Hết lòng vì người lao động

Hết lòng vì người lao động

Ban đầu là suy nghĩ đã nhận việc phải cố gắng hoàn thành, vậy mà khi bắt tay vào việc, những người làm công tác công đoàn ấy thấy mình cần làm nhiều hơn để chăm lo công nhân, người lao động có cuộc sống tốt hơn. Với suy nghĩ đó, họ đưa ra nhiều chương trình, sáng kiến giúp công nhân lao động không chỉ được chăm lo về vật chất mà cả đời sống tinh thần cũng được nâng cao.

Tình thương và trách nhiệm

Đang tiếp chuyện chúng tôi, chị Hồ Bích Ngọc, Chủ tịch LĐLĐ quận 1 TPHCM - xin lỗi để nghe điện thoại. Sau đó, chị ra ngoài một chút rồi vào. Vừa ngồi xuống, chị bảo: “Điện thoại của một anh trong nghiệp đoàn xe ôm. Anh thông báo vừa bắt được một vụ cướp và bị té xe. Tôi nói anh em đến thăm hỏi và động viên anh ấy”. Câu chuyện bắt cướp của những anh áo xanh trong Nghiệp đoàn xe ôm quận 1 không còn xa lạ với nhiều người. Thậm chí, giờ đây khi thấy bóng áo xanh ấy, nhiều người còn an tâm, tin tưởng nhờ giao, nhận hàng hóa. “Tôi rất vui khi thấy anh em trong nghiệp đoàn ngày càng có nhiều khách hàng và cuộc sống được cải thiện”, chị Bích Ngọc chia sẻ. Sự chuyển biến này có được, một phần đóng góp không nhỏ là nhờ chị.

Chị Hồ Bích Ngọc (bên phải) thăm hỏi, tặng quà công nhân khó khăn không về quê đón tết.

Ngày ấy, với suy nghĩ mình là người làm công tác công đoàn phải tìm cách chăm lo thiết thực cho người lao động. Thấy các anh xe ôm cứ tranh giành khách, chị nghĩ mình phải làm gì đó. Vậy là chị lên kế hoạch thành lập nghiệp đoàn và vận động các anh vào để tăng thêm sự đoàn kết. Ban đầu vài người tham gia, rồi khi thấy cái được khi vào nghiệp đoàn, số thành viên tăng dần và đi vào lề lối. Rồi chị mở những buổi gặp gỡ, tư vấn, để tình cảm anh em trong nghiệp đoàn thêm gắn kết. Qua đó, nhiều người trước đây có quá khứ không tốt cũng đã chuyển biến mạnh trong suy nghĩ và hành động. Khi nhắc đến các anh em trong nghiệp đoàn xe ôm, chị Bích Ngọc lại cười rạng rỡ. Tôi hỏi, có phải đó là công trình chị tâm đắc? Chị cười bảo: Công trình nào, dự án nào dù lớn hay nhỏ, khi giúp ích cho người lao động, chị đều tâm đắc và dành hết tâm huyết để thực hiện.

Nhiều người nghĩ, quận 1 là “quận giàu”, nhưng đi sâu, sát đời sống của người lao động, chị Bích Ngọc nhận thấy nhiều người còn rất khó khăn, bệnh tật. Vậy là chị vận động gây quỹ giúp đỡ bằng các chương trình văn nghệ, bán đấu giá, xin tài trợ… Bằng cách làm ấy, chị giúp người lao động bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có thêm chi phí điều trị. Bên cạnh các hoạt động theo chỉ đạo của LĐLĐ TP, chị Bích Ngọc còn tổ chức thêm nhiều chương trình để chăm lo cho người lao động như khám bệnh, phát thuốc cho công nhân. Riêng con công nhân, lao động chị cũng vận động để chăm lo học bổng, xe đạp, chăm lo vui chơi Trung thu, xem phim… Tết đến, chị cùng các anh em công đoàn đến các đơn vị, thăm hỏi, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê… Chính tinh thần trách nhiệm ấy của người lãnh đạo như chị Bích Ngọc mà LĐLĐ quận 1 là đơn vị có rất nhiều chương trình vì công nhân, người lao động và luôn có sự đổi mới trong cách làm.

Dám nghĩ, dám làm

Đến Bệnh viện Quận 1, nhiều người rất hài lòng về cách phục vụ của đội ngũ y bác sĩ nơi đây và nhất là không có tình trạng vòi vĩnh nhận phong bì hay quà cáp của bệnh nhân. Đấy chính là thành quả từ các sáng kiến của bác sĩ Nguyễn Nguyệt Cầu, Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Quận 1. Khi mới ra trường và về công tác tại bệnh viện, bác sĩ Nguyệt Cầu với lòng nhiệt huyết nghĩ cần đưa phong trào tại đơn vị mạnh hơn và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Vậy là anh đưa ra sáng kiến “Trắng mãi màu áo blouse” kêu gọi nhân viên tự nguyện chăm sóc bệnh nhân mà điểm nhấn là không nhận phong bì. Khi dự án thành công, anh tiếp tục dự án “Từ trái tim hồng đến nụ cười tươi” với phương châm: bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo. Rồi tự hỏi dự án có hiệu quả không, anh nghĩ phải làm khảo sát. Để khảo sát hiệu quả, anh thực hiện 4 loại phiếu có hình biểu cảm để chỉ sự rất hài lòng, hài lòng, tạm được và không hài lòng để bệnh nhân chọn sau khi khám xong.

Dự án này của bác sĩ Nguyệt Cầu cứ tiếp nối công trình kia và luôn nhận được sự ủng hộ của mọi người. “Lúc đầu cũng có nhiều khó khăn, nhưng sau đó mọi người thấy hiệu quả nên đồng thuận. Tôi may mắn sinh hoạt trong tập thể mọi người cùng nhìn về một hướng. Giờ ai cũng nghĩ, bệnh nhân được, tức bệnh viện được và bác sĩ cũng hạnh phúc hơn”, bác sĩ Nguyệt Cầu chia sẻ. Để anh em có thêm kỹ năng, anh mời giảng viên về tập huấn. Tại Bệnh viện Quận 1, bác sĩ Nguyệt Cầu là người dám nghĩ, dám làm khi thấy việc đó tốt cho đơn vị và bệnh nhân. Anh còn là Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ tình nguyện hiện đang hoạt động rất hiệu quả. Với anh, một chút ý tưởng cộng thêm sự ủng hộ của mọi người thì sẽ thành công.

Trong suy nghĩ của chị Bích Ngọc, người cán bộ công đoàn cần làm nhiều hơn nữa, có sự đầu tư, quan tâm hơn để người lao động được thụ hưởng nhiều hơn. Có những vấn đề đặt ra chưa có hướng giải quyết, đêm về chị cứ trằn trọc suy nghĩ và khi bật ra ý tưởng chị vội viết vào sổ tay để sáng mai kịp triển khai. Chị bảo, hiện mình đang trăn trở vì dự án mua bảo hiểm y tế cho anh em trong nghiệp đoàn xe ôm chưa thực hiện được. Có bảo hiểm, nếu khi tham gia bắt cướp có xô xát thì anh em cũng đỡ phần nào chi phí điều trị. Hình như trong mọi hoạt động của mình, chị đều làm bằng cả tình yêu thương và trách nhiệm.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục