Định vị thương hiệu du lịch bằng bản sắc văn hóa
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Phan Tâm nêu rõ: Chúng ta cần nhìn văn hóa như một tài nguyên đặc biệt, có thể tái tạo, sinh lợi lâu dài, có giá trị kinh tế, tinh thần, tạo giá trị độc đáo cho sản phẩm du lịch.
Để công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy đưa du lịch cất cánh, địa phương cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản, bảo tàng ảo. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong văn hóa là tất yếu, để giá trị di sản vượt ra khỏi phạm vi địa phương... Câu chuyện của Ninh Bình không phải là địa phương có gì, mà là làm như thế nào để thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh, lan tỏa, vươn tầm quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn khẳng định, phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội "xanh, bền vững và hài hòa".
“Khi công nghiệp văn hóa được lồng ghép và phát triển song hành cùng du lịch, chúng ta giới thiệu những câu chuyện, bản sắc, linh hồn của vùng đất đó”, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.
Từ góc độ nghiên cứu chính sách, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VH-NT-TT-DL chia sẻ, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, phát huy tính liên ngành trong sáng tạo sản phẩm công nghiệp văn hóa tạo nên sức hút đặc biệt tại các điểm đến. Nhiều quốc gia và thành phố đã định vị trên bản đồ du lịch thế giới thông qua bản sắc văn hóa riêng biệt, được chuyển hóa thành sản phẩm và trải nghiệm du lịch giàu tính nghệ thuật và cảm xúc.

Hạt nhân của mọi chiến lược
Công nghiệp văn hóa với nền tảng là sáng tạo, bản sắc và giá trị tinh thần đang ngày càng được xem là đòn bẩy quan trọng để ngành du lịch phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, khác biệt và giàu cảm xúc. Tuy nhiên, không ít địa phương đang đối mặt với “lệch pha” giữa quy hoạch văn hóa và chiến lược phát triển du lịch, khiến tiềm năng công nghiệp văn hóa chưa phát huy đúng mức. Vì thế, cần một tầm nhìn dài hạn và hệ sinh thái đồng bộ.

Cùng trăn trở này, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ, vấn đề nhiều nơi gặp phải là làm sao để du lịch không trở thành lực cản, mà thực sự là động lực để nuôi dưỡng di sản... Theo ông, chìa khóa ở đây là công nghiệp văn hóa không phải là phần phụ trợ mà phải là động lực cốt lõi của phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, như các chuyên gia cảnh báo, từ nhận thức đến hành động vẫn còn là một chặng đường dài.
Ông Jonathan Baker đề xuất những giải pháp cụ thể như: xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp điểm đến du lịch; đầu tư trọng điểm cho các ngành sáng tạo có khả năng tạo sản phẩm có giá trị kinh tế; phát triển “vườn ươm di sản” hỗ trợ khởi nghiệp văn hóa tại địa phương; trao quyền cho giới trẻ qua các dự án kể chuyện kỹ thuật số, đào tạo kỹ năng và lan tỏa văn hóa bản địa thông qua công nghệ...

Nhấn mạnh việc nâng tầm bằng sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa, di sản, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng trước xu hướng du lịch ngày càng chú trọng trải nghiệm cá nhân, du lịch xanh và bền vững, địa phương cần linh hoạt thay đổi để nắm bắt nhu cầu du khách và khai thác tối đa tiềm năng điểm đến. Cụ thể như cần rà soát, đánh giá lại tài nguyên du lịch sau sáp nhập để xây dựng quy hoạch phù hợp; có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt là các sản phẩm đêm, tăng tính tương tác và gắn với di sản văn hóa...
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong kỷ nguyên kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa không chỉ là câu chuyện của nghệ thuật hay bảo tồn. Đó là chiến lược phát triển bền vững, là công cụ để tạo bản sắc, nâng cao năng lực cạnh tranh và đem lại giá trị thực chất cho cộng đồng.