Trước đại dịch cúm A/H1N1: Giám sát tốt, phát hiện sớm

Sẵn sàng và có trách nhiệm
Trước đại dịch cúm A/H1N1: Giám sát tốt, phát hiện sớm

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm ở người với đại diện các bộ ngành liên quan nhằm xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp đối phó với nguy cơ dịch cúm A/H1N1 được tổ chức chiều 1-5.

Sẵn sàng và có trách nhiệm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, với việc WHO nâng mức cảnh báo nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1 lên cấp 5, đòi hỏi các quốc gia phải quyết liệt hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Hiện nay, ngành y tế cũng như các bộ ngành liên quan đã bắt đầu xây dựng kế hoạch phòng chống và ứng phó trong trường hợp đại dịch xảy ra, song vấn đề quan trọng nhất là việc triển khai các biện pháp phòng chống phải đạt được hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa những tác động về kinh tế – xã hội của đất nước…

“Trong dịch SARS xảy ra năm 2003, mặc dù chỉ kéo dài ở nước ta hơn 1 tháng, làm 6 người tử vong nhưng cũng đã làm GDP của cả nước trong năm đó giảm 0,5%...” - Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng. Do vậy, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là phải bằng mọi cách hạn chế tối đa dịch cúm A/H1N1 xâm nhập.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, các hoạt động giám sát, theo dõi sức khỏe hành khách ra vào các cửa khẩu quốc tế sẽ tiếp tục được siết chặt, nhất là khách đến từ vùng có dịch.

Đặc biệt tại các cửa khẩu đường bộ phải triển khai giám sát ngay, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương có cửa khẩu. “Trong trường hợp để “lọt lưới” các ca bệnh từ bên ngoài vào trong nội địa, sẽ tiến hành truy xét lại xem đối tượng đã qua cửa khẩu nào để làm rõ trách nhiệm…” - Bộ trưởng Bộ Y tế kiên quyết.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay tuy nhiều quốc gia trên thế giới chưa cấm những chuyến bay tới từ vùng có dịch nhưng việc xem xét hạn chế cấp visa đối với những người ở vùng có dịch tới những nước chưa có dịch đã được đặt ra và Việt Nam cũng đang xem xét vấn đề này.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu vẫn nhận định, dịch bệnh nguy hiểm cúm A/H1N1 vẫn có thể xâm nhập vào Việt Nam nên việc phát hiện sớm và khoanh vùng được ca bệnh đầu tiên là rất quan trọng. Ngay từ bây giờ, các cơ sở y tế phải nâng cao khả giám sát, chẩn đoán xét nghiệm các ca bệnh cúm, chuẩn bị đầy đủ số máy thở, thuốc tamiflu, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến. Thậm chí, xem xét việc diễn tập ở quy mô lớn để kiểm tra khả năng ứng phó đối với đại dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, nếu đại dịch cúm A/H1N1 xảy ra sẽ kéo dài hơn dịch SARS rất nhiều, thậm chí hàng năm như dịch cúm gia cầm  H5N1 hiện nay.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng khuyên người dân không quá hoang mang lo lắng khi sử dụng thịt heo, cũng như các sản phẩm từ thịt heo. Quan trọng nhất là phải nấu chín trên 70oC, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc và được kiểm dịch rõ ràng. Tuyệt đối không chế biến, kinh doanh và sử dụng thịt heo bệnh và heo chết trong bất kỳ trường hợp nào.

Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội

Hôm qua 1-5, UBND TPHCM cũng triệu tập cuộc họp khẩn cùng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP. Tính từ ngày 26-4 đến 1-5, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP đã giám sát dịch tễ được 29.288 hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có 728 người đến từ các vùng đang có dịch cúm A/H1N1. Tuy nhiên, đến chiều 1-5 vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc cúm A/H1N1.

