Nhớ người anh giàu sáng kiến

Nhớ người anh giàu sáng kiến

Vậy là trước ngày kỷ niệm 40 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên, những người làm Báo SGGP lại mất đi một nhà báo tài hoa, đã góp phần làm nên thương hiệu “Sài Gòn Giải Phóng”. Anh không chỉ là cây bút “bén”, là “kiến trúc sư” của Tuần san SGGP Thứ bảy, mà còn là “cha đẻ” của nhiều chương trình xã hội giàu tính nhân văn có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận tặng hoa nhà báo Trịnh Thắng tại lễ kỷ niệm 15 năm cuộc thi “Prudential - văn hay chữ tốt” vào tháng 11-2014. Ảnh: MAI HẢI

1. Có những dịp được gần gũi với anh, được nghe anh tâm sự mới thấy, đối với anh “sáng kiến” là niềm đam mê - là máu thịt.

Năm 1998, từ 50 triệu đồng của GS-BS Nguyễn Văn Hưởng gửi tặng Quỹ Từ thiện của Báo SGGP, nhà báo Trịnh Thắng (bút danh Nghiêm Minh) đã đề xuất với Ban Biên tập triển khai thành Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, với mục đích tiếp thêm “sức mạnh vật chất” cho các em học sinh y, dược có hoàn cảnh khó khăn. Anh đã nhanh chóng “đốt đuốc” tìm được người thủ lĩnh. Ủng hộ sáng kiến của anh, GS Dương Quang Trung đã giúp Báo SGGP thành lập được một Hội đồng quản lý quỹ gồm những GS, BS có uy tín. Chương trình ngay sau đó đã có sức lan tỏa, thu hút được nhiều đóng góp của các tổ chức và cá nhân. Sau thành công đó, trong năm 1998, anh tiếp tục có sáng kiến đề xuất Báo SGGP phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức giải thưởng “Võ Trường Toản” nhằm tôn vinh các thầy cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Giải thưởng nhanh chóng trở thành phần thưởng danh giá đối với những thầy cô giáo TPHCM.

Tiếp nối những thành công đó, năm 1999 anh lại “thiết kế” giải thưởng “Prudential - Văn hay chữ tốt” tại TPHCM. Và chỉ một năm sau, chương trình đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Rồi năm 2000, anh tiếp tục ghi dấu ấn với “Giải thưởng Tôn Đức Thắng” - tôn vinh những công nhân ưu tú của TPHCM. Năm 2004, UBND TPHCM đã quyết định giải thưởng Tôn Đức Thắng là giải thưởng cấp thành phố. Những năm tiếp theo, anh không chỉ để lại dấu ấn trong nhiều chương trình mang tính nhân văn như “Kỷ vật đi B”, “Ngôi nhà búp bê”… mà còn có nhiều sáng kiến đóng góp hiệu quả để Báo SGGP vượt qua những khó khăn trong công tác phát hành ...

Phát huy truyền thống sáng kiến của anh, những năm gần đây, nhiều cán bộ, phóng viên Báo SGGP tiếp tục làm nên những chương trình mang tầm cỡ quốc gia, như: “Nghĩa tình Trường Sơn”, “Vững lòng biển đảo”…

2. Tháng 10-2012, chuẩn bị cho lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 15 (lúc này anh đã nghỉ hưu), anh em Ban Chương trình Xã hội Báo SGGP liên lạc để xin ý kiến tham vấn của anh. Mặc dù bận rộn với công việc nhưng anh vẫn dành một buổi để trao đổi, bàn bạc với chúng tôi cách thức tổ chức lễ thế nào cho có “điểm nhấn”. Chúng tôi đề nghị trong buổi lễ nên có phần giao lưu với anh - với tư cách là “cha đẻ của chương trình”. Sau một phút suy tư anh, nói: “Thôi mình sẽ cùng các bạn về Bến Tre dâng hương cho cụ Võ Trường Toản và có phát biểu ngắn trong video clip tư liệu là đủ”. Anh còn gợi ý cho chúng tôi nên triển khai phần giao lưu với các thầy cô giáo từng đoạt giải thưởng thì buổi lễ sẽ thành công hơn. Theo ý anh, chúng tôi nhanh chóng xây dựng kịch bản gửi anh góp ý. Xem xong, anh gọi điện cho tôi gợi ý sửa các câu hỏi giao lưu sao cho phù hợp. Và cũng theo ý anh, vài ngày sau chúng tôi khẩn trương lên đường về Bến Tre. Trong chuyến đi, chúng tôi lại nghe được những câu chuyện về “nguồn gốc sáng kiến” của anh. Vẫn lối kể chuyện khéo léo hấp dẫn, giọng anh vẫn hào sảng, rực lửa đam mê cống hiến...

Đêm 18-11-2012, anh có mặt tại hội trường 111 Bà Huyện Thanh Quan rất sớm. Mặc dù với tư cách là khách mời nhưng anh vẫn quan tâm hỏi han công tác chuẩn bị. Chương trình diễn ra trang trọng, ấm cúng nhưng có một sự cố nhỏ khiến chúng tôi áy náy và sợ anh phật lòng. Theo như kịch bản sẽ có phần tặng hoa cho anh nhưng do chương trình truyền hình trực tiếp phần giao lưu hơi dài - bị “cháy sóng” nên phải cắt phần tặng hoa. Lễ trao giải kết thúc, như đoán được ái ngại của chúng tôi, anh tháo caravat và nở nụ cười thật tươi rồi siết chặt tay chúc mừng thành công. Tôi xin lỗi anh. Anh khoát tay nhỏ nhẹ: “Không sao em! Đừng bận tâm”. Sau này khi tôi không còn ở Ban Chương trình Xã hội nữa nhưng nghe anh em kể anh vẫn luôn quan tâm đến ban và các chương trình của Báo SGGP. Lễ trao giải nào mời anh, anh cũng đều tham gia rất nhiệt tình. Điều đó càng khẳng định với anh miền đam mê công việc, khát vọng cống hiến cho thương hiệu “Sài Gòn Giải Phóng” luôn trong máu huyết.

