Không ai đánh thuế ước mơ

Thay vì gánh vác trên vai ước mơ của cha mẹ, nhiều bạn trẻ giờ đã sống thật hơn với ước mơ và khát vọng nghề nghiệp của chính mình. Dù đó chỉ là những mong ước bình dị như làm chủ cửa hàng ăn vặt, lập trình viên hay đầu bếp… Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” năm nay nhờ thế đã giành được thiện cảm của các bậc phụ huynh.
Không ai đánh thuế ước mơ

Thay vì gánh vác trên vai ước mơ của cha mẹ, nhiều bạn trẻ giờ đã sống thật hơn với ước mơ và khát vọng nghề nghiệp của chính mình. Dù đó chỉ là những mong ước bình dị như làm chủ cửa hàng ăn vặt, lập trình viên hay đầu bếp… Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” năm nay nhờ thế đã giành được thiện cảm của các bậc phụ huynh.

Thí sinh cuộc thi “Thực hiện ước mơ” được trải nghiệm nghề nghiệp thực tế

Dám nghĩ, dám làm

Là một trong 5 thí sinh xuất sắc bước vào chung kết cuộc thi, bạn Nguyễn Mạnh Hiếu (lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TPHCM) đã kể lại hành trình khám phá năng lực bản thân với hoài bão trở thành giảng viên ngành quản trị nhân sự.

Hiếu kể, vốn dĩ cả hai bên nhà nội ngoại đều theo nghề giáo, có mẹ là giảng viên một trường đại học và ba là chuyên gia dạy công nghệ thông tin. Bấy nhiêu đó cũng đủ hình thành trong suy nghĩ trẻ thơ của Hiếu hình tượng nhà giáo mẫu mực. Hiếu tâm sự: “Ngày đó, ít khi ba nói chuyện máy tính với em, dù vốn dĩ ba mê nó lắm. Ngược lại, ba nói nhiều hơn về kiến thức xã hội, về đức sống ở đời. Đó cũng là lúc, ba thể hiện khả năng sư phạm với đứa con nhỏ. Càng lớn lên, em lại càng thụ hưởng từ mẹ nghệ thuật trình bày vấn đề thuyết phục và lĩnh hội từ ba cách phân tích thực tiễn”.

Chính gia đình là cái nôi nuôi dưỡng hoài bão và là bệ phóng đắc lực để Hiếu lựa chọn hướng đi. Nhưng đáng khen hơn, Hiếu biết chọn hướng đi để phù hợp với sở thích của chính mình. Đó là được nói. Hiếu nhận ra mình “mê nói” khi tham gia cuộc thi dẫn chương trình vào năm lớp 7 do trường tổ chức. Để có thể nói ra được và nói hay, cuốn hút người nghe, Hiếu thường phải đọc nhiều sách và nghe nhiều nhạc, đặc biệt là nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Với Hiếu, giảng viên ngành quản trị nhân sự chính là sự lựa chọn dung hòa được cả yếu tố truyền thống gia đình và sở thích bản thân.

Còn với cô học sinh lớp 12D1 của Trường THPT Gia Định, TPHCM - Huỳnh Ngọc Thiên An, ước mơ cháy bỏng là mở một dãy phố ăn vặt bao gồm những món ăn hè phố đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh và giá cả phải chăng. Vì có sở thích kinh doanh nên ngay từ năm lớp 9 An đã đặt mục tiêu phải xây dựng một hệ thống kinh doanh cho riêng mình. Trong thời gian đó, An đã tự mở một shop nhỏ để bán những món hàng do chính mình làm ra và đã rất thành công. Thấy 2 chị em đam mê, ba mẹ (đều là dược sĩ) cũng muốn các con được phát triển tốt nhất nên rất ủng hộ.

Thực hiện đúng cách

 

* Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM và Viện Đào tạo quốc tế - Trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp tổ chức. Cuộc thi được thực hiện hàng năm dành cho đối tượng học sinh THPT nhằm hỗ trợ học sinh trong việc xác định và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp tương lai; khơi dậy niềm đam mê và phấn đấu của học sinh trong quá trình học tập; giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu về ngành nghề, cọ xát thực tế với nghề nghiệp mơ ước, nhận thức đúng đắn trong việc chọn ngành nghề…

 

Hai bạn trẻ, với hai hoàn cảnh khác biệt, lựa chọn cũng khác biệt. Nhưng điểm chung là dám ước mơ và không nằm chờ ỷ lại vào sự định hướng của người khác. Không riêng gì Hiếu và An, mà hàng trăm bạn trẻ đến với cuộc thi “Thực hiện ước mơ” cũng mang đến nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn. Như có bạn mê làm nhà điêu khắc, kiến trúc sư, đầu bếp, nhà ngoại giao, vật lý cơ bản và đặc biệt có nữ sinh muốn làm chiến sĩ công an. Điều đó thể hiện các bạn trẻ đã tự tin hơn, dám là chính mình.

Tuy nhiên, qua nhiều năm tiếp xúc và làm việc với các em học sinh, sinh viên, chị Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Tổng Giám đốc Trường Doanh nhân Đắc nhân tâm cũng đưa ra cảnh báo rằng còn rất, rất nhiều học sinh hiện vẫn bị động và thụ động đối với trách nhiệm tương lai của mình: lựa chọn ngành nghề theo đám đông, theo sự mong muốn của bố mẹ, hoặc xu hướng và nhu cầu từ thị trường, hơn là từ chính ước mơ, khát khao của bản thân.

Hơn ai hết, nhà trường, gia đình nên tạo cơ hội cho các em sống có định hướng từ những năm cấp 1, 2 và tiếp cận dần với những mong muốn, dự định của mình trong suốt quá trình theo học đến cấp 3. Việc này sẽ giúp các em sẽ đến gần hơn với những dự định ấp ủ của bản thân và có dịp cọ xát, đánh giá những ấp ủ này trong thực tế.

Đối với bản thân mỗi bạn trẻ, thạc sĩ Trương Tinh Hà định hướng “một giờ hoạch định bằng 4 giờ thực hiện”, việc xác định tầm nhìn sẽ giúp chúng ta thấy rõ những trở ngại, bất trắc trong quá trình thực hiện kế hoạch của mình. Bởi vậy, các bạn trẻ hãy thử mạnh dạn “vẽ ước mơ” của mình ra giấy, dán ở những nơi dễ nhìn thấy nhất và hãy lấy đó làm kim chỉ nam cho kế hoạch cuộc đời mình.

TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Trưởng bộ môn Giáo dục học, Tâm lý học ứng dụng Trường ĐH Sư phạm TPHCM khẳng định, để thành công sau này, các bạn trẻ phải định hướng được nghề nghiệp ngay từ bây giờ. Sau đó, nỗ lực học tập, bổ khuyết thêm kiến thức và kỹ năng. “Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng ước mơ còn phải hành động và hành động hết khả năng có thể…”, TS Nguyễn Thị Bích Hồng nói.

NGUYỄN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục