Trí, Mai… tập kết xe chờ đến giờ xuất phát đến địa điểm khách đợi.

Trước đây, khu vực trên chỉ là điểm giữ xe tạm. Thế nhưng, vài tháng gần đây, khu vực này không chỉ bị biến thành một bến xe mà còn là nơi tập kết hàng hóa vận chuyển đi các tỉnh, thành. Bên trong khu đất có hẳn một khu làm ga ra sửa xe.

Ông Đinh Quang Dũng, ngụ đối diện “bến xe”, bức xúc: “Hai tháng nay, cứ khoảng từ 18 giờ đến 1, 2 giờ đêm ngày hôm sau xe cộ vào ra lên xuống khách gây náo loạn cả khu vực khiến bà con không ngủ được. Ăn theo bến xe này là đội quân xe ôm, taxi tranh giành khách cự cãi nhau gây mất trật tự”. 

Tại quận Tân Phú cũng có cả chục “bến xe” kiểu như trên, đơn cử bến của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cẩm Vân nằm trên đường Âu Cơ, Tân Thành, Thống Nhất, Phú Thọ Hòa, đường Tân Hương, Bình Long… Gọi là bến nhưng thực chất họ tận dụng những khu đất trống dùng tôn che quanh để xe vào và lên xuống khách. Điều đáng nói là những điểm này nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Mới đây, “bến xe” trên đường Thống Nhất bị cháy. Nguy hiểm hơn, bến này nằm ngay dưới lưới điện cao thế.

Quy định bất cập

Lãnh đạo nhiều bến xe khách trên địa bàn TP đều cho rằng, xe dù càng loạn càng đe dọa đến hoạt động kinh doanh của các hãng hoạt động tại các bến. Từ năm 2010 đến nay, lượng khách đến các bến xe giảm hàng triệu lượt, trong đó riêng Bến xe miền Đông giảm gần 553.000 lượt.

Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TPHCM cho rằng, do quy định còn bất cập nên việc xử phạt xe dù gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng kẽ hở, hầu hết DN thành lập công ty kinh doanh hợp đồng du lịch, theo đó được quyền đón khách tại địa điểm đặt văn phòng công ty dẫn đến tình trạng xe dù, bến cóc. Chính vì thế, cần phải có quy chế đặc thù để chế tài các hành vi đón, trả khách trá hình. Cần phải quy định cụ thể, để xử lý các loại hình này.

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, việc phát hiện những sai phạm của các DN vận tải là điều không khó, tuy nhiên trong quy định, việc xử phạt còn bất cập khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Sở dĩ các DN ngại vào bến vì có nhiều quy định khiến họ thua thiệt so với các đơn vị vận tải khác. Dù hoạt động bên ngoài bến nhưng do nhiều quy định còn sơ hở nên họ lách luật mà không bị xử lý.

Đơn cử như tại Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, các DN vận tải như Phương Trang, Mai Linh mặc dù đăng ký hoạt động trong bến nhưng vẫn tổ chức bán vé bên ngoài, gây thất thoát cho bến xe. Thế nhưng việc xử lý rất khó vì các DN bên ngoài hoạt động theo hai hình thức là xe tuyến cố định và xe khách du lịch lữ hành. Biết DN thu gom khách lẻ để đi tuyến cố định nhưng khi kiểm tra họ có đầy đủ các tiêu chuẩn của DN du lịch lữ hành nên không thể phạt. Thanh tra chỉ xử phạt được các trường hợp nếu DN dùng xe có phù hiệu chạy tuyến cố định để vào các điểm bán vé trong nội thành để rước khách.

Để xử lý được tình trạng trên, theo Phó Chánh Thanh tra Lê Hồng Việt, cần quy định về phương thức hoạt động, địa điểm rước khách rõ ràng đối với các loại hình hoạt động là vận tải hành khách hay vận tải du lịch. Nếu hai hình thức này còn nhập nhằng, sẽ rất khó khăn trong việc phát hiện và xử phạt trường hợp vi phạm.

QUỐC HÙNG - ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục