Hồ Dầu Tiếng - Linh động điều tiết nguồn nước

Tuy khu vực Nam bộ vừa có một số cơn mưa nhưng theo nhận định của ngành khí tượng thủy văn, mùa mưa năm nay ở Nam bộ đến chậm hơn so cùng kỳ. Nhiều khả năng mùa mưa thật sự bắt đầu từ trung tuần tháng 5, một số nơi đến cuối tháng 5. Vì vậy, việc ứng phó với tình hình khô hạn vẫn là nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành thủy lợi.
Hồ Dầu Tiếng - Linh động điều tiết nguồn nước

Tuy khu vực Nam bộ vừa có một số cơn mưa nhưng theo nhận định của ngành khí tượng thủy văn, mùa mưa năm nay ở Nam bộ đến chậm hơn so cùng kỳ. Nhiều khả năng mùa mưa thật sự bắt đầu từ trung tuần tháng 5, một số nơi đến cuối tháng 5. Vì vậy, việc ứng phó với tình hình khô hạn vẫn là nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành thủy lợi.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM bảo dưỡng thiết bị điều tiết vận hành công trình cống K9 kênh N46 (kênh Đông) phục vụ cung cấp nước khoảng 8.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; phòng chống cháy rừng... Ảnh: PHẠM CAO MINH

Nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM bảo dưỡng thiết bị điều tiết vận hành công trình cống K9 kênh N46 (kênh Đông) phục vụ cung cấp nước khoảng 8.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; phòng chống cháy rừng... Ảnh: PHẠM CAO MINH

Thống nhất các biện pháp

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Tây Ninh) cho biết, mực nước hồ Dầu Tiếng, hồ thủy lợi lớn nhất cả nước ở Tây Ninh hiện ở mức 20,3m, so với cùng kỳ thấp hơn 10cm. Như vậy, lượng nước còn sử dụng được so với mực nước chết của hồ là 17m vào khoảng vài trăm triệu mét khối. Bên cạnh việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, hồ Dầu Tiếng còn có nhiệm vụ quan trọng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Đặc biệt 2 năm nay, khi Nhà máy nước Kênh Đông đưa vào hoạt động, góp phần cung cấp một phần nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP. Thời tiết khô hạn kéo dài và gay gắt làm nguồn nước bốc hơi khá nhanh, vì vậy việc đảm bảo sự ổn định trong cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy và các mục đích khác dù không quá căng thẳng nhưng cũng không phải đơn giản.

Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác thủy lợi TPHCM cho biết, lường trước tình hình năm nay, từ cuối năm 2013 và mới đây, một lần nữa các bên cùng hưởng lợi từ hồ Dầu Tiếng như Bình Dương, Bình Phước, Long An, TPHCM đã làm việc với lãnh đạo Công ty Quản lý khai thác thủy lợi Dầu Tiếng để thống nhất biện pháp phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp trước diễn biến khó lường của thời tiết khi vấn đề biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét.

Nhiệm vụ của hồ Dầu Tiếng hiện nay rất nặng nề, không chỉ cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho cả khu vực mà có thêm nhiệm vụ xả nước xuống sông Sài Gòn để ngăn tình trạng nước mặn xâm nhập sâu, nhất là khu vực có Nhà máy nước Tân Hiệp (TPHCM). Từ đầu năm đến nay đã có 3 đợt xả đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân sử dụng, đồng thời giúp pha loãng bớt nhằm cải thiện môi trường những khu vực có các dòng kênh bị ô nhiễm do sự xả thải nguồn nước từ các nhà máy gây ô nhiễm ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo quản lý hồ Dầu Tiếng cho biết, dù phải duy tu sửa chữa hàng năm, nhưng với TPHCM vẫn được ưu tiên không bị cắt từ kiến nghị của TP trong bối cảnh nắng hạn gay gắt. Vì vậy, có thể nói, nước kênh Đông vẫn đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và cả sinh hoạt. Ngay cả tình huống xấu nhất nếu thời tiết thất thường, mùa khô kéo dài đến cuối tháng 5 thì áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm.

Kiểm soát nguồn nước

Theo đó, hồ Dầu Tiếng sẽ điều tiết nguồn nước bằng việc cung cấp nước tưới luân phiên cho các tỉnh, thành, trong đó TPHCM sẽ được cung cấp nguồn nước 3 ngày trong tuần, những ngày còn lại cung cấp cho các khu vực khác. Biện pháp này đã từng được áp dụng và cho hiệu quả rõ nét những năm có thời tiết khô hạn kéo dài hay trong giai đoạn hồ Dầu Tiếng tích nước không đủ mực thiết kế cao trình 24,4m. 

Với tầm nhìn xa của ngành thủy lợi, cơ quan chức năng đã nghĩ tới giải pháp nâng cao vai trò của hồ Dầu Tiếng bằng cách xây dựng thêm hồ Phước Hòa với nhiệm vụ chuyển nguồn nước ngọt về hồ Dầu Tiếng. Từ đây, nước được vận chuyển vào các nhà máy nước thô như Nhà máy nước Kênh Đông, hiện đang trong quá trình xây dựng thêm nhà máy khác sẽ lấy nước trực tiếp từ hồ thông qua cống dẫn nước riêng đưa nước về nhà máy xử lý nước của TP.

Theo ông Nguyễn Văn Đam, việc chuyển đổi cây trồng của TP theo hướng nông nghiệp đô thị những năm qua làm giảm hơn 50% diện tích lúa vốn sử dụng rất nhiều nguồn nước từ kênh Đông sang cây trồng khác vừa có giá trị hơn, lại cần ít nước tưới hơn như cây đậu phộng, rau an toàn, bắp, lan…

Yêu cầu đối với người dân là nên có ý thức tiết kiệm khi sử dụng, bà con nên tích trữ nguồn nước lại thay vì để tự tiêu thoát. Điều này những năm trước chỉ kêu gọi sự hưởng ứng chung chung, 2 năm nay, nhất là năm 2014 này, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác thủy lợi TP áp dụng hệ thống SCADA trong giám sát, vận hành nguồn nước trên hệ thống kênh Đông. Với hệ thống này, công ty chủ động hơn trong việc kiểm soát và quản lý nguồn nước, từ lưu lượng đến chất lượng nước các nơi sử dụng, không còn quản lý hoặc kiểm soát theo cảm tính như trước đây.

Như vậy, TPHCM là một trong số những địa phương đi đầu khi ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nguồn nước. Trước đó, TPHCM cũng đã bê tông hóa toàn bộ hệ thống thủy lợi kênh Đông, nhằm giảm thất thoát nguồn nước, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo nguồn nước cho người dân cả trong sản xuất và sinh hoạt.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục