Xây xẩm dịch sởi!

Người lớn cũng “dính” sởi
Xây xẩm dịch sởi!

Nằm chỏng chơ ngoài hành lang trong cái nắng nóng hầm hập 36°C - 37°C ở TPHCM, những nốt sởi trên da thịt bệnh nhân trẻ em lẫn người lớn như mẫn hơn, tấy hơn. Tiếng khóc thét sau mũi tiêm, tiếng rên hừ hừ trong cơn sốt. Cảnh tượng chen chúc tại bệnh viện (BV) vì quá tải bệnh nhân sởi cũng làm cả bác sĩ lẫn người nhà bệnh nhân xây xẩm.

Quá tải bệnh nhân sởi tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM sáng 22-4.

Quá tải bệnh nhân sởi tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM sáng 22-4.

Người lớn cũng “dính” sởi

Những ngày qua, tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, mà cụ thể là “lò sởi” ở BV Nhi Trung ương khiến không ít phụ huynh phát hoảng, cuống cuồng cho con đi tiêm vaccine phòng ngừa.

Nằm tách biệt ngay lầu 3, khoa Nội A được BV Bệnh nhiệt đới TPHCM bố trí phân luồng trong mấy tuần qua chỉ tiếp nhận bệnh nhân sởi. Ngay cửa hành lang khoa là 3 bệnh nhân nữ người lớn nằm còng queo trên 3 ghế bố, cô nào mặt cũng nổi đầy hồng ban lấm tấm. Một phụ nữ trung niên vừa dứ dứ hộp sữa giấy vào miệng một cô gái trẻ vừa dỗ dành: “Ráng uống đi, để chóng khỏe về còn cho con bú”.

Tiếp cận người phụ nữ, chúng tôi được biết cô gái bị bệnh sởi ấy là con gái bà, tên Nguyễn Thị Cẩm Th. (18 tuổi, ngụ Cai Lậy, Tiền Giang) vừa nhập viện sáng 22-4 trong tình trạng sốt kéo dài, ho long đàm, khó thở. “Em mới sinh em bé được 20 tháng, không biết cháu có bị lây bệnh không bác sĩ?”, Th. hỏi khi tưởng chúng tôi là bác sĩ đi kiểm tra bệnh nhân…

Trên ghế bố khác, cô Nguyễn Ngọc H. (25 tuổi, ngụ Dầu Tiếng - Bình Dương) cũng nhập viện do sởi cách nay 3 ngày. H. là giáo viên mầm non. Những câu trả lời luôn ngắt quãng bởi những cơn ho “khục khục”, H. không muốn nói nhiều khi tiếp chuyện do mệt.

Theo BS Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, nơi đây tiếp nhận không chỉ trẻ mắc sởi mà người lớn cũng nhiều. Theo thống kê đến sáng 22-4, BV có 91 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh sởi điều trị nội trú thì có 40 trường hợp là người lớn. “Tuy biến chứng sởi ở người lớn không nguy hiểm bằng trẻ em nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhất là đối với các trường hợp có các bệnh lý kèm theo”, BS Dũng nói.

Nguy hiểm trẻ sơ sinh

Không còn giường nằm, Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 bố trí một khu cách biệt trên lầu 1 để cho bệnh nhân sởi lưu trú. Một dãy dài ghế bố được trải dọc lối đi để làm chỗ cho bệnh nhi lẫn phụ huynh nghỉ ngơi.

Ôm đứa trẻ trong lòng, cô Châu Thị Diễm (20 tuổi, ngụ Lái Thiêu-Bình Dương) vừa ru “à ơi ví dầu” vừa đung đưa nhịp chân theo như đếm từng hơi thở đứa trẻ. Đứa trẻ không chịu ngủ mà cứ nấc liên hồi, những đám hồng ban sần sùi nổi đầy trên khuôn mặt, do sởi. Cháu tên Hoài Anh, bé trai, vừa tròn 5 tháng tuổi.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Diễm - mẹ cháu sụt sùi: “Cháu nhập viện 2 ngày nay rồi mà chưa thấy thuyên giảm gì cả, vẫn cứ bỏ bú, bỏ ăn, quấy khóc và các nốt sởi mọc vẫn cứ mỗi lúc một dày thêm”. Nhìn ánh mắt thâm quầng của người mẹ trẻ, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng.  Nghe cô y tá dặn không cho bé ra phía có gió lùa kẻo sởi lặn vào trong, chị Diễm vội bế con ngồi thụp xuống chiếc ghế bố mà nước mắt lưng tròng…

Kế bên mẹ con Diễm là cha con cháu Đào Thanh Phúc (6 tháng tuổi, ngụ Bình Phước). Hai cha con cũng đã nhập viện ngày thứ 3 nhưng bệnh tình cháu nhỏ vẫn chưa thuyên giảm. Người cha cho biết mới tuần trước vừa đưa cháu đến BV Nhi đồng 1 điều trị tiêu chảy 2 ngày sau thì tiếp tục phải xuống nhập BV Nhi đồng 2 vì cháu bị phát ban do sởi. “Cháu bé quá anh ạ. Giờ bú sữa còn không được thì sức mô mà chọi với bệnh tật”, cái giọng miền Trung của người cha nghèn nghẹn…

Biết rằng bệnh nhân sởi đang tăng, tỷ lệ biến chứng khoảng 10%, nhưng BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 ái ngại vì phụ huynh quá lo lắng mà cho con nhập viện quá nhiều. “Nếu như hôm nay (tức 22-4) có 80 ca điều trị nội trú thì đáng nhập viện chỉ 40 ca, còn 40 ca cho xuất viện. Chúng tôi đang nghiên cứu sẽ sàng lọc bệnh nhân ngay từ phòng khám”, BS Việt nói.

