Bài 1: Chịu trận… xuống cấp

Chưa có lối thoát
Bài 1: Chịu trận… xuống cấp

Quy hoạch bệnh viện ở nội thành TPHCM

Đã 6 năm trôi qua kể từ khi UBND TPHCM có công văn 8933 ngày 21-12-2007 không cho phép xây dựng mới các cơ sở y tế trong khu vực các quận nội thành đã khiến không ít dự án “khóc dở mếu dở” và ngay cả nhiều bệnh viện (BV) công lập phải chịu đựng áp lực quá tải trong điều kiện cơ sở xuống cấp trầm trọng. Trong khi cũng đã 6 năm trôi qua vẫn chưa thấy bóng dáng hình hài của một BV cửa ngõ nào như quy hoạch của thành phố.

Chen chân chờ khám bệnh - thực trạng diễn ra phổ biến tại nhiều bệnh viện ở TPHCM.

Chen chân chờ khám bệnh - thực trạng diễn ra phổ biến tại nhiều bệnh viện ở TPHCM.

Chưa có lối thoát

Đã gần 10 năm nay, BV Tai Mũi Họng TPHCM tọa lạc ngay góc đường Trần Quốc Thảo - Lý Chính Thắng (quận 3, TPHCM) vẫn loay hoay mãi một bài toán khó giải: xây mới mở rộng! Cơ sở chật chội, xuống cấp, mỗi sáng bệnh nhân xếp hàng chen chúc ngay cả trên lối đi, bệnh nhân nằm ghép, nằm hành lang la liệt. Tiếp chúng tôi trong căn phòng khiêm tốn mà chỉ có thể đặt được cái bàn làm việc và 2 cái ghế tiếp khách bé tẹo, BS Lương Thị Cúc, Phó Giám đốc BV, ngậm ngùi: “San sẻ cho bệnh nhân hết, cán bộ bác sĩ được thế là tốt rồi”. Theo BS Cúc, đã nhiều năm nay chưa thể làm gì hơn cho người bệnh trong khi tình trạng quá tải ngày một trầm trọng, cơ sở cũng xuống cấp dần theo thời gian. “Chúng tôi vừa mới làm việc với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 3 để tìm cách tháo gỡ nhằm sớm xây mới mở rộng thêm nhưng chưa rốt ráo được”, BS Cúc tâm sự… Từ năm 2004, BV Tai Mũi Họng đã được UBND TP cho triển khai dự án cải tạo mở rộng BV xây 7 tầng với kinh phí 60 tỷ đồng (TP cấp 50%, vay kích cầu 50%), sau đó tăng lên 10 tầng. Quyết định thu hồi mặt bằng 157 bis, 157 Lê Văn Sỹ (P9, Q3) để mở rộng nhưng việc đền bù giải tỏa cứ ì ạch mãi... Đến cuối năm 2007, khi UBND TP ban hành công văn 8933 thì BV lại phải làm hồ sơ xin các cơ quan chức năng xem xét dự án lại từ đầu. Ngay sau đó, BV nỗ lực liên hệ các cơ quan chức năng để giải phóng mặt bằng thì được trả lời phải chờ đến khi nào UBND TP có văn bản cho phép mới tiếp tục làm phương án đền bù vì vướng công văn 8933. Vậy là phải chờ, chờ và chờ. Đến tận bây giờ, khi thành phố đã “tạo điều kiện” cho ra khỏi diện “quy hoạch” của công văn 8933 thì việc đền bù giải tỏa vẫn gần như còn giậm chân tại chỗ. “Hiện UBND quận cũng tích cực giải tỏa nhưng vẫn chưa xong, chưa hẹn ngày khởi công, trong khi áp lực quá tải, xuống cấp mỗi ngày”, BS Cúc nói.

Tương tự, BV Nguyễn Trãi đã ấp ủ nâng cấp mở rộng khối ngoại từ nhiều năm trước và năm 2004 đã lập đề án xin phép vì tình trạng cơ sở vật chất ở đây đã xuống cấp do xây dựng từ trước năm 1975. Tuy nhiên, sau khi trình đề án lên Sở Y tế thì được bảo đợi lập quy hoạch tổng thể. Đến khi lập quy hoạch tổng thể xong thì công văn 8933 ra đời và kể từ đó ước mong mở rộng khối ngoại của BV cũng bị tắc. Bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc BV, chia sẻ: “BV quyết tâm lắm vì cơ sở xuống cấp, chật chội quá. Năm nay lại xin ngân sách để đầu tư, dự trù tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, nhưng không biết có vướng công văn 8933 nữa không”. BV Nhân dân Gia Định cũng đã lập dự án xây dựng 15 tầng từ năm 2003, được UBND TP chấp thuận và thống nhất giao vốn từ tháng 9-2004. Đáng lý dự án khởi công từ năm 2005 nhưng rồi vướng thủ tục hồ sơ nên kéo dài đến cuối 2007 vẫn chưa thực hiện được và rốt cuộc lại vướng... công văn 8933. BV này là một cơ sở điều trị có quy mô 500 giường nhưng hiện tại phải cố gánh đến gấp 3 lần, trong khi tình trạng cơ sở hạ tầng của BV đã hết đát!

Chen chân nhận thuốc

Chen chân nhận thuốc

Ngày càng quá tải!

Vẫn biết rằng nhiều BV đã vướng mắc trong việc xin nâng cấp xây mới mở rộng BV nhưng TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân TPHCM vẫn kiên quyết: “Đang lên ý tưởng lập đề án xin xây mới mở rộng BV đây”. Quả là khó mà chịu được khi nhìn một cơ ngơi BV đã “lụ khụ” già nua với sự xuống cấp của các phòng ốc, hạ tầng BV. Những mảng bê tông đã mục, những hệ thống điện, nước đã cũ kỹ và quan trọng hơn là chỗ chờ khám, chỗ nằm điều trị của người bệnh vẫn chật chội. Ngay cả chỗ gửi xe bệnh nhân cũng không có và buộc người bệnh phải gửi xe ở nhà dân, bị chặt chém. Trong khi tình trạng quá tải cứ tăng mãi mà chưa thể có giải pháp căn cơ. “Là BV chuyên khoa sâu, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao nhưng muốn triển khai thêm các kỹ thuật mới thì không có phòng ốc, bức thiết là chuyện ghép tạng thì cũng không có cơ sở mà làm. Nếu không làm thì mỗi ngày bệnh nhân mỗi khổ và lãnh đạo BV cũng cảm thấy có lỗi”, BS Hưng tâm sự…

Cũng đã có thâm niên từ trước giải phóng và xấp xỉ bước vào “tuổi 60”, BV Bình Dân là một trong những BV được xây dựng đầu tiên của TPHCM và đến nay với 2.500-3.000 lượt bệnh nhân khám, điều trị mỗi ngày đã khiến cái áo chật chội của BV không thể nào giãn thêm nữa.

Thực tế cho thấy công văn 8933 đã khiến nhiều dự án BV công lẫn tư phải dừng chân nâng cấp, mở rộng, xây dựng thêm. Trong đó đáng nói là các BV công vốn dĩ đã quá tải và xuống cấp nghiêm trọng. 6 năm trôi qua, dù rằng UBND TPHCM đã có nhiều cuộc họp để tháo gỡ và xem xét từng trường hợp cụ thể, nhưng xem ra vẫn bị những rào cản lớn!

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục