Bảo tồn chóe cổ

Mấy chục năm qua, gia đình ông K’Mun Sơn ở thôn Di Linh Thượng 1, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng đã dành rất nhiều thời gian, công sức để lưu giữ giá trị của những chiếc chóe cổ. Đối với gia đình ông Sơn, chóe cổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được xem như cổ vật mà tiền nhân đã để lại cho mình.
Bảo tồn chóe cổ

Mấy chục năm qua, gia đình ông K’Mun Sơn ở thôn Di Linh Thượng 1, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng đã dành rất nhiều thời gian, công sức để lưu giữ giá trị của những chiếc chóe cổ. Đối với gia đình ông Sơn, chóe cổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được xem như cổ vật mà tiền nhân đã để lại cho mình.

Nghèo mấy cũng không bán

Cách thị trấn phồn hoa Di Linh không xa, ngôi nhà sàn của ông K’Mun Sơn và bà K’Nhoi (dân tộc K’Ho) nằm lọt thỏm giữa đồi cà phê như ngăn cách dòng chảy của cuộc sống hiện đại và không gian cổ xưa. Chính điều này càng tăng thêm những giá trị tinh thần và kích thích tính tò mò của những người mê sưu tầm đồ cổ có giá trị. Theo ông Sơn, ngôi nhà sàn bằng gỗ này đã có từ lâu lắm rồi và trở thành nơi quay về của những thành viên trong gia đình sau những ngày lên nương rẫy và cũng là nơi để cõng chóe về nhà. Trong ngôi nhà này, điều thu hút khách nhiều nhất trong những năm qua là dàn chóe cổ gần 70 cái, được ông xếp đặt trang trọng trên kệ gỗ. Trong số chóe nhà ông Sơn sở hữu, hầu hết có màu đen mun và không có hoa văn. Riêng 4 chóe có tên:  chóe Ông, chóe Bà, chóe Mặt Trời, chóe Mặt Trăng có kích thước nổi trội và in hoa văn hình 2 con rồng hướng vào nhau có giá trị rất cao.

Ông K’Mun Sơn bên dàn chóe cổ của mình

Nhiều năm qua, gia đình ông Sơn đã đón hàng trăm lượt khách về tham quan và hỏi mua nhưng ông đều lắc đầu từ chối. “Có những lúc mùa màng thất bát, cà phê rớt giá, gia đình tôi lâm vào khó khăn, lúc đó có người đến hỏi mua 4 cái chóe này với giá 200 triệu đồng nhưng tôi dứt khoát không bán”, ông K’Mun Sơn nhấn mạnh. Qua tìm hiểu, hiện ở thôn Di Linh Thượng 1 chỉ có gia đình ông K’Mun Sơn còn sở hữu những chiếc chóe cổ. Để bảo tồn chóe, hàng tháng cả gia đình ông Sơn đều đặn lau chùi một cách tỉ mẩn và không để chóe bị va chạm sẽ làm mất đi giá trị vốn có của nó.

Giá trị tâm linh

Đối với người K’Ho, chóe không chỉ mang giá trị tinh thần, biểu tượng của sự sung túc mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Theo ông Sơn, chóe cổ nhà ông có từ thời xa xưa, do ông bà nội của ông cất công sưu tầm và mang về từ các vùng, miền khác nhau. Ngày ấy, ông bà nội của K’Mun Sơn phải băng rừng, lội suối đi mất 7 ngày 7 đêm mới đến được vùng sâu, xa ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận để tìm mua chóe. Khi mua được chóe, người dân tộc K’Ho lại biết tận dụng khi dùng dây mây đã bện sẵn, cột vào 6 cái móc phía gần bên trên miệng chóe, rồi bỏ vào đó những sản vật mua được từ xứ người như: mắm, muối, thịt, cá… và cõng chóe về nhà. Khi đưa chóe về phải làm lễ cúng “nhập” chóe vào nhà hẳn hoi.

Trong số đó, loại chóe mang tên Drắp Me được người K’Ho cúng nhiều nhất. Chóe Drắp Me có chiều cao gần 70cm, bán kính 50cm; miệng chóe có 6 tai, xung quanh có hoa văn hình con hạc và bông hoa. Chóe Drắp Me được xem như vật linh thiêng đối với người K’Ho. Lễ cúng chóe được tiến hành vào trước mùa gieo sạ, mừng lúa mới với mục đích cầu mưa thuận, gió hòa và cảm ơn thần linh đã cho một vụ mùa tốt tươi. Đặc biệt trong nhà có đám cưới, sinh nhật, đặt tên con thì gia chủ phải cúng chóe Drắp Me. Với những phong tục và lễ nghi như vậy nên gia đình ông Sơn hết sức coi trọng và quý dàn chóe cổ, đặc biệt là chóe Drắp Me.

Theo ông Đinh Duy Truyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh, hiện trên địa bàn huyện, số lượng chóe cổ không còn nhiều nên việc gia đình ông K’Mun Sơn lưu giữ được chóe cổ là điều rất đáng quý. Về phía ngành văn hóa  cũng đã động viên, khuyến khích gia đình ông Sơn giữ gìn và bảo tồn những chiếc chóe cổ để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của người K’Ho tại địa bàn.

THÀNH NAM

Tin cùng chuyên mục