Theo BS Việt, biến chứng bệnh sởi ở trẻ khá nguy hiểm, nhất là viêm phổi, co giật thần kinh nhưng không phải bệnh nhi nào cũng nên nhập viện. “Nếu trẻ bị sởi nhưng có biểu hiện khó thở, ói mửa, tiêu chảy liên tục thì hãy nhập viện”, BS Việt khuyến cáo.

Ghi nhận ngày 22-4 tại các cơ sở y tế khác như BV Nhi đồng 1 TPHCM, khoa Nhi BV quận 2 và một số cơ sở khác cho thấy số trẻ mắc sởi không quá đột biến. Tại nhiều BV, trạm y tế, thiếu trầm trọng vaccine nên nhiều phụ huynh tất tả đưa trẻ về BV Nhi đồng 1, 2 và đặc biệt là Viện Pasteur để tiêm chủng vaccine. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, thống kê mới nhất từ đầu năm đến nay cho thấy tại TPHCM có 1.470 ca mắc sởi, không có ca tử vong.

TƯỜNG LÂM

* Hôm qua, 22-4, Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT, các cơ sở đào tạo, trường học phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động nhằm đảm bảo sức khỏe, cách ly và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch sởi, quản lý tốt sức khỏe của trẻ em, HS-SV, nhà giáo, cán bộ nhân viên trong nhà trường. Thông báo ngay cho các đơn vị y tế sở tại khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời.

LÂM NGUYÊN

* Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 22-4, kết quả chiến dịch tiêm vét vaccine sởi chung trên toàn quốc đã tăng thêm 2% lên thành 65,25%. Đáng chú ý, có 25 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi đạt tỷ lệ cao trên 70%. Trong ngày 22-4, cả nước ghi nhận thêm 46 trường hợp mắc sởi xác định trong số 219 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Có 42/63 tỉnh ghi nhận dưới 10 trường hợp sốt phát ban nghi sởi nhập viện trong ngày, trong đó có nhiều tỉnh không ghi nhận hoặc chỉ ghi nhận 1-2 bệnh nhân nghi sởi mới nhập viện.

NGUYỄN QUỐC


Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa tốt nhất

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã yêu cầu các trạm y tế phường cũng như kiến nghị chính quyền các quận huyện tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Trong đó chú trọng các công tác vệ sinh, tiêm chủng cũng như chăm sóc bệnh sởi tại nhà. Phóng viên SGGP đã trao đổi với BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM.

- Phóng viên: Thưa BS, mấy hôm nay phụ huynh đua nhau đưa con đi chích ngừa vaccine sởi. Liệu có lo lắng đến mức vậy không?

>> BS NGUYỄN TRÍ DŨNG: Tiêm vaccine phòng sởi là biện pháp phòng ngừa sởi hữu hiệu nhất hiện nay. Ngay cả Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng hết sạch vaccine này và phải mua gấp để phục vụ người dân. Đến hôm nay thì đã có vaccine trở lại rồi. Đương nhiên, một số cơ sở y tế có tiêm chủng khác cũng đang còn vaccine tiêm dịch vụ. Riêng vaccine sởi tiêm chủng theo chương trình mở rộng quốc gia thì chúng tôi đã phân phối về các quận huyện và đang triển khai tiêm vét. Nếu hết thì chúng tôi đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung để tiêm bao phủ hết cho trẻ trong độ tuổi 9 tháng đến 3 tuổi mà chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ. Thậm chí nếu cần thiết, chúng tôi kiến nghị UBND TP có đề xuất cho Bộ Y tế để tiêm vét miễn phí vaccine sởi cho trẻ từ 3 - 6 tuổi.

- Ngoài đối tượng trẻ em, người lớn có cần tiêm vaccine ngừa sởi không, thưa bác sĩ?

Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng sởi nên đối tượng nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi hoàn toàn có thể tiêm để phòng ngừa, kể cả người lớn. Qua đây cũng muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh nên lưu ý giữ sổ khám bệnh và chích ngừa của trẻ. Mỗi trẻ đều có sổ chích ngừa và cần tuân thủ quy định y tế về chích ngừa đúng lịch, đúng quy định.

- Những người đã chích ngừa hoặc từng mắc sởi rồi liệu có bị mắc sởi không, thưa bác sĩ?

Thông thường, người nào đã chích ngừa vaccine sởi đầy đủ thì khả năng miễn dịch là tuyệt đối. Nhưng nếu chích ngừa vaccine không đầy đủ hoặc chích đầy đủ nhưng liều lượng không đúng thì kháng thể chưa hẳn phòng ngừa được bệnh. Riêng người đã từng mắc sởi thì gần như 100% miễn dịch và không mắc bệnh nữa.

TẤN HIỀN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục