Bất nhất

Mới đây, Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm, một trong 4 công ty tham gia chương trình bình ổn giá thuốc theo chủ trương của UBND TPHCM, không khỏi bức xúc vì sự bất nhất trong kiểm nghiệm chất lượng thuốc của công ty này.

Việc là cùng một mẫu thuốc viên nén bao phim Volgesic 75 (Natri Diclofenac 75mg giúp giảm đau, hạ sốt, kháng viêm) nhưng 2 cơ quan kiểm nghiệm lại cho 2 kết quả khác nhau. Và rút cục là loại thuốc trên bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi, cấm lưu hành.

Ngày 15-7 vừa qua, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế TPHCM trả kết quả cho mẫu thuốc trên (số lô 0070002, sản xuất ngày 25-1-2010, hạn dùng 1-2012) được lấy ở gian hàng số 2 Công ty Hoàng Nguyễn (quận 1, TPHCM) ở TPHCM là không đạt chỉ tiêu độ hòa tan. Nhưng cũng với mẫu thuốc trên, cùng số lô nhưng được lấy ở chi nhánh của Công ty Euvipharm ở TPHCM thì kết quả trả cùng ngày 15-7 lại đạt chỉ tiêu độ hòa tan.

Như vậy, cùng một cơ quan kiểm nghiệm, cùng một lô thuốc nhưng lấy ở 2 địa điểm khác nhau đã cho 2 kết quả trái ngược.

Thắc mắc vì sự bất nhất này, Công ty Euvipharm đã gửi Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM (Bộ Y tế) mẫu thuốc trên để kiểm nghiệm và kết quả là hoàn toàn đạt chỉ tiêu độ hòa tan. Thế nhưng, rút cục là Sở Y tế TPHCM vẫn đề nghị Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi và cấm lưu hành toàn bộ loại thuốc trên. Liệu như vậy có hợp lý và cơ quan chức năng căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm nào để ra quyết định?
 
Quả thực không ít doanh nghiệp dược đã rất điêu đứng khi việc kiểm nghiệm chất lượng thuốc và quyết định thu hồi thuốc vẫn còn mập mờ một quy trình cụ thể, minh bạch. Đó là dựa trên kết quả mẫu kiểm nghiệm lấy ở đâu để ra phán quyết cuối cùng? Sự thực, lâu nay các cơ quan kiểm nghiệm thuốc hay cơ quan thanh tra cứ thường ra các cửa hàng thuốc hoặc chợ sỉ dược phẩm kiểm tra, lấy vài mẫu thuốc về kiểm nghiệm chất lượng. Và nếu kết quả không đạt các chỉ tiêu thì kiến nghị thu hồi.

Tuy nhiên, điều thật dễ hiểu là hiện phần lớn các cửa hàng thuốc, chợ thuốc chưa đạt yêu cầu về công tác bảo quản thuốc nên việc có một số loại thuốc xuống cấp, kém chất lượng do bảo quản không tốt là không tránh khỏi. Đó là chưa kể dân buôn bán thuốc vẫn chuộng vận chuyển thuốc trong các cốp xe máy, trong các bọc ni lông phơi dưới nắng nóng nên nhiệt độ khiến thuốc biến chất cũng là chuyện thường.

Cho nên mới có chuyện doanh nghiệp sản xuất thuốc ra tại công ty thì đạt chuẩn mà về đến một số nhà thuốc lại… thiếu chuẩn. Doanh nghiệp nào “xui xẻo” gặp thanh tra, cơ quan kiểm nghiệm thuốc vớ phải loại thuốc thiếu chuẩn, ắt hẳn phải thu hồi, cấm lưu hành, thiệt hại hàng đống tiền.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục