Về 2 loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung vừa được lưu hành - “Lobby” để được lưu hành?

Kiểm tra lại toàn bộ quy trình cấp phép

Chiều qua 15-12, trong cuộc trao đổi nhanh với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, bộ đang yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát lại toàn bộ quá trình cấp phép 2 loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung vừa được Thứ trưởng Cao Minh Quang ký cho phép lưu hành tại Việt Nam là Gardasil của Công ty Merck Sharp & Dohme (MSD) và Cervarix của Công ty GlaxoSmithKline (GSK). Đang có những nghi ngờ rằng, 2 loại vaccine này được lưu hành là nhờ “lobby” (vận động hành lang)!

Kiểm tra lại toàn bộ quy trình cấp phép

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu từ chối trả lời các câu hỏi của báo chí về những vấn đề xung quanh 2 loại vaccine, mà đề nghị thư ký của mình là ông Nguyễn Xuân Trường trả lời thêm. Theo ông Trường, hiện nay các đơn vị chức năng đã kiểm tra toàn bộ quy trình cấp phép và quá trình thử nghiệm 2 loại vaccine để sớm có câu trả lời. Phải qua kiểm tra, rà soát lại tất cả quá trình cấp phép, mới có thể xác định rõ mọi vấn đề.

Được biết, trước đó, ngày 24-7, Thứ trưởng Cao Minh Quang đã có quyết định công bố vaccine Gardasil được lưu hành tại Việt Nam. Gardasil có chỉ định chích ngừa cho trẻ em và phụ nữ 9-26 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung do 4 tuýp virus HPV 6, 11, 16 và 18 gây ra. Tiếp đó, đến ngày 18-11, vaccine Cervarix cũng đã được Thứ trưởng Cao Minh Quang quyết định cho lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên vaccine Cervarix lại có chỉ định chích ngừa cho trẻ em và phụ nữ 10-55 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung do 2 tuýp virus HPV 16 và 18 gây ra.

Đáng chú ý, có một số thông tin cho biết, trước khi ký quyết định công bố lưu hành cho vaccine Gardasi, Thứ trưởng Cao Minh Quang đã có một văn bản tiếng Anh gửi tới lãnh đạo của MSD cho rằng, MSD tại Việt Nam đã sử dụng những “vận động hành lang” không phù hợp để có được giấy phép lưu hành loại vaccine này. Tuy nhiên trong văn bản này, Thứ trưởng Cao Minh Quang khẳng định, sự đồng ý cho vaccine Gardasil lưu hành vào Việt Nam là dựa trên nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải là kết quả của sự “vận động hành lang”.

Còn đối với loại vaccine Cervarix, trong quá trình phê duyệt hồ sơ đăng ký lưu hành đã có một số ý kiến chuyên gia đề nghị chỉ nên cấp đăng ký lưu hành cho vaccine này ở lứa tuổi 10-25. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn cấp phép lưu hành cho loại vaccine Cervarix để tiêm ngừa trong độ tuổi 10-55. Trong khi đó, trên thế giới, đã có tới 40 nước cấp đăng ký lưu hành cho Cervarix tiêm ngừa ở nhóm 10-25 tuổi và chỉ có 2 nước phê duyệt nhóm 10-55 tuổi.

Tiêm vaccine chỉ có tác dụng khi chưa nhiễm virus

Cùng ngày, GS-TS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư thuộc Bệnh viện K Trung ương, cho biết: Ung thư cổ tử cung xếp thứ 2 trong số 10 loại ung thư phổ biến ở nữ giới, riêng TPHCM, tỷ lệ mắc bệnh này đứng thứ 2 sau ung thư vú. Trong đó, tuýp HPV 16 và 18 là thủ phạm của 80% số trường hợp ung thư cổ tử cung, 20% còn lại do các nguyên nhân khác như viêm nhiễm mãn tính, thuốc lá, đột biến bất thường.

Do ung thư cổ tử cung phần lớn liên quan đến nhiễm trùng, nên việc vaccine để phòng chống ung thư trước khi bệnh phát sinh là cần thiết. Tuy nhiên, GS Nguyễn Bá Đức cho rằng, việc tiêm vaccine ngừa HPV chỉ có tác dụng khi bản thân người đó chưa nhiễm chủng virus này, còn khi đã nhiễm rồi thì hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ.

Trong khi đó, các yếu tố gây ung thư cổ tử cung thì rất nhiều, nhưng nguy cơ bị bệnh này tăng theo tỷ lệ thuận với số lần quan hệ tình dục của phụ nữ. Vì thế, ở nhiều quốc gia, loại vaccine này được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên (10- 25 tuổi). Đa số phụ nữ trong lứa tuổi này chưa quan hệ tình dục và lập gia đình, nên thường đem lại hiệu quả bảo vệ cao. Do đó khi tiêm vaccine thì cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại virus HPV.

Theo GS Đức, tại Mỹ, sau khi nghiên cứu và thử nghiệm loại vaccine Gardasil trên lâm sàng, người ta cũng đưa ra khuyến cáo sử dụng cho đối tượng 9-26 tuổi. Còn tại Việt Nam đang thử nghiệm trên lâm sàng đối với em gái 11- 13 tuổi ở một số tỉnh thành. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm về đối tượng tiêm vaccine là phụ nữ trên 25 tuổi, GS Đức cho rằng: Nếu có điều kiện kinh tế, việc tiêm ngừa vaccine ung thư cổ tử cung cũng tốt, nhưng thực tế đã chứng minh tuổi càng cao thì nguy cơ nhiễm virus HPV càng nhiều.

Như vậy hiệu quả sẽ giảm đi rõ rệt. Trong khi đó, để xác định mình có bị nhiễm virus HPV để sau đó mới đưa ra quyết định có tiêm ngừa loại vaccine này hay không, thì chi phí sẽ vô cùng tốn kém, thậm chí mất vài trăm USD mới thực hiện hết được các xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng làm được những xét nghiệm phức tạp này. Ngay cả Bệnh viện K, một cơ sở đầu ngành về ung thư tại Việt Nam cũng chưa đủ máy móc để phân lập đó là virus tuýp nào.

Quốc Lập

Tin cùng chuyên mục