3. Trong thời khắc này, hình ảnh của anh lại ùa về trong ký ức của tôi. Tôi làm sao quên được những buổi chiều tối, anh gần như là người cuối cùng của khối trị sự rời khỏi cơ quan. Bóng anh cao lớn tay xách cặp, bước đi khoan thai vững chãi. Có buổi chiều tối tôi nhận ra trong dáng đi của anh có gì đó như lẻ loi. Vậy mà khi gặp đồng nghiệp, anh vẫn luôn nở những nụ cười thân thiện. Và trong ký ức tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh ngày cuối cùng anh rời khỏi cơ quan để về nghỉ hưu. Vẫn cái dáng cao lớn, vẫn cái cặp thân quen trĩu tay, vẫn nụ cười tươi rói. Tôi lặng người dõi mắt theo dáng anh đi…

Anh Trịnh Thắng ơi! Giờ đây, cái bóng cao lớn và bước đi của anh lại nhạt nhòa trước mắt em. Thật đau đớn khi viết những dòng tiễn biệt anh. Cầu mong cho linh hồn anh luôn thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.

HỒNG LAM

Tưởng nhớ nhà báo Nghiêm Minh – Trịnh Thắng

TIẾP NỐI “DÒNG THỜI GIAN”

Tuần trước ghé thăm Tổng Biên tập cũ thì được tin không vui rằng “Trịnh Thắng rất yếu chưa biết có sống thêm được 1 tháng nữa không”. Về cơ quan tôi lập tức thông tin cho mọi người ở Trung tâm Phát hành biết và dự định tuần này sẽ đi thăm anh. Nhưng mọi người chưa kịp đến thì anh đã vội ra đi…

Nhớ người anh giàu sáng kiến ảnh 2

Anh Trịnh Thắng phát biểu tại Hội nghị Phát hành Báo SGGP ở quận 12 năm 2005.

Tôi biết anh Nghiêm Minh là khi anh làm Trưởng ban Tuần san. Một số bài viết của tôi gửi từ cao nguyên được anh chăm chút kỹ càng, có trao đổi rất cụ thể vì sao cắt đoạn này, thêm chữ kia. Nhưng tôi với anh có dịp gặp nhau nhiều là thời gian anh phụ trách Ban Chương trình xã hội của báo. Nhiều ý tưởng, nhiều kế hoạch thay nhau ra đời trong đó khu vực Tây nguyên do tôi phụ trách có tham gia cùng anh hai chương trình nổi đình đám là sô ca nhạc “Dòng thời gian” và cuộc triển lãm - bán đấu giá 100 năm kiệt tác ảnh Việt Nam. Cả hai chương trình đều gây được sức lan tỏa đến bạn đọc, giới lãnh đạo địa phương đặc biệt là chương trình ca nhạc Dòng Thời gian 2 tổ chức tại thao trường Lâm Viên (sân vận động Đà Lạt) đầy ắp khán giả. Lần đầu tiên có một tờ báo khu vực phía Nam đứng ra tổ chức một chương trình ca nhạc quy tụ được nhiều ngôi sao ca nhạc làm cho nhiều người biết đến thương hiệu và tầm vóc của một tờ báo Đảng mà sức ảnh hưởng đã vượt ra khỏi phạm vi của một tờ báo cấp thành phố. Không lâu sau đó, anh lại lặn lội lên với phố núi để tổ chức chương trình đấu giá ảnh tại khách sạn 5 sao Dalat Sofitel Palace. Ngày khai mạc, trời mưa tầm tã vẫn có nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố đến dự đã tiếp thêm sức mạnh cho những người làm chương trình.

Chúng tôi thuộc thế hệ hậu sinh của một tờ báo sắp tròn 40 năm tuổi, mới hay thời gian anh Nghiêm Minh làm Trưởng ban Chương trình xã hội chính là thời kỳ báo tổ chức được nhiều chương trình xã hội có sức lan tỏa cao đến tận bây giờ mà thế hệ anh em đi sau đang tiếp nối thực hiện.

Với tôi, lại có thêm một sự tiếp nối mang lại thành công cho báo. Đó chính là chương trình Đưa báo Đảng đến với dân triển khai từ năm 2005. Năm 2009 khi tôi được phân công đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Phát hành đã tham mưu Ban Biên tập tổ chức Hội nghị Đưa báo Đảng đến dân cấp thành phố, có đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua dự chỉ đạo. Từ năm 2011 đến nay, 100% khu phố và tổ dân phố của thành phố đã có báo SGGP đọc hàng ngày để kịp thời đưa thông tin, đưa chủ trương của Đảng, nhà nước, của thành phố đến với cơ sở một cách nhanh nhất. Thành công ấy có một phần công sức của những người khai “dòng” như anh.

Sinh lão bệnh tử âu cũng là quy luật của cuộc đời mỗi con người. Nhưng với một người chỉn chu kỹ càng trong sinh hoạt – không hút thuốc, ít nhậu nhẹt la cà như anh em phóng viên chúng tôi thì sự ra đi của anh làm cho không ít anh em đồng nghiệp đang công tác ở báo không khỏi xót xa.

Thôi thì số trời đã định, chỉ biết ngậm ngùi tiễn biệt anh và hứa với lòng sẽ làm tốt công việc hiện tại để tiếp nối “Dòng Thời gian” mà anh đã kẻ ra…

Văn Phong

Tin cùng chuyên mục