Triển lãm tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương: Hội họa giàu tính nữ như làn gió thu

Triển lãm cá nhân lần thứ 4 của họa sĩ Nguyễn Thu Hương mang tên “Hương của lụa” diễn ra từ nay đến 11-6, tại Eight Gallery (số 357/2, đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TPHCM). Triển lãm cũng giới thiệu sách mỹ thuật cùng tên Hương của lụa (NXB Hồng Đức, 2025), do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn biên soạn, khái lược lại hành trình vẽ lụa của Nguyễn Thu Hương sau hơn 15 năm.

Vườn địa đàng 1 - 85x160cm -2024.JPG
Tác phẩm trưng bày trong triển lãm

Tranh lụa của Nguyễn Thu Hương gợi nhớ đến tên một chất liệu có thể mang âm hưởng điêu khắc, vốn xa lạ với sự mềm mại mong manh. Lụa của Hương không tận dụng sự óng ả để đặc tả làn da cũng như không làm loang màu để đổ dài những mái tóc mây, mà thường là một dáng hình ngả màu xanh biếc hay vàng rực, một khuôn mặt tan nhòa vào nền tranh, hầu như các nét hấp dẫn của cơ thể người nữ đều sóng sánh và lẩn khuất trong các hoa văn trang trí.

495579747_122218159376180879_7262220152579717910_n.jpg
Một góc không gian triển lãm

Theo nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, cái tạo nên sự khác biệt trong lụa của Nguyễn Thu Hương không phải ở tính đồ họa hay các hoa văn trang trí mà chính là ở sự mập mờ của các mảng khối, nửa che giấu nửa hiển lộ vẻ quyến rũ của hình thể như bạn vừa thấy. Những đường cong nét lượn như chen lấn, xô đầy, tan biến vào lá hoa vải vóc, trở thành lá hoa vải vóc, nhưng cũng có lúc hình thể con người đột ngột trỗi lên như một lời đính chính. Những hư ảnh ấy, khi thì đằm sâu đầy ẩn ý, khi thì nhẹ như gió thoảng nhưng bao giờ cũng hàm chứa một không gian khác đằng sau nó.

Huong cua lua - sach (2).jpg
Triển lãm cũng giới thiệu sách mỹ thuật cùng tên Hương của lụa (NXB Hồng Đức, 2025), do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn biên soạn, khái lược lại hành trình vẽ lụa của Nguyễn Thu Hương sau hơn 15 năm

Nói về lý do theo đuổi tranh lụa, họa sĩ Nguyễn Thu Hương bày tỏ: “Lúc đầu, khi quyết định chọn lụa làm chất liệu chính, tôi chỉ nghĩ là chọn cái gì mà ít người chọn nhất, nhưng càng về sau tôi thấy mình nên có đóng góp với chất liệu này dù là rất nhỏ. Từ đó, tôi tìm hiểu kỹ hơn về lụa. Trong quá trình sáng tác, tôi muốn thay đổi cảm nhận của người xem tranh cả về thị giác và xúc giác với lụa nên ngoài việc vẽ, tôi đã sử dụng những thao tác thủ công như bện, tết, thắt nơ, buộc nút… trên bề mặt tranh. Đó cũng là những điều mới mẻ với chính tôi khi khám phá thêm về chất liệu. Còn trong tương lai, tôi vẫn sẽ tận dụng những đặc tính của lụa, cả ưu điểm và nhược điểm của nó để vẽ, và vẫn là những chủ đề quen thuộc về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam”.

Hương 8 - 85x145cm -2023.JPG
Tác phẩm trưng bày trong triển lãm

Khi nói về sự ảnh hưởng của tranh lụa truyền thống tới những sáng tác của mình, Thu Hương chia sẻ: “Tôi vẫn giữ lối vẽ truyền thống, nghĩa là màu nước trên lụa, vuốt lụa, vẽ lúc khô xen với khi lụa ẩm, chồng nhiều lớp màu để tạo ra một mầu mới, hay làm loang nhòe và biểu giấy dó phía sau tranh. Bản thân chất lụa rất mỏng manh, mịn màng, ít được dùng để tả khối, ánh sáng, và diễn không gian tự nhiên như cách vẽ của sơn dầu”.

Nguyen Thu Huong (4).JPG
Họa sĩ Nguyễn Thu Hương

Tin cùng chuyên mục