Phòng khám Trung Quốc… tung hoành

Phòng khám tái phạm
Phòng khám Trung Quốc… tung hoành

Vụ Phòng khám y Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TPHCM) bị phát hiện hàng loạt sai phạm chưa “ráo mực” thì hôm qua (20-6), Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục phát hiện những vi phạm khi kiểm tra Phòng khám Đa khoa Đầm Sen (46 Hòa Bình, phường 5, quận 11, TPHCM - trực thuộc Công ty TNHH TM Trung tâm Y tế Đầm Sen).

Niêm phong thuốc không nguồn gốc tại Phòng khám Đa khoa Đầm Sen ngày 20-6.

Niêm phong thuốc không nguồn gốc tại Phòng khám Đa khoa Đầm Sen ngày 20-6.

Phòng khám tái phạm

Tại thời điểm kiểm tra, thanh tra ghi nhận phòng khám trên đang mở cửa hoạt động, tuy nhiên dược sĩ phụ trách chuyên môn vắng mặt, chỉ còn người đại diện là bà Nguyễn Thị Thu Loan. Phòng khám có 8 bác sĩ chuyên môn, 5 điều dưỡng, đăng ký các chuyên khoa sản phụ khoa, xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm… và giá khám niêm yết 50.000 đồng/lần. Phía trên tầng 1, phòng sản khoa có nhiều giường bỏ trống. Tại phòng lưu bệnh đang có hai nữ bệnh nhân điều trị tới ngày thứ 5 được truyền dịch, gồm Đ.N.Q (20 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, trị bệnh viêm âm đạo, kinh nguyệt không đều, giá viện phí 4 triệu đồng) và C.T.H.G (43 tuổi, ngụ quận 11, điều trị viêm lộ tuyến, giá viện phí 13 triệu đồng). Điều trị cho hai bệnh nhân này là một bác sĩ người Trung Quốc và đã rời khỏi phòng khám 10 phút trước khi đoàn thanh tra đến.

Tại phòng lưu kho có một số thuốc nhãn hiệu Trung Quốc không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng mà theo giải thích của đại diện phòng khám là chuẩn bị đem hủy. Thanh tra còn phát hiện hồ sơ bệnh án trường hợp phá thai của một bệnh nhân tuổi còn rất trẻ. Theo bác sĩ Huỳnh Anh, thanh tra viên Sở Y tế, dù cơ sở này đăng ký chuyên môn sản phụ khoa nhưng việc phá thai là vi phạm. Theo bác sĩ Trần Thu Hương, Trưởng phòng Y tế quận 11, cơ sở này đã từng vi phạm và bị phạt trên 15 triệu đồng.

Được “bảo kê”?

Điều khiến đoàn thanh tra ngạc nhiên là khi đến thì phòng khám đã gần như “vườn không nhà trống”, và được dán giấy tạm ngưng hoạt động. Vấn đề đặt ra là ai báo trước để thu dọn nhanh như vậy? Nói theo bác sĩ Trần Thu Hương, đây là phòng khám quảng cáo ì xèo trên truyền hình. Trước tình hình đó, thanh tra yêu cầu đến ngày 26-6 chủ cơ sở bổ sung chứng từ liên quan thuốc, máy móc trị liệu... để có cơ sở xử lý.

Bằng những chiêu trò quảng cáo chữa được những căn bệnh nan y, các phòng khám Trung Quốc hoạt động ở địa bàn TPHCM mặc sức luồn lách để móc túi người bệnh cả tin. Nhiều phòng khám sai phạm liên tục nhưng vẫn hoạt động trước sự bất lực của ngành y tế. Không có chức năng cắt trĩ nhưng ở phòng khám Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TPHCM các bác sĩ người Trung Quốc ở đây sẵn sàng “làm trọn gói” với giá 15 - 20 triệu đồng/ca. Bệnh nhân T.V.A, ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi xem được một quảng cáo trên ti vi về phương pháp cắt trĩ hiện đại, không đau và lành bệnh 100% nên hai tháng trước đã đến phòng khám này để thực hiện phẫu thuật với giá 15 triệu đồng. Tuy nhiên, sau cắt trĩ bệnh nhân vẫn không lành được và bị tái phát. Còn tại phòng khám Trung Nam ở quận 11, người ta thuê hẳn một đội quân đến các ngã đường ở TPHCM và các tỉnh lân cận để phát những ấn phẩm như tạp chí do những bác sĩ ở đây viết ra để quảng cáo chữa xuất tinh sớm, thắt âm đạo và phá thai bằng kỹ thuật nano hay vá màng trinh. Thổi phòng cách chữa bệnh cho dù không được cấp phép là cách làm của các phòng khám trung Quốc hiện nay. Nhiều nạn nhân cả tin đã mắc phải.

Ngày 20-6, bác sĩ Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tư nhân Sở Y tế cho biết hiện toàn TPHCM có 3 phòng khám Trung Quốc có 100% vốn do người nước này làm chủ, còn lại 5 phòng khám khác có bác sĩ người Trung Quốc hành nghề. “Sau khi các phòng khám được thẩm định nghiêm ngặt chúng tôi mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” - bác sĩ Hải cho biết. Ông Hải khẳng định, sau cấp phép, năm nào cũng tiến hành hậu kiểm. Tuy nhiên, khó phát hiện được những sai phạm từ các phòng khám này do họ hoạt động biến tướng tinh vi. Trước câu hỏi của phóng viên về việc nhiều phòng khám vi phạm nhiều lần nhưng không xử lý triệt để, bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế cho rằng, do xử phạt không đủ sức răn đe nên các phòng khám “lờn thuốc”. Bác sĩ Bình cho biết: “Mức xử phạt cao nhất chỉ từ 15-20 triệu đồng nên các phòng khám đóng phạt rồi lại tái phạm”. Vi phạm chủ yếu theo Thanh tra Sở Y tế là không kê đơn thuốc bằng tiếng Việt, quảng cáo sai chức năng, nhân sự không có chuyên môn và trang thiết bị không đúng với đăng ký. Điều đáng nói là nhiều phòng khám Trung Quốc bị phát hiện sai phạm rồi lại tiếp tục hoạt động, bị thanh tra nhưng được “báo trước”. Dư luận đang đặt câu hỏi nghi vấn liệu có sự “bảo kê” nào của cán bộ, cơ quan quản lý để phòng khám Trung Quốc hoành hành kéo dài, xem thường tính mạng người bệnh như vậy?

Tường Lâm - Tiến Đạt


Thành viên thanh tra sở “chống lưng”?

Trước thông tin cho rằng, một thành viên Thanh tra Sở Y tế TPHCM là bác sĩ Phạm Hữu Quốc có liên quan đến Phòng khám Đa khoa Đầm Sen, thậm chí “chống lưng” cho hoạt động của phòng khám này. Phóng viên Báo SGGP đã có buổi trao đổi với bác sĩ này.

- Phóng viên: Có bạn đọc phản ánh, vào thời điểm tháng 5-2012 thấy ông xuất hiện tại Phòng khám Đa khoa Đầm Sen và sau đó 3 phòng khám trên lầu 1 của phòng khám này xuất hiện bảng thông báo ngừng hoạt động. Họ cho rằng anh đã báo cho phòng khám biết sắp có đợt thanh tra nên phòng khám này tạm ngưng hoạt động.

Bác sĩ PHẠM HỮU QUỐC, Thanh tra Sở Y tế TPHCM: Thời gian đầu khi Phòng khám đa khoa Đầm Sen mới thành lập tôi có hỗ trợ pháp lý, hồ sơ cho phòng khám này. Nhưng sau đó, chính xác gần 2 năm qua tôi không còn liên quan đến phòng khám này nữa. Riêng thời điểm vừa rồi tôi đi việc riêng ở gần phòng khám trên và đứng bên kia đường gọi nhờ một người quen làm ở phòng khám chở về. Tôi không vào phòng khám này nên không có chuyện tôi chỉ đạo hay nói gì hết. Thông tin kia không chính xác.

- Một bác sĩ của phòng khám này khi phát hiện việc phòng khám có những hoạt động sai trái như thay đổi chủ, có người nước ngoài đến hoạt động trái phép… đã thông báo cho anh biết đúng không?

Tôi có nghe một bác sĩ phòng khám này thông báo về một số sai phạm của phòng khám trong một lần ở quán nước. Nghe phản ánh như vậy, tôi đã thẳng thắn nói bác sĩ này yêu cầu chủ cơ sở phòng khám chấn chỉnh ngay. Nói rõ thêm, khi đó bác sĩ này gặp tôi là để nói về việc xin rút lui phụ trách phòng khám phụ khoa vì khi thành lập phòng khám này, tháng 8-2010, tôi có hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục cho bác sĩ này.

- Vì sao với cương vị là thanh tra sở, khi có thông tin như vậy sao anh không báo cấp trên xử lý?

Việc sai phạm của các phòng khám Trung Quốc đã phản ánh rất nhiều. Không chỉ ở phòng khám này mà còn rất nhiều phòng khám khác báo chí đã đưa tin, như: Phòng khám Y học cổ truyền ở Phan Đăng Lưu vừa qua. Việc phản ánh phòng khám Trung Nam, Tâm Đức, Kỳ Tinh… có bác sĩ nước ngoài hành nghề không có giấy phép nhưng chưa thể giải quyết ngay được khi chỉ qua thông tin miệng mà phải có đơn phản ánh cụ thể hay ban lãnh đạo chỉ đạo hoặc có phản ánh cụ thể qua đường dây nóng của thanh tra. Chúng tôi sẽ có kế hoạch và xin ý kiến cấp trên để thanh tra, chứ cá nhân tôi không có quyền muốn thanh tra ngay là được.

- Có dư luận cho rằng ông “chống lưng” cho phòng khám này?

Tôi khẳng định không có chuyện đó. Bởi chính tôi là người đã từng xử lý tất cả những vi phạm của phòng khám 2 lần, không bỏ xót hành vi nào. Tất cả chỉ vu khống nhằm làm giảm uy tín của tôi.

Tiến Đạt thực hiện

Tin cùng chuyên mục