An cư bất chấp rủi ro: Đập thì đập, xây cứ xây

Bên cạnh những dự án nhà ở như chung cư, nhà phố, biệt thự hiện đại trị giá bạc tỷ và hàng chục tỷ đồng, TPHCM cũng tồn tại song song những “khu ổ chuột mới”, sinh sôi nảy nở không ngừng. Cho dù biết xây nhà không phép sẽ bị đập bỏ, mua nhà giấy tay có thể bị mất trắng, điều kiện sống bết bát, nhưng người dân vẫn lao vào, bất chấp tất cả. Vì sao vậy?
An cư bất chấp rủi ro: Đập thì đập, xây cứ xây

Bên cạnh những dự án nhà ở như chung cư, nhà phố, biệt thự hiện đại trị giá bạc tỷ và hàng chục tỷ đồng, TPHCM cũng tồn tại song song những “khu ổ chuột mới”, sinh sôi nảy nở không ngừng. Cho dù biết xây nhà không phép sẽ bị đập bỏ, mua nhà giấy tay có thể bị mất trắng, điều kiện sống bết bát, nhưng người dân vẫn lao vào, bất chấp tất cả. Vì sao vậy?

Một điệp khúc buồn nhưng tồn tại dai dẳng tại TPHCM về chuyện xây nhà không phép: chính quyền cứ đập, còn người dân vẫn cứ xây. Năm 2003, TP ra quân tháo dỡ hàng trăm căn nhà xây dựng không phép tại quận Tân Bình (cũ); năm 2013, hàng trăm căn nhà xây không phép tại huyện Bình Chánh và quận Gò Vấp cũng bị tháo dỡ. Vậy nhưng, mới đây, khi trở lại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, điểm nóng xây dựng nhà không phép của TP, tình hình vẫn như ngày nào…

Một khu đất đang phân lô bán nền tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM

Mọc như nấm

“Có ai ở nhà không?”, anh Huỳnh Văn Hồng, cán bộ địa chính xã Vĩnh Lộc B gõ cửa hỏi thăm một căn nhà xây không phép tại ấp 1, tổ 10. Cánh cửa sắt bề thế hé mở, một thanh niên xuất hiện, ngay lập tức khuôn mặt đanh lại, nói giọng nhát gừng đồng thời nhanh chóng đẩy anh Hồng ra khỏi cổng: “Anh ra gặp cô Tin đầu ngõ. Tôi thuê nhà, không biết gì”. Anh Hồng không kịp giải thích, cánh cửa liền đóng sập lại. Ngoài mặt đường căn nhà có cổng sắt kiên cố, một bên giáp nhà dân hiện hữu, bên còn lại giáp đám ruộng xác xơ cỏ lác được bao phủ tấm bạt kín đáo, cùng xây dựng một ít tường gạch.

Như lời chỉ dẫn, chúng tôi gặp bà Đinh Thị Tin đầu ngõ, tuổi gần 80. Nghe chuyện xây dựng không phép, bà cụ và người con gái giọng nói mềm hẳn, phân trần nguồn gốc khu đất là ao nuôi vịt, chia cho các con. “Mẹ em già không thể tự lên xã làm thủ tục; còn em loay hoay hai đứa con nhỏ nên không đi được. Tụi em không có xây gì hết, cho người ta mượn và rào lại bằng gỗ, lợp tấm bạt để làm dép”, người con gái giải thích. Anh Hồng yêu cầu chủ nhà phải tiến hành làm thủ tục chuyển sang đất ở, rồi xin phép xây dựng. Nếu quá hạn 60 ngày, không bổ sung hồ sơ xem xét sẽ bị tháo dỡ. Trong hồ sơ lưu tại UBND xã, công trình này bị xã ra biên bản phạt 2 triệu đồng vì xây dựng không phép vào ngày 5-1-2016!

Cách đó chừng 100m, cũng đi vào con đường đất, một căn nhà xây không phép quy mô hơn. Toàn bộ khuôn viên đất 4x10m xây dựng kiên cố, một tầng. Tổ dân phố cho biết, chủ nhân căn nhà xây không phép là anh Phạm Văn Quyền, xây dựng năm 2014, hàng ngày cùng gia đình sinh sống trong căn nhà này. “Hai trường hợp đều phù hợp với quy hoạch là đất ở, nhưng chủ đất không chịu đi xin phép xây dựng”, anh Hồng giải thích.

Ngay lúc đó, chuông điện thoại anh Hồng reo lên. Lập tức anh Hồng nói với anh tổ trưởng dân phố: “Đến khu đất của bà Thủy, có người báo đang xây dựng không phép”. Đi chừng 1km, trước mắt chúng tôi là một công trình đang xây dựng rất khẩn trương. Có 7 người vừa trộn hồ, khiêng gạch, cát san lấp nốt phần còn lại của mặt bằng hơn 200m², nền nâng cao khoảng nửa mét; phần đã san lấp vừa phả xi măng láng bóng, ướt nhẹp. Đại diện chủ đất giải thích, chỉ san lấp mặt bằng thôi, không xây dựng gì hết. “Xây dựng phải xin phép, nếu không bị tháo dỡ liền”, anh cán bộ địa chính xã nhắc nhở.

Trên đường trở về UBND xã, anh Hồng lại nhận tiếp một cuộc điện thoại báo có vụ xây dựng không phép ở ấp 6. Tại hiện trường, đã có sự xuất hiện của 2 cán bộ thanh tra xây dựng huyện; công trình làm toàn bộ bằng tôn phủ 4 mặt, sàn láng xi măng, trông vuông vứt như nhà xưởng. Chủ công trình tỏ vẻ lo lắng nói, chỉ làm tạm để phục vụ cho việc xây dựng nhà trên khu đất phía trước đã phân lô sẵn… Đi một đoạn nữa, anh Hồng chỉ một căn nhà nằm trống trải giữa cánh đồng, cho biết, trước tết xã đã cưỡng chế đập bỏ một căn nhà xây không phép trên đất nông nghiệp, sau đó đưa máy xúc đến đào móng công trình lên, chứ để móng nhà, người ta sẽ xây lại!

Một nhà xây dựng không phép bị đập tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nay người dân đã sửa lại để ở

1,7 ngày, một căn nhà không phép

“Người dân báo xây dựng không phép nhiều lắm, nhắn tin báo giả cũng có. Không chỉ trong dân mà tổ dân phố, công an… cũng phối hợp liên thông với nhau để nắm sự việc. Ngày nào tôi cũng đi, có khi chủ nhật đi ăn giỗ tôi cũng tranh thủ rảo hết một vòng. Chạy riết, xe máy của tôi vừa rồi phải thay cặp phuộc trước”, anh Hồng kể. Nhưng thực tế lại khác, đây là con số “biết nói”: năm 2013, trong “cơn bão” tháo dỡ nhà xây dựng không phép, toàn xã có 248 trường hợp, thì năm rồi, xã lại có tiếp 214 nhà xây không phép, tức là tính trung bình 1,7 ngày mọc lên một căn nhà không phép! Sau đợt xử lý nhà không phép năm 2013, chủ tịch xã, phó chủ tịch xã… đã bị thay thế. Còn bây giờ, phải thẳng thắn thừa nhận, với các giải pháp đã và đang triển khai, việc quản lý xây dựng là bất lực!

Thử phân tích các nguyên nhân dẫn đến xây nhà không phép tại xã Vĩnh Lộc B. Toàn xã có 103.000 dân, thống kê năm 2015, lớn gần gấp đôi dân số huyện Cần Giờ; diện tích 1.744ha, rộng hơn 3 lần so với quận 11. Chưa hết, dân nhập cư cứ đến xã đều đặn hàng năm từ 7.000 - 9.000 người.

Ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, than: “Dân số đông nhưng người có hộ khẩu chỉ chiếm 30%. Công việc của chúng tôi thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Người dân đến ủy ban làm các thủ tục hành chánh lúc nào cũng đông đúc. Không chỉ xây dựng lụi nhiều mà xin phép xây dựng cũng lớn, năm ngoái có 370 trường hợp cấp phép xây dựng. Trường học xây mới luôn không đáp ứng kịp nhu cầu, như năm rồi khánh thành xong một trường tiểu học, nay cũng trở nên quá tải”.

Xã Vĩnh Lộc B có gì mà thu hút nhiều người đến đây sinh sống dữ vậy? Theo quy hoạch, đây là xã nông nghiệp, mà thực tế là vậy. Vùng đất nông nghiệp đã kéo theo không nhỏ dân tứ xứ đến đây thuê đất ruộng dọc theo kênh dẫn nước từ kênh Đông trồng cây thuốc lá, rau muống, rau cải, xà lách… cung cấp cho TP. Xét về địa lý, xã này cũng không phải quá xa quận 12, Tân Phú…, nhưng vì nhà đất còn rẻ nên rất nhiều trường hợp người dân đến đây mua nhà, đi làm ở các quận lân cận. Tất nhiên họ chấp nhận rủi ro xây nhà không phép, rồi… chờ tính sau. Chỉ tính riêng nhà trọ, xã có 547 hộ đăng ký kinh doanh, tất nhiên mỗi hộ có vài chục phòng trở lên. Tất cả yếu tố đó đã thúc đẩy xã Vĩnh Lộc B lao vào cơn lốc đô thị hóa rất nhanh.

Những ngày dạo quanh xã, ấn tượng lớn nhất đối với chúng tôi là ngột ngạt ô nhiễm: bụi bặm từ đường đất hoặc đường rải đá cấp phối trộn với bụi khói xe cộ nối đuôi nhau bay mù mịt; các cơ sở công nghiệp nhỏ lẻ, vựa phế liệu xen lẫn với khu dân cư…

Tại hẻm dân cư ấp 2, đường vào chưa được 100m nhưng có khoảng 40 nóc nhà. Đầu hẻm là một xưởng cưa, tiếng xẻ gỗ, mùn cưa bay mù mịt. Đi vào tiếp theo hai bên là 4 xưởng cơ khí, tiếng cắt sắt rít đinh tai. Tiếp nữa là một khu đất chất đầy phế liệu. Sau cùng là dãy nhà ở, cuối hẻm rào lại, ngăn cách với khu đất ruộng mênh mông… Dường như người dân chấp nhận sống chung với cát bụi! “Xã không đủ tiêu chuẩn xét duyệt là xã nông thôn mới”, câu giải thích của ông Nguyễn Minh Hiền sau một cuộc họp tại xã vào cùng buổi sáng mà chúng tôi tình cờ có mặt, dường như đã khái quát đầy đủ về bức tranh của vùng đất “bề bộn còn sót lại” của TP…

Nguyễn Khoa - Lương Thiện
Ảnh: Cao Minh

Tin cùng chuyên mục