Chặn thực phẩm bẩn vào nội địa

“Soi” từ cửa khẩu
Chặn thực phẩm bẩn vào nội địa

Bộ NN-PTNT khẳng định, từ ngày 1-7, cơ quan chức năng đã bắt đầu kiểm soát chặt các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập vào nước ta, đặc biệt, các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau củ, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Từ tháng 7-2011, mặt hàng nào không đăng ký với cơ quan chức năng về nguồn gốc sẽ không cho nhập khẩu.

Từ tháng 7-2011, khoai tây Trung Quốc nhập vào nước ta đều phải kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm mới cho thông quan.

Từ tháng 7-2011, khoai tây Trung Quốc nhập vào nước ta đều phải kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm mới cho thông quan.

“Soi” từ cửa khẩu

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện nay các mặt hàng nông sản, thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập vào nước ta thông qua các cảng Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM nhưng chủ yếu là qua các cửa khẩu ở biên giới phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái.

Trong điều kiện hiện nay, một số nước thường dùng nhiều biện pháp để phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất và “đánh bóng” các mặt hàng nông sản, dẫn tới hệ lụy dư lượng hóa chất cao gấp nhiều lần cho phép, tiềm ẩn không ít nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, để triển khai tinh thần của Luật An toàn thực phẩm, Bộ NN-PTNT đã ban hành thông tư 13 hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, có hiệu lực từ 1-7-2011.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, tất cả các loại hàng hóa có nguồn gốc thực vật như nho, cam, quýt, rau tươi, khoai tây, cà chua… bên cạnh kiểm tra dịch hại đều phải kiểm tra về độ an toàn, dư lượng hóa chất, kim loại nặng… đảm bảo yêu cầu mới cho thông quan.

Thiếu phương tiện kiểm nghiệm tại chỗ

Song ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thừa nhận, hiện ở các cửa khẩu và cảng biển, chúng ta vẫn chưa xây dựng được các phòng kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa nhập khẩu ngay tại chỗ. Vì vậy, hiện nay các mẫu thu thập vẫn đang phải gửi ngược về các trung tâm đặt tại Hà Nội, TPHCM… để phân tích và sau khoảng 3 - 4 ngày, thậm chí 10 ngày mới có kết quả.

Còn theo ông Hồng, hiện cả nước đang có 60 trạm kiểm dịch thực vật đóng tại các cửa khẩu đường bộ, cảng, sân bay. Trước đây, chủ yếu vẫn kiểm tra, phân loại hàng hóa nhập khẩu bằng cảm quan. Nếu nghi ngờ có vi phạm mới thu thập mẫu gửi về trung tâm kiểm nghiệm. Bản thân trung tâm kiểm nghiệm cũng ít. Hiện tại, cả nước mới có 17 trung tâm kiểm nghiệm. Do nhân lực mỏng, số lượng máy móc hạn chế, tài chính eo hẹp nên hoạt động còn hạn chế. Để khắc phục, Bộ NN-PTNT đang đề nghị xã hội hóa việc kiểm dịch, tạo cơ chế tài chính ưu đãi cho các phòng thí nghiệm tư nhân.

Cũng vì tiến độ kiểm nghiệm chậm, nhiều doanh nghiệp lo ngại hàng hóa sẽ bị ùn ứ ở cửa khẩu để chờ thông quan. Người đứng đầu Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, do sức ép về thời gian, đặc biệt, các sản phẩm nông sản không thể để lâu vì sẽ hỏng, xuống cấp… nên sau khi lấy mẫu xong, cơ quan chức năng vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa trong vòng 24 giờ. Tất nhiên, làm như vậy sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi, kiểm soát chất lượng hàng hóa bán ra thị trường, nhưng ông Hồng khẳng định, trong điều kiện kỹ thuật chưa thể cho phép đạt kết quả kiểm tra ngay, đành phải chấp nhận như vậy. Để hạn chế các rủi ro, trong trường hợp phát hiện thấy lô hàng nào vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ siết chặt việc theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp hoặc lô hàng mà trước đó đã bị phát hiện có vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị tăng tần suất kiểm tra, từ mức thông thường 10% lên 30%. Nếu có hai lần vi phạm sẽ kiểm tra 100%. Đồng thời, chủ hàng phải tự bảo quản hàng hóa và chỉ được thông quan khi có chứng nhận về an toàn thực phẩm do cơ quan kiểm tra cấp hoặc được cơ quan kiểm tra cho phép. “Nếu ở mức độ vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi buộc phải tạm đình chỉ với các loại hàng hóa đó hoặc yêu cầu tái xuất” - ông Hồng nói.

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục