Từ nguồn tin bạn đọc Báo SGGP

Phát hiện nhiều sai phạm tại phòng khám Trung y Bác Ái

Phát hiện nhiều sai phạm tại phòng khám Trung y Bác Ái
  • Thu giữ 169kg thuốc không rõ nguồn gốc

Từ nguồn tin của Báo SGGP, chiều qua 15-7, Thanh tra (TT) Sở Y tế do BS Phạm Kim Bình, Phó Chánh TT Sở Y tế TPHCM, làm trưởng đoàn đã thanh tra đột xuất Phòng khám Trung y Bác Ái (470 Hồng Bàng, P.16, Q.11). Tại đây, đoàn TT đã phát hiện rất nhiều sai phạm.

Phát hiện nhiều sai phạm tại phòng khám Trung y Bác Ái ảnh 1

Ông Lương Hồng Quang (trái) không thể xuất trình được những giấy tờ liên quan với đoàn thanh tra. Ảnh: K.L.

Ngay sau khi 2 TT viên được cài vào giả làm người khám bệnh và được một bác sĩ người Trung Quốc (không đeo bảng tên) khám bệnh, kê đơn, đoàn TT đã có mặt và tiến hành thủ tục TT. Tại thời điểm TT (14 giờ 30 phút), đoàn ghi nhận phòng khám có một người tự xưng là bác sĩ người Trung Quốc đang khám bệnh. Theo giới thiệu của người phiên dịch và của chính vị bác sĩ này (bằng tiếng Hoa) thì tên của ông ta là Lương Sinh, người Trung Quốc.

Trả lời những câu hỏi của TT về vấn đề bằng cấp, ông Lương Sinh chỉ lập lờ rằng mình có học qua ngành y nhưng lại không xuất trình được bằng cấp, hộ chiếu cũng như hợp đồng lao động với phòng khám này. Ông Lương Sinh cũng cho rằng, ông không phải là bác sĩ chính mà chỉ là bác sĩ phụ việc cho vị bác sĩ chính (hiện không có mặt tại phòng mạch); ông Lương Sinh cũng như người phiên dịch cũng không nói được tên vị bác sĩ chính. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP ngày 2-7 thì phòng khám chỉ có vị bác sĩ này và người phiên dịch thực hiện khám và ghi toa thuốc cho bệnh nhân.

Sau gần 40 phút TT, chủ phòng mạch là ông Vũ Hiếu Thuận (SN 1957, ngụ tại 55 Phạm Văn Bạch, phường 15 quận Tân Bình) mới có mặt và theo lời ông Thuận thì vị bác sĩ này có tên là Lương Hồng Quang chứ không phải Lương Sinh như ông ta khai nhận. Trước đó, theo đơn thư phản ánh của bạn đọc Báo SGGP, ông Lương Hồng Quang (Liang Hong Guang) này là “một nông dân không có nghề nghiệp, ngụ tại TP Bắc Lưu, Quảng Tây, Trung Quốc. Tháng 5-2004 đã từng bị Báo SGGP thâm nhập điều tra tại Quảng Tây, Trung Quốc, đã chứng thực được thân phận bác sĩ giả…”.

Cũng theo ghi nhận của TT, sổ sách khám bệnh của phòng khám không có chữ viết song ngữ theo quy định mà chỉ được ghi chép hoàn toàn bằng chữ Hoa. Tiến hành kiểm tra kho thuốc của phòng mạch, các TT viên không khỏi giật mình khi tại đây có rất nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được dập thành viên nén, bao nang như tân dược. Tất cả các loại thuốc đựng trong các bịch xốp đen, để khá bừa bãi trên sàn nhà. Đoàn TT đã niêm phong, chuyển về TT Sở Y tế để chờ xử lý toàn bộ số thuốc này với 169kg thuốc gồm 15 chủng loại thuốc không rõ nguồn gốc. Trong số thuốc này có một số thuốc nghi là tân dược. Giải trình về nguồn gốc số thuốc này, ông Vũ Hiếu Thuận cho biết: Thuốc là do một người Trung Quốc mà ông không rõ tên bán cho cơ sở.

Trong suốt quá trình làm việc với đoàn TT, chủ cơ sở này đã không trình bằng cấp chuyên môn của bác sĩ điều trị cũng như của các nhân viên khác. Không chỉ thế, theo đại diện Phòng Y tế quận 11 thì hồ sơ đăng ký của phòng khám này chỉ là đăng ký hành nghề chẩn trị y học cổ truyền. Tuy nhiên trước đó, phòng khám này đã nhiều lần quảng cáo trên các báo khác với những lời quảng cáo khá ngoa ngôn: “… Phòng khám chủ yếu vận dụng liệu pháp Trung y để trị liệu các loại bệnh mãn tính và nan y do nhiều vị chuyên gia Trung y đích thân chẩn trị. Các chuyên gia y thuật xuất chúng, học thuật lý luận tinh thông, kinh nghiệm lâm sàng phong phú…”.

Được biết, việc quảng cáo của phòng mạch này cũng sai phạm vì cho đến thời điểm TT, phòng khám vẫn chưa có phiếu tiếp nhận đăng ký hồ sơ quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục