Xuất bản, in và phát hành: Thiếu chiến lược cụ thể

Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành in có mức tăng trưởng trung bình 7%-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đơn vị phát hành tại TPHCM chiếm khoảng hơn 60% tổng lượng phát hành cả nước. 
Xây dựng thói quen đọc sách trong trường học để nâng cao văn hóa đọc
Xây dựng thói quen đọc sách trong trường học để nâng cao văn hóa đọc
Thế nhưng, dù các con số đầy lạc quan, với những người làm công tác xuất bản, in và phát hành (gọi chung là ngành xuất bản), tương lai lại chất chứa nhiều nỗi lo.
Dấu hiệu của sự lạc hậu
Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa), người vừa trở về từ Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức), cho biết năm nay quy mô của một trong những hội chợ sách lớn nhất thế giới đã giảm gần một nửa so với năm ngoái. Nguyên nhân không phải vì nhu cầu đọc sách giảm mà do ảnh hưởng của yếu tố công nghệ đã làm thay đổi bản chất ngành xuất bản theo một hướng mới, hiện đại và tiện ích hơn. Ví dụ, một nhà xuất bản (NXB) trên thế giới xuất bản một cuốn sách, có giá bán khá cao, người mua sách được tặng kèm một mã truy cập để tiếp cận với kho dữ liệu liên quan đến nội dung trong sách. Mã này có thời hạn, hết hạn phải trả tiền để gia hạn. Đây là một hình thức đôi bên cùng có lợi, đơn vị xuất bản có thể kéo dài lợi nhuận từ sách, bạn đọc có thể tiếp xúc với khối lượng thông tin khổng lồ so với nội dung trong sách. 
Mô hình này thực tế đã xuất hiện từ vài năm trước nhưng ở Hội sách Frankfurt vừa qua mới chính thức được phổ biến. Để làm được điều này, các đơn vị xuất bản đã phải đầu tư nghiêm túc cho công nghệ. Họ có những bộ phận công nghệ riêng, mạnh và hiện đại để phục vụ nhu cầu hưởng thụ sách mới của bạn đọc. Trong khi đó tại Việt Nam, vì nhiều lý do, ngay cả mảng sách điện tử (ebook) kiểu cũ còn gặp nhiều khó khăn, không thể phát triển chứ chưa nói đến mô hình mới. Nếu không có sự thay đổi, ngành xuất bản trong nước sẽ trở nên lạc hậu nhanh.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho biết, hiện có tình trạng các đơn vị xuất bản trong khu vực ASEAN hạn chế bán bản quyền sách cho Việt Nam. Lý do là theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến đầu năm 2020, Việt Nam sẽ cho phép các đơn vị xuất bản nước ngoài được liên kết xuất bản trong nước. Khi đó, sẽ có tình trạng sách tiếng Việt, xuất bản trong nước nhưng do các tổ chức nước ngoài thực hiện. Các đơn vị làm sách quốc tế có ưu thế về kinh nghiệm, vốn, mối quan hệ… sẽ là đối thủ cạnh tranh gay gắt với các đơn vị làm sách trong nước. Với tình trạng như hiện nay, nếu thực sự bước vào cạnh tranh, sẽ có rất ít nhà làm sách trong nước đủ năng lực để cạnh tranh trực tiếp.
Xây dựng đề án “Cụm đường sách”
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy nhu cầu đọc sách được xem là biện pháp căn cơ nhất. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội Xuất bản TPHCM, cho rằng cần phải nhìn nhận lại việc phát triển của toàn ngành xuất bản hiện nay. Trung bình, người dân cả nước hiện đọc khoảng 4 cuốn sách/năm nhưng 3 cuốn trong đó là sách giáo khoa, nên số sách thực đọc chỉ còn trên dưới 1 cuốn/năm. Theo ông Lê Hoàng, các đơn vị làm sách tập trung làm sách hay, sách tốt đã đóng góp rất lớn cho văn hóa đọc nhưng đã đến lúc bên cạnh việc làm sách, cần phải chú trọng hơn đến việc khuyến khích, tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển. Chỉ cần mỗi người dân đọc thêm 1 cuốn sách/năm thì toàn ngành sẽ phát triển gấp đôi hiện nay. 
Mô hình đường sách của TPHCM được xem là một trong những nét đẹp phát triển văn hóa đọc lớn nhất thời gian qua. Từ thành công này, đường sách đã được mở rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… TPHCM đã có kế hoạch xây dựng tại mỗi quận huyện một đường sách nhưng theo ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, việc này rất khó do không đủ nguồn nhân lực, vật lực. Trước mắt, sở đang xây dựng đề án “Cụm đường sách”, theo đó các quận huyện sát cạnh nhau sẽ phối hợp tổ chức đường sách chung cho nhiều quận; ưu tiên các quận ở xa, ngoại thành. Bên cạnh đó, một số quận cũng chủ động đề xuất mở đường sách như quận 7, quận 5. Đường sách quận 7 hiện đã hoàn tất khâu thủ tục, đang đi vào hoàn thiện.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở đường sách tuy có đóng góp tích cực cho văn hóa đọc nhưng không nên cào bằng, giống nhau. Ông Lê Hoàng lấy thực tế việc nghiên cứu mở đường sách ở quận 8 làm ví dụ, khu vực quận 8 có nhiều đặc thù khác với Đường sách TPHCM (trên đường Nguyễn Văn Bình) nên việc tổ chức cũng phải có sự khác biệt. Ngoài ra, không cần phải quá câu nệ khái niệm “đường sách” như trường hợp quận Thủ Đức đang dự kiến xây khu sách tại khu vực Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật với tên gọi khác.
Ông Nguyễn Minh Nhựt nêu lên một thực tế, dù có sự phát triển tốt về xuất bản nhưng TP hiện lại đang thiếu một chiến lược sách cụ thể. Ví dụ, thời gian gần đây TP nhắc nhiều đến triển khai “Cách mạng công nghiệp 4.0” thế nhưng chưa có chiến lược khuyến khích làm, đọc sách gì để đáp ứng nhu cầu này. Hay như việc xây dựng đô thị thông minh, TP có chủ trương nào về việc xuất bản, phổ biến sách góp phần giúp người dân hiểu, chia sẻ và đoàn kết nỗ lực xây dựng TP thực sự văn minh? Ông Nhựt lấy ví dụ cụ thể về chiến lược phát triển sách thiếu nhi. Theo đó, sách dịch có thể tốt nhưng rõ ràng trẻ em Việt lớn lên với những câu chuyện về Thánh Gióng vẫn tốt hơn là với Harry Potter, Doreamon…

Tin cùng chuyên mục