Theo BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngoài việc thành lập Ban Chỉ đạo và 4 tiểu ban để triển khai ngăn ngừa, ngành y tế TP cũng đã chuẩn bị 2 khu cách ly kiểm dịch tại Trường Tiểu học Thới An (quận 12) và Trường Tiểu học Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận). Cùng với đó, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo thành lập các đội y tế cơ động ở các bệnh viện để ứng phó khi có dịch cúm A/H1N1 xảy ra, củng cố hệ thống điều trị, tăng cường nhân lực, thuốc men, trang thiết bị…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài (bìa trái) kiểm tra công tác giám sát dịch tễ cúm A/H1N1 tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 1-5. Ảnh: Tg.Lâm

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài (bìa trái) kiểm tra công tác giám sát dịch tễ cúm A/H1N1 tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 1-5. Ảnh: Tg.Lâm

Còn BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thì lo ngại là hành khách quốc tế đến Việt Nam rồi nhưng chưa kịp phát sốt (thời gian ủ bệnh cúm A/H1N1 thường 7 ngày), sau đó ra cộng đồng mới phát bệnh thì kiểm soát thế nào? Ông Giang cũng đặt vấn đề là Cảng vụ hàng không miền Nam cần thiết lập 2 tuyến đường cách ly tại cửa khẩu sân bay, một đường “xanh” và một đường “đỏ”. Khi phát hiện ca sốt trên máy bay thì toàn bộ hành khách chuyến bay đó đi theo đường “đỏ”, hoặc hành khách đến từ vùng dịch cúm A/H1N1 cũng đi theo đường “đỏ”.

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết ngay khi được biết dịch cúm A/H1N1 có nguyên nhân từ virus cúm heo, đã chỉ đạo tiêm phòng dứt điểm đợt 1 cho tất cả các đàn heo trên địa bàn TP, áp dụng các biện pháp sinh học an toàn cho người chăn nuôi, chế biến thịt heo. Đồng thời lấy mẫu máu trên heo gửi xét nghiệm kháng thể virus H1N1.

Tuy nhiên, theo ông Trung, bài bản ngăn ngừa dịch bệnh là thế nhưng chưa hề có minh chứng cho thấy cúm A/H1N1 lây từ heo sang người. Do đó, ông Trung đề nghị các cơ quan quản lý, tuyên truyền không đưa vấn đề quá mức khiến người dân hoang mang.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đề nghị các sở,  ban ngành phải đặt trách nhiệm trong trường hợp xấu nhất. Mục tiêu mà Phó Chủ tịch đề ra là phải giám sát tốt, nhất là tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên cũng không ngoại lệ các cửa khẩu khác như cảng biển, đường bộ. Song song đó là nhanh chóng phát hiện sớm để cách ly, khoanh vùng, ngăn ngừa hiệu quả.

Với tinh thần “không lơ là mất cảnh giác”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP phải luôn đặt trong tư thế sẵn sàng và trách nhiệm, phải có những biện pháp kịp thời, cần thiết nhưng không đẩy sự việc đến mức hoang mang, lo lắng nhằm đảm bảo các hoạt động kinh tế-chính trị-xã hội khác.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo UBND TPHCM đã làm việc với đại diện chính quyền 24 quận, huyện. Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài yêu cầu các quận, huyện phải khởi động ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, thiếu ở chỗ nào thì bổ sung, điều chỉnh.

 Mặt khác, phải phân công trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ cùng các ban ngành liên quan, chuẩn bị khẩn cấp những gì tốt nhất cho tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, các quận, huyện vẫn phải đảm bảo hoạt động kinh tế, nhiệm vụ chính trị, trật tự xã hội, và không buông lỏng các loại dịch bệnh khác như tiêu chảy cấp, cúm gia cầm…

Sáng 1-5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cùng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP đã đến kiểm tra công tác giám sát dịch tễ cúm A/H1N1 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Về máy đo thân nhiệt còn thiếu, Phó chủ tịch đồng ý đề xuất mua thêm 1-2 máy để kịp thời đưa vào giám sát. Đối với Cảng vụ hàng không miền Nam, Phó Chủ tịch đề nghị bố trí sẵn sàng khu vực cách ly, phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất cho cơ quan y tế giám sát và vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết…

* * * * *

Tính đến ngày 1-5, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có ít nhất 12 nước có cúm A/H1N1, với 331 trường hợp dương tính. Trong đó Mỹ là 109 ca dương tính H1N1, Mexico 156 ca, Canada 34 ca, Tây Ban Nha 13 ca, Anh 8 ca, Đức 3 ca… Ngoài ra tại 16 nước khác tiếp tục ghi nhận các trường hợp nghi có cúm A/H1N1. Trong đó tại khu vực châu Á có Hàn Quốc 17 ca, Hồng Công  - Trung Quốc 4 ca và Thái Lan 1 ca. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào mắc cúm A/H1N1.

Khánh Nguyễn - Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục