Gồng mình... bệnh nhi!

Nhiều khoa nhi của các bệnh viện (BV) đa khoa ở Hà Nội và đặc biệt là BV Nhi Trung ương đang trong tình trạng quá tải trầm trọng kéo dài. Một giường bệnh phải nằm ghép tới 4-5 bệnh nhi, cùng với đó là trang thiết bị không đủ phục vụ công tác điều trị. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn chưa thể có được một giải pháp khả thi.
Gồng mình... bệnh nhi!

Nhiều khoa nhi của các bệnh viện (BV) đa khoa ở Hà Nội và đặc biệt là BV Nhi Trung ương đang trong tình trạng quá tải trầm trọng kéo dài. Một giường bệnh phải nằm ghép tới 4-5 bệnh nhi, cùng với đó là trang thiết bị không đủ phục vụ công tác điều trị. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn chưa thể có được một giải pháp khả thi.

        Quá tải triền miên

Khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương, khu điều trị chật cứng bệnh nhi, các giường bệnh phải nằm ghép 3-4 cháu/giường, thậm chí có giường lên tới 5-6 cháu khiến không gian của khoa rất ngột ngạt. PGS-TS Đào Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm tới nay, bệnh nhi vào khoa quá đông, đặc biệt trong khoảng 2 tháng trở lại đây tăng liên tục khiến y, bác sĩ trong khoa phải căng mình ra phục vụ. Cả khoa có 14 bác sĩ, 36 điều dưỡng mà phải điều trị cho trên 200 bệnh nhân, trong khi số giường bệnh chỉ có trên 50 giường. Đáng lo hơn, trong số bệnh nhi đang điều trị tại khoa có tới hơn 50% trong tình trạng bệnh nặng nên phải thở máy và thở oxy. “4 bệnh nhi không chỉ chung nhau một cái giường mà đến một ổ cắm thở oxy cũng phải chia cho 4. Mỗi kíp trực, 15 điều dưỡng phải chăm sóc cho trên 200 cháu…” - ông Đào Minh Tuấn lo lắng.

Bệnh viện luôn đông nghịt bệnh nhi chờ khám bệnh.

Bệnh viện luôn đông nghịt bệnh nhi chờ khám bệnh.

PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương nhấn mạnh, không chỉ có khoa hô hấp mà cả BV đang bị quá tải triền miên. Trước đây, số bệnh nhân nội trú của BV luôn ở mức 1.300-1.400 cháu đã quá tải thì trong vòng 2 tháng qua, lúc nào cũng ở mức xấp xỉ 1.700 bệnh nhi nội trú. Cho dù BV đã cố gắng kê thêm giường nhưng không thoát được cảnh nằm ghép.

Không chỉ BV Nhi Trung ương mà tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng trong tình trạng một giường “gánh” 3-4 cháu. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, liên tục trong thời gian gần đây, bệnh nhi đến khám và nhập viện tăng gấp đôi so với trước. Cả khoa có khoảng 60 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nội trú luôn ở mức 140 -150 cháu, khiến nhiều lúc bệnh nhân đông đến mức phải nằm tràn cả ra hành lang. Cùng nỗi lo về tình trạng quá tải bệnh nhi, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, không giấu nỗi lo lắng khi cho biết các BV của Hà Nội có khoa nhi cũng đang phải gồng mình. Khoa Nhi của BV Xanh Pôn có 120 giường bệnh thì bệnh nhân nội trú luôn trên 400 cháu; BV Thanh Nhàn số bệnh nhi nằm viện luôn gấp
3-4 lần số giường bệnh hiện có.

        Bệnh nhẹ không được chuyển tuyến

Y, bác sĩ tại BV Nhi Trung ương, cùng với nhiều BV khác trên địa bàn Hà Nội không chỉ “oằn vai” trước tình trạng bệnh nhi quá tải mà còn phải đối mặt với việc thiếu trang thiết bị điều trị cho trẻ. PGS-TS Lê Thanh Hải bày tỏ, lượng bệnh nhi tăng cao trong khi nhân lực, máy móc, trang thiết bị vẫn chỉ có vậy khiến công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu máy thở, phương tiện hỗ trợ điều trị. Hiện nay, tại BV Nhi Trung ương, số bệnh nhân nặng cần thở máy lên tới hơn 120 ca; cần thở oxy là khoảng 250 ca. Bà Lưu Thị Liên cho biết, các BV của Hà Nội số máy thở chỉ đếm trên đầu ngón tay nên khó đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. BV Xanh Pôn chỉ có 4 máy, BV Thanh Nhàn 2 máy và BV Hà Đông 4 máy.

Trước thực trạng bệnh nhi gia tăng đột biến tại các BV trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt số bệnh nhi ở tuyến dưới ùn ùn đổ lên tuyến trên, PGS-TS Lê Thanh Hải đề nghị, Bộ Y tế cần sớm có văn bản yêu cầu các BV chấn chỉnh công tác chuyển bệnh nhân, quy định chặt chẽ về vượt tuyến khám chữa bệnh. Bởi lẽ, BV Nhi Trung ương đang có rất nhiều bệnh nhân từ các địa phương tự ý vượt tuyến trong khi tình trạng bệnh không nặng, chỉ là viêm đường hô hấp, viêm phổi thông thường mà tuyến y tế cơ sở hoàn toàn có đủ khả năng điều trị. Về phía đại diện Sở Y tế Hà Nội bày tỏ quan điểm, BV tuyến trên hoàn toàn có quyền chuyển trả về tuyến dưới đối với những bệnh nhân nhẹ nhưng lại vượt tuyến. Tuy nhiên, khi chuyển bệnh nhân lại tuyến dưới cần có thông báo trước để chuẩn bị, tránh tình trạng chuyển bệnh nhân về tuyến dưới lại không tiếp nhận, gây khó khăn cho người bệnh.

Trước đề xuất về việc siết chặt chuyển tuyến, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng một thông tư về chuyển tuyến, nêu rõ bệnh nhân hoàn toàn được lựa chọn cơ sở điều trị, được yêu cầu chuyển tuyến nhưng khi chuyển lên tuyến trên nếu được xác định là bệnh nhẹ và được yêu cầu chuyển về tuyến dưới vẫn phải thực hiện.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, theo luật, người bệnh có toàn quyền quyết định cơ sở y tế điều trị, hơn nữa bệnh nhân tự vượt tuyến rất khó can thiệp. Tuy nhiên, với nhóm bệnh nhân được chuyển từ cơ sở tuyến dưới lên trên cần có quy định chuyển làm sao cho hợp lý và chặt chẽ sẽ giảm được số lượng bệnh nhân. Vì thế, cần quy định những bệnh đưa lên tuyến trung ương chỉ nên là những bệnh khó, cần can thiệp nhưng tuyến dưới không can thiệp được. Đồng thời, phải quy định những bệnh thông thường cần điều trị tuyến dưới vì lên BV trung ương cũng không hơn.

TS Nguyễn Trọng Khoa cũng cho biết, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhi ở BV tuyến trung ương, tuần tới, Bộ Y tế sẽ sớm họp với các sở y tế, BV nhi các tỉnh có đông bệnh nhi chuyển lên tuyến trên để hạn chế tình trạng quá tải ở tuyến trung ương.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục