Đồng bằng sông Cửu Long lúng túng chống dịch tay chân miệng

Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh ĐBSCL, trong đó An Giang là địa phương có tỷ lệ số ca mắc/tử vong cao nhất nước. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trong vùng, việc phòng chống dịch bệnh vẫn rất lúng túng.
Đồng bằng sông Cửu Long lúng túng chống dịch tay chân miệng

Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh ĐBSCL, trong đó An Giang là địa phương có tỷ lệ số ca mắc/tử vong cao nhất nước. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trong vùng, việc phòng chống dịch bệnh vẫn rất lúng túng.

  • Không cách ly nổi

Mấy ngày qua, khoa nhiễm của Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải với hàng trăm bệnh nhi phải nằm điều trị nội trú. Tại những phòng cách ly trên lầu 2 khoa Nhiễm (dành riêng cho bệnh nhi mắc TCM), lúc nào cũng có 2 đến 3 bệnh nhân phải nằm ghép chung một giường; nhiều người còn phải mắc võng, bắc ghế bố, trải chiếu nằm ở hành lang.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ nuôi cháu nội bị TCM mệt mỏi cho biết: “Phòng có 10 giường mà gần 30 cháu nằm nên rất chật như nêm. Tôi và mẹ cháu cả đêm thay phiên nhau ngồi canh, hành lang cũng không còn chỗ nằm”.

Bệnh nhi bị mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Bệnh nhi bị mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

BV Nhi đồng Cần Thơ là BV chuyên khoa Nhi duy nhất ở ĐBSCL nên rất nhiều ca mắc TCM ở các tỉnh khác trong vùng được chuyển về đây điều trị. Tính đến hết tháng 3, BV đã khám cho gần 4.500 bệnh nhi mắc TCM, trong đó gần 1.000 trường hợp phải nhập viện điều trị và 2 trường hợp tử vong. Trong tổng số gần 1.000 trường hợp nằm điều trị, có 517 ca ở các tỉnh khác, số còn lại là trẻ trên địa bàn TP Cần Thơ. So với cùng kỳ năm 2011, số ca mắc TCM đến khám ở BV tăng gần 3 lần.

Điều đáng ngại là do số lượng bệnh nhân quá đông nên việc cách ly các ca mắc TCM ở BV rất khó khăn. Nhiều người nhà vẫn “vô tư” ẵm bồng các bệnh nhi bị TCM ra các khu vực điều trị khác. Một bác sĩ ở khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi đã khuyến cáo người nhà bệnh nhi mắc TCM hạn chế cho các cháu đi sang khu vực khác, tránh lây lan bệnh. Thế nhưng phòng ốc ngộp quá nên không cách ly nổi. Hiện tại nguy cơ nhiễm bệnh chéo ở BV là rất cao”.

Theo BS Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ, số ca mắc bệnh TCM tại ĐBSCL vẫn ở mức độ cao vì đang vào thời điểm gia tăng dịch. Dự báo đến hết tháng 6, số ca mắc TCM sẽ còn tiếp tục tăng cao. Để chủ động điều trị, BV Nhi đồng Cần Thơ đã bố trí dự phòng khoảng 20 giường bệnh để chủ động vào đợt cao điểm.

Hiện tại, để giảm bớt tình trạng quá tải do bệnh TCM, các bác sĩ BV Nhi đồng Cần Thơ phải khám sàng lọc bệnh, những trường hợp bệnh nặng mới cho nhập viện, trường hợp nhẹ sẽ hướng dẫn người dân tự chăm sóc, điều trị tại nhà. BV cũng đã in tờ rơi hướng dẫn người nhà bệnh nhi cách phòng, trị bệnh và nêu rõ 9 biểu hiệu bệnh nặng để gia đình lưu ý kịp thời đưa con đến BV.

Tương tự, những ngày qua, tại các khoa Nhi của nhiều BV tỉnh khác như BV Đa khoa Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau… số bệnh nhân mắc TCM nhập viện cũng đang tăng từng ngày.

  • Thiếu, yếu đủ bề

Tại tỉnh Cà Mau, đến nay Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã ghi nhận trên 500 trường hợp mắc TCM, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Ở Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay cũng có hơn 1.000 ca mắc TCM, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 2 ca tử vong. Còn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm tới nay đã có gần 500 ca mắc TCM.

Đáng chú ý là tỉnh An Giang, nơi được xem là một trong những “điểm nóng” về TCM của cả nước, hiện có tới 5 trường hợp trẻ tử vong do bệnh này. Đến nay, ngành y tế tỉnh An Giang đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc TCM. Đây cũng là nơi có tỷ lệ người bệnh/tử vong cao nhất toàn quốc.

Theo đánh giá chung của ngành y tế các tỉnh ĐBSCL, nguyên nhân bệnh TCM lây lan nhanh ở các địa phương cũng như số ca tử vong cao là do ý thức chủ quan của người dân trong phòng tránh bệnh, nhiều trẻ mắc bệnh khi đưa đến BV thì đã quá nặng. Tuy nhiên, ngoài lý do trên, sự yếu kém của tuyến y tế cơ sở và thiếu thốn trang thiết bị ở các BV cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch TCM trở nên khó kiểm soát. Ở tuyến y tế cơ sở xã, phường, nhiều nơi cán bộ y tế còn rất lúng túng trong việc phát hiện và điều trị TCM.

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ cho biết: “Có nhiều ca mắc TCM nhưng không có những biểu hiện điển hình. Vì thế, nhiều nơi cán bộ y tế dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, sốt xuất huyết, viêm màng não, sốc nhiễm trùng… khi được đưa lên tuyến trên thì bệnh đã quá nặng”.

Hiện nay, hầu hết các BV tuyến tỉnh ở ĐBSCL cũng đang trong tình trạng thiếu các trang thiết bị cơ bản để chống dịch TCM như máy thở, catheter đo huyết áp động mạch xâm lấn, máy đếm giọt, máy bơm tiêm tự động… Cần thiết nhất là máy lọc máu liên tục nhưng cũng gần như “vắng bóng” ở các BV tỉnh. Ngay như BV Nhi đồng Cần Thơ cũng vừa mới được trang bị và đang trong quá trình tập huấn để sử dụng máy.

BS Võ Huy Danh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho rằng: “Những ca tử vong đều có chuyển biến bệnh rất nhanh. Vì vậy, để hạn chế số ca tử vong do TCM, các BV ở ĐBSCL cần phải đầu tư ngay những trang thiết bị cần thiết. Riêng ở An Giang, chúng tôi đã kiến nghị tỉnh chi 10 tỷ đồng để mua sắm máy lọc máu liên tục, máy thở và các hóa chất, dụng cụ cần thiết khác. Dự kiến ngay trong tuần tới sẽ đưa vào sử dụng”. 

ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục