Vụ phòng khám Trung Quốc tung hoành: Bệnh nhân tiền mất tật mang

Bác sĩ tháo chạy, bệnh nhân bị bỏ rơi
Vụ phòng khám Trung Quốc tung hoành: Bệnh nhân tiền mất tật mang

Sau khi bị phát giác, 2 bác sĩ người lãnh thổ Đài Loan hoạt động khám và chữa bệnh chui tại phòng khám Đa Khoa Đầm Sen đã bỏ về nước, khiến một số bệnh nhân đang điều trị theo chỉ định của 2 bác sĩ này tiền mất tật mang…

Bác sĩ tháo chạy, bệnh nhân bị bỏ rơi

Một bệnh nhân đã bỏ hơn 10 triệu đồng đến khám và điều trị tại phòng khám Đầm Sen không khỏi hoang mang khi biết bác sĩ người Đài Loan bỏ trốn.

Một bệnh nhân đã bỏ hơn 10 triệu đồng đến khám và điều trị tại phòng khám Đầm Sen không khỏi hoang mang khi biết bác sĩ người Đài Loan bỏ trốn.

Ngày 22-6, khi trở lại Phòng khám Đa khoa Đầm Sen (46 Hòa Bình, phường 5, quận 11, TPHCM) chúng tôi nhận thấy tuy phòng khám vẫn còn hoạt động nhưng bóng dáng 2 bác sĩ người nước ngoài đã biệt tăm. Nhân viên phòng khám cho biết 2 “bác sĩ” người lãnh thổ Đài Loan này đã mua vé máy bay về nước từ ngày 21-6.

Thông tin này đã khiến nhiều nhân viên hoang mang vì đã gần hết tháng, không biết có được lãnh lương hay không? Bởi hoạt động phòng khám và lương bổng của nhân viên phòng khám này đều do những “bác sĩ” người Đài Loan điều hành, thực hiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày trước khi bị thanh tra Sở y tế TPHCM kiểm tra, phòng khám trên lầu có 2 người Đài Loan thường xuyên khám chữa bệnh cho người bệnh.

Một bác sĩ có tên tiếng việt là Ngô Lương Ngọc (chừng 50 tuổi) nặng khoảng 60kg tóc dài. Và một người phụ nữ hơn 30 tuổi tóc ngắn nhuộm vàng. Do không biết tiếng Việt cũng như bác sĩ người Việt không biết tiếng Hoa nên phòng khám này có thêm một số nhân viên làm phiên dịch. Khi bệnh nhân có chỉ định của 2 bác sĩ ngoại này thì các phiên dịch này sẽ dẫn bệnh nhân xuống dưới lầu gặp bác sĩ Việt Nam siêu âm, xét nghiệm. Khi bác sĩ người Việt siêu âm, chẩn đoán hay chỉ định gì thì sau đó những phiên dịch này lại ghi nhận và sau đó dẫn người bệnh lên lầu dịch lại cho các bác sĩ người nước ngoài hiểu.

Khi trở lại phòng khám này chúng tôi đã gặp một số bệnh nhân tới Phòng khám Đa khoa Đầm Sen đòi lại hồ sơ bệnh án và chi phí điều trị. Nhưng rồi bệnh nhân phải ra về với hai bàn tay trắng vì những nhân viên còn lại ở phòng khám không thể giải quyết được.

Chị C.T.H.G. (41 tuổi ngụ tại Tân Phú) người đã đóng chi phí điều trị 5 ngày (từ ngày 16 đến ngày 20) hết hơn 10 triệu đồng nói: “Tôi đến phòng khám thì điều dưỡng bảo tôi vào truyền dịch nhưng vì tôi biết bác sĩ điều trị cho tôi đã bỏ trốn và báo chí nói về những chai dịch này không rõ nguồn gốc nên tôi từ chối, đòi lại tiền nhưng phòng khám cũng không giải quyết”. Tương tự, lúc 10 giờ ngày 22-6, bệnh nhân T.T.T. (ở Đắc Lắc) cũng đã tới phòng khám để đòi lại hồ sơ bệnh án nhưng không được nhân viên phòng khám trả lại.

Chị T. cho biết, qua quảng cáo trên ti vi, ngày 11-5, tôi đến phòng khám này khám bệnh phụ khoa. Sau khi khám xong, BS Ngô Lương Ngọc (người Đài Loan) cho biết tôi bị viêm lộ tuyến, huyết trắng phải chữa sớm nếu không sẽ chuyển qua ung thư, lậu, HIV. Muốn hết bệnh phải điều trị trong vòng 3 tháng. Sau đó mỗi ngày họ chỉ định cho tôi truyền 3 chai dịch chữ Trung Quốc và uống 1 số thuốc không rõ nhãn mác, không bao bì…. và cứ 2 ngày chích một mũi thuốc giá 600 ngàn đồng. Tính đến nay, tôi đã chi ra gần 50 triệu đồng để trị bệnh, giờ bác sĩ bỏ trốn mất rồi, tôi đòi lại bệnh án nhưng phòng khám cũng không trả. Thậm chí giờ không còn bác sĩ mà điều dưỡng ở đây vẫn bảo tôi đóng 600 ngàn đồng để vào chích thuốc.

Tại sao, khi các bác sĩ lãnh thổ Đài Loan đã bỏ trốn thì phòng khám này vẫn tiếp nhận những bệnh nhân của 2 bác sĩ này để truyền dịch, chích thuốc như thường. Tôi thấy có một số bệnh nhân không biết rõ sự tình đến tái khám thì vẫn được nhân viên phòng khám bảo lên truyền dịch, chích thuốc như chỉ định của 2 bác sĩ Đài Loan và nếu ai thắc mắc về việc mất tích của 2 bác sĩ nước ngoài thì sẽ được trấn an là “do người nhà bác sĩ đánh nhau nên bác sĩ tạm nghỉ mấy ngày. Có gì vài hôm nữa bệnh nhân trở lại tái khám”.

Thuốc, dịch truyền không rõ nguồn gốc thu được tại phòng khám Đầm Sen.

Thuốc, dịch truyền không rõ nguồn gốc thu được tại phòng khám Đầm Sen.

Cung cấp chứng cứ sai phạm cho thanh tra sở

Sáng 22-6, phóng viên Báo SGGP cung cấp một số loại thuốc, dịch truyền không rõ nguồn gốc mang nhãn hiệu Trung Quốc, không có phụ đề và một số clip ghi nhận những sai phạm tại Phòng khám Đa khoa Đầm Sen vào thời điểm ngày 18-6 cho Thanh tra Sở Y tế TPHCM có thêm bằng chứng để xử lý. Những clip này đều ghi nhận nhiều dấu hiệu sai phạm của phòng khám này vào thời điểm ngày 18-6. Lúc đó, tại phòng khám phụ khoa (phòng sản) và phòng kế hoạch hóa gia đình các máy móc dụng cụ đều chưa dán bảng thông báo tạm ngừng hoạt động và có nhiều giấy tờ, hóa đơn sổ sách ghi tên bệnh nhân bằng tiếng Việt lẫn tiếng Hoa, bông băng còn dính thuốc máu của bệnh nhân tới khám và điều trị trong ngày 18-6 và các ngày trước đó.

Bên cạnh đó, tại phòng lưu bệnh, phòng họp, phòng trị liệu đều có chứa hàng chục thậm chí hàng trăm túi thuốc, dịch truyền mang nhãn hiệu bằng tiếng Trung Quốc (không có phụ đề tiếng Việt) đã sử dụng và chưa sử dụng không có số đăng ký nằm lăn lóc khắp nơi. Được biết, những thuốc và dịch truyền này sẽ do 2 “bác sĩ” Đài Loan chỉ định cho bệnh nhân sử dụng. Đây chính là một hình thức móc túi các bệnh nhân của phòng khám này. Bởi với việc truyền dịch (nước biển, thuốc bổ…) người bệnh đã phải đóng từ 800.000 đồng trở lên (chưa tính chi phí khám và các thuốc khác).

Đáng nói hơn là hầu hết bệnh nhân vào đây đều được chỉ định truyền dịch và truyền liên tục trong nhiều ngày (thường là 5-7 ngày) và phải trả chi phí hàng chục triệu đồng. Thực tế các phòng trên lầu như Khoa sản, phòng lưu bệnh, phòng trị liệu (trừ phòng họp) ngày nào cũng hoạt động bình thường vẫn có bệnh nhân tới trị liệu, làm thủ thuật, nằm lưu, truyền dịch…

Phóng viên Báo SGGP cũng đã cung cấp hồ sơ về việc Phòng khám Đa khoa Đầm Sen kết hợp với phòng khám Đông Phương (762 Cách Mạng Tháng Tám) thực hiện nạo phá thai gần 18 tuần tuổi cho sản phụ L.M.M.T. (22 tuổi, ngụ tại Tân Bình) cho Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử lý.

* Ngày 22-6, khi Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiến hành kiểm tra hoạt động tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Trung Nam (1503-1509 đường 3-2, phường 16 quận 11, TPHCM) do ông Nguyễn Vĩnh Thanh đứng đầu cơ sở thì phương thức đối phó vẫn không khác gì so với những buổi thanh tra tại các phòng khám trước. Cả khu phòng khám 1 trệt 8 lầu đều trong tình trạng vắng hoe. Chỉ còn một vài nhân viên có mặt tại khu lễ tân và khu hành chính của phòng khám. Máy móc trong các phòng khám của cơ sở này đều được dán thông báo “máy đang chờ thẩm định”.

Tuy nhiên, đoàn thanh tra vẫn phát hiện ra một số sai phạm như: phát hiện có 2 bệnh nhân đang truyền kháng sinh nhưng không có chỉ định của bác sĩ. Máy móc đang “chờ thẩm định” nhưng lại có một số hồ sơ phẫu thuật trĩ cho bệnh nhân. Phòng khám có dấu hiệu lưu bệnh quá 24 giờ… Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu cơ sở phải chấn chỉnh những thiếu sót. Phải che chắn máy móc, bảng quảng cáo. Không được đưa máy móc hoạt động khi chưa thẩm định. Đề nghị cơ sở cung cấp biên nhận đang thẩm định của các thiết bị, máy móc này.


* Ngày 22-6, Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt Phòng khám Y học Cổ truyền Trung Quốc số 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhận TPHCM. Theo đó, ngoài việc bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 6 đến 12 tháng, tịch thu toàn bộ số thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt hành chính phòng khám này 45,5 triệu đồng vì các lỗi: Chỉ định điều trị kê đơn thuốc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà ngôn ngữ đó chưa được đăng ký sử dụng hoặc người phiên dịch chưa được công nhận là đủ trình độ phiên dịch sang tiếng Việt. Quảng cáo không đúng hoặc quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh quá chuyên môn được ghi trong giấy phép. Không thực hiện việc khám chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám chữa bệnh. Buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu, thuốc không được phép lưu hành trên thị trường.

Vinh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục