TPHCM: Nhiều điểm kinh doanh, sản xuất sữa sai phạm

TPHCM: Nhiều điểm kinh doanh, sản xuất sữa sai phạm
TPHCM: Nhiều điểm kinh doanh, sản xuất sữa sai phạm ảnh 1
Kiểm tra mặt hàng sữa tại Công ty TNHH Đức Long Hãng (quận 10).Ảnh: lạc phong

(SGGP). – Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, mấy ngày gần đây, lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều vi phạm trong kinh doanh, sản xuất mặt hàng sữa.

Chiều 23-9, Đội 10B QLTT phát hiện quả tang một chiếc ô tô tải đang chất 95 bao (loại 25kg/bao) bột sữa chuẩn bị chở đi tiêu thụ tại Long An của Công ty TNHH Đức Long Hãng (đường Tô Hiến Thành, phường 15 quận 10).

Kết quả kiểm tra, có 89 bao không in nhãn mác, nguồn gốc; 6 bao khác có nhãn phụ ghi xuất xứ của Malaysia, nhãn hiệu Farm Cow. Trong kho chứa hàng của công ty còn 40 bao bột sữa, trong đó 12 bao cũng không có nhãn mác và chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ.

Trước đó, kiểm tra tại địa chỉ số 613/15 đường 3-2, phường 8, quận 10 do ông Phạm Văn Minh làm chủ, Đội 10B QLTT đã phát hiện cửa hàng đang bày bán và chứa sữa bột nước, gồm 18 bao (loại 25kg/bao) sữa bột mang nhãn hiệu Skimmed-Milk Powder và 16 can (loại 30 lít/can) Chocolate Nhúng. Tiếp tục kiểm tra nơi sản xuất của loại sữa này, lực lượng chức năng còn phát hiện tại cơ sở sản xuất và chế biến sữa chocolate Văn Minh (số 23/4A - 23/4B đường Lũy Bán Bích, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) đang sản xuất và chứa sữa bột, chocolate lỏng dùng để làm nguyên liệu bánh kẹo và kem ăn.

Số lượng hàng vi phạm tại đây bị phát hiện gồm 21 bao sữa bột váng, 16 can nước chocolate, 10 bao bột ca-cao; hàng thành phẩm gồm 41 bao sữa bột gầy, 14 bao sữa bột béo… Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vi phạm không có công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn; kinh doanh sữa bột không ghi nước sản xuất và thành phần hàm lượng sữa, không có hóa đơn, nhãn hàng hóa trên can…

Tương tự, Đội QLTT Gò Vấp phát hiện quả tang một xe tải đang lên xuống hàng trước cổng Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Khương Nguyễn (số 121/24A Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp). Kết quả kiểm tra, số lượng hàng gồm 29 bao sữa bột (loại 25kg/bao) hiệu Nom Dairy Creamer, 14 bao mang nhãn hiệu Dextrose do Trung Quốc, Thái Lan sản xuất, vi phạm không hóa đơn chứng từ, không nhãn phụ tiếng Việt Nam.

Đội QLTT 3B cùng đoàn kiểm tra liên ngành chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quận 3 đã kiểm tra “chợ” sữa trên đường Nguyễn Thông, phường 9 và phát hiện 11 cửa hàng kinh doanh tại đây đều không có giấy chứng nhận đủ ATVSTP và tập huấn kiến thức ATVSTP. Trong đó, 10/11 cửa hàng đã ngưng không kinh doanh sữa bột dạng xá.

Riêng cửa hàng Hoàng Yến (36A Nguyễn Thông) đang kinh doanh sữa bột các loại nhưng không cung cấp được hóa đơn chứng từ của 2 tấn sữa bột các loại. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm đối với cửa hàng Hoàng Yến. Đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm của 10 hộ kinh doanh trên sang Phòng Y tế quận 3 để thụ lý.

Cùng thời điểm trên, lực lượng QLTT các đội 3A, 7B, Thủ Đức… cũng cho hay, kiểm tra sơ bộ đã phát hiện hàng loạt điểm kinh doanh, sản xuất sữa có các hành vi vi phạm như: không công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn; kinh doanh sữa bột không ghi nước sản xuất và thành phần hàm lượng sữa, không có hóa đơn…

L. PHONG

 Thừa Thiên - Huế: Thu 400kg sữa bột không rõ nguồn gốc

(SGGP). – Chiều 23-9, ông Nguyễn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa phát hiện tại ngã tư Hoàng Văn Thụ - Trường Chinh, phường An Đông, TP Huế, có 400kg bột sữa loại Kana và Ensign. Qua kiểm tra lô hàng phát hiện: không có chủ hàng, không có hóa đơn chứng từ thu mua, không có hướng dẫn sử dụng phụ tiếng Việt, chỉ có mấy dòng chữ tiếng Anh.

Ông Thanh còn cho biết thêm, hiện không nắm con số cụ thể sữa Trung Quốc nhập về địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là bao nhiêu.

TH. UYÊN - PH. LÊ

Đà Nẵng: Phạt hành chính các đơn vị bán sữa không nhãn mác

(SGGP). – Ngày 23-9, Thanh tra Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Qua kiểm tra 10 cửa hàng tại các chợ siêu thị Đà Nẵng, chợ Hàn, chợ Thanh Khê… cơ quan chức năng đã phát hiện 17,5kg sữa không nhãn mác, 100 hộp sữa Ensure nhập ngoại không có ghi tiếng Việt. Sở Y tế đã xử phạt hành chính đối với các đơn vị này. Ngoài ra, cũng trong đợt kiểm tra này, đoàn thanh tra tập trung kiểm tra các loại sữa bột cho trẻ có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là sữa của tập đoàn Sanlu.

NG. KHÔI

Tin cùng chuyên mục