Nhớ chú Trần Bạch Đằng - Cây bút chính luận sắc sảo

Chú Trần Bạch Đằng là một nhà lãnh đạo, ông còn là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà sử học... Ông là một người cầm bút - một cây bút chính luận sắc sảo.
Nhớ chú Trần Bạch Đằng - Cây bút chính luận sắc sảo

Chú Trần Bạch Đằng là một nhà lãnh đạo, ông còn là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà sử học... Ông là một người cầm bút - một cây bút chính luận sắc sảo.

Là một nhà lãnh đạo, các chức vụ của ông gắn nhiều với công tác tuyên huấn và Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học ở làng Thạnh Hưng, Giồng Riềng, Rạch Giá; tham gia cách mạng từ khi học tiểu học, vào Đảng năm 1943 - lúc 17 tuổi và 19 tuổi đã tham gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn. Ông từng phụ trách biên tập tờ báo Chống xâm lăng của Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn, chủ nhiệm báo Thanh niên cứu quốc Nam bộ, chủ bút tờ báo Nhân dân miền Nam của Trung ương Cục, sau này là Bí thư Thành ủy, Phó ban Tuyên giáo Trung ương... Nhiều người cho rằng, ông khiêm nhường về chức vụ nhưng trọn vẹn cuộc đời và luôn có mặt ở nơi đầu sóng, ngọn gió của cách mạng. Bao giờ ở ông cũng toát lên chất khí khái, lạc quan, luôn kỳ vọng vào người trẻ và những nhân tố mới. Ông như luôn sống mãi với tuổi thanh xuân - đầy hào khí, đầy chất lửa và luôn đứng về phía nhân dân.

Đồng chí Trần Bạch Đằng tại một buổi nói chuyện.  Ảnh: MAI HẢI

Đương thời, bút lực sung mãn của ông đã làm cho những nhà báo chuyên nghiệp ngạc nhiên và nể trọng. Ông viết về hầu hết các lĩnh vực, nhiều nhất là chính trị, văn hóa, xã hội, chống tham nhũng, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền... Bài viết của ông như tiếp thêm dũng khí vì công bằng xã hội, vì hạnh phúc nhân dân. Ông thường viết ngắn nhưng giàu chất trí tuệ và tình yêu thương con người. Những bài chính luận của ông đề cập nhiều vấn đề, sự kiện rất thời sự bởi sự nhạy bén, mẫn cảm và sự sâu sát, gắn bó với thực tiễn, cuộc sống. Ông không chỉ đọc nhiều, nghiền ngẫm nhiều mà cũng đi nhiều, nghe được nhiều. Ông có nhiều “ăng ten”, nhiều kênh thông tin, nhiều mối liên hệ... Có người còn cho rằng, ông là người có quyền lực - quyền lực của người có nhiều thông tin.

Những năm còn khỏe, nhiều người vẫn thường thấy ông đi bộ trên phố, tạt qua chỗ này, chỗ kia, hỏi han, trò chuyện với người dân và tham dự nhiều hoạt động. Có lần, tỉnh Khánh Hòa mời tham dự lễ hội 350 năm thành lập Khánh Hòa, ông bận việc ra sân bay muộn, lỡ chuyến bay, vậy mà đã tức tốc đi bằng ô tô ra ngoài ấy. Ông nói, đi để có thêm thông tin, để hòa vào không khí hoạt động của địa phương.

Trần Bạch Đằng là tấm gương lao động, học tập suốt đời. Nhà ông nhiều sách như một thư viện. Dời nhà đi đâu, sách theo ông đến đó. Ông tự học ngoại ngữ và sử dụng được, nói và viết đều sắc sảo. Thành đoàn và thanh niên thành phố rất thích nghe ông nói chuyện bởi sự uyên bác, thẳng thắn, đi ngay vào vấn đề mổ xẻ như những “ván bài lật ngửa”, vừa mạnh mẽ, vừa thấm sâu và mang tính triết lý nhân sinh.

Năm 1986, ông cho xuất bản cuốn sách “Thanh niên Sài Gòn - Bạn là ai?”, ông nói tôi viết lời tựa. Để không phụ lòng ông, tôi đã cố gắng đọc một mạch bản thảo và viết gửi lại cho ông. Sau đó, đã nhận được sự phản hồi đầy khích lệ của ông. Trong tập sách có những bài chính luận, những thông điệp, những gửi gắm cho tuổi trẻ thành phố bấy giờ. Có bài ông viết: “Những ai yêu thanh niên thành phố vẫn cảm thấy thòm thèm. Hình như phong trào chưa phóng hết đà. Hình như lớp trẻ chưa thật chủ động trong cuộc tiến công mới. Hình như vẫn còn một chút do dự nào đây. Không hẳn đã gãy khớp với quá khứ nhưng không hẳn phong trào thanh niên thành phố hiện tại thừa kế trọn vẹn khí thế độc đáo của quá khứ... Trong xây dựng, thành phố phải là của tuổi trẻ”.

Những bài chính luận của ông lý lẽ sâu sắc nhưng ngôn từ và lối viết giản dị, đậm chất Nam bộ. Là một người viết nhiều, nhưng ông vẫn cho rằng: “Tôi chưa bao giờ tự coi mình là nhà báo chuyên nghiệp, tôi xem báo chí là trận địa mà tôi ưa thích, viết báo với tất cả hứng thú sẽ cùng đi với tôi cho đến khi tôi không còn viết được”. Nói vậy thôi, chứ cuộc đời ông đã gắn liền với báo chí, từ thời báo chí kháng chiến còn nhiều khó khăn đến phát triển hiện đại sau này. Bài viết của ông có sức lôi cuốn, gợi mở. Ông viết với tất cả tấm lòng, sự hiểu biết, sự suy ngẫm, trải nghiệm.

Những ngày này, với nhiều những hoạt động nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta lại rất nhớ về ông - một người viết báo nhà nghề với văn phong, cốt cách độc đáo không lẫn vào đâu được. Là những người học trò của Nhà báo Hồ Chí Minh, ông như đang đứng ở hàng đầu trong đội ngũ những người viết báo và như nhắc nhở chúng ta những gì cần có của một người cầm bút. Xin giữ mãi ân tình nơi ông, một nhà lãnh đạo xuất sắc, tài hoa của Nam bộ thành đồng - một nhà báo can trường, nghĩa khí.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục