Đáp ứng nhu cầu thuốc cho các bệnh viện

Trước những lo ngại về khả năng cung ứng thuốc của các đơn vị đã trúng thầu trong kỳ đấu thầu thuốc năm 2013-2014 phục vụ hệ thống bệnh viện công lập, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết sẽ đảm bảo cung ứng thuốc. ° PV:

Trước những lo ngại về khả năng cung ứng thuốc của các đơn vị đã trúng thầu trong kỳ đấu thầu thuốc năm 2013-2014 phục vụ hệ thống bệnh viện công lập, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết sẽ đảm bảo cung ứng thuốc.
 
° PV:
Thưa PGS, công tác đấu thầu thuốc của ngành y tế TPHCM đã hoàn tất đúng như yêu cầu, kế hoạch?

° PGS PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Đấu thầu tập trung đợt 1 của Sở Y tế có tổng giá trị thuốc trúng thầu là 3.800 tỷ đồng cho 1.206 mặt hàng. Chúng tôi đang chuẩn bị tiến hành gói thầu mua thuốc đợt 2. Theo đúng tiến độ và kết quả đợt 1, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều đã ký hợp đồng với các công ty. Chúng tôi đang khẩn trương làm việc với công ty và nắm tình hình từ bệnh viện. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP bằng bất cứ giá nào cũng không để bệnh viện thiếu thuốc, Sở Y tế sẽ áp dụng cơ chế thay thế các mặt hàng không cung ứng được bằng thuốc của các nhà thầu còn lại theo Luật Đấu thầu. Chúng tôi ý thức rất rõ khi đấu thầu tập trung với số lượng lớn, nguy cơ cũng lớn hơn nhiều khi các công ty xảy ra sự cố nên đã xây dựng các phương án dự phòng.

° PGS đánh giá kỳ đấu thầu thuốc vừa qua thế nào?

° Còn quá sớm để kết luận về công tác đấu thầu tập trung lần đầu tại Sở Y tế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã từng bước họp rút kinh nghiệm để công tác đấu thầu được hoàn thiện hơn. Đấu thầu tập trung bên cạnh tác dụng tiết kiệm chi phí, tăng cường tính công khai minh bạch, tăng cường kiểm tra giám sát thì cũng luôn tồn tại những nguy cơ về sai sót sẽ gây hậu quả lớn hơn, nhất là đối với số bệnh viện nhiều và lớn như ở TPHCM.

Thí dụ như sự cố xảy ra cho một sản phẩm, một công ty sẽ không chỉ ảnh hưởng ở một cơ sở bệnh viện mà là toàn hệ thống. Việc thống nhất sử dụng số ít mặt hàng trúng thầu cũng đặt ra những vấn đề về hiệu quả điều trị. Vừa qua, lần đầu Sở Y tế tiến hành đấu thầu tập trung, cũng đồng thời là lần đầu tiên áp dụng Thông tư 01, rồi Thông tư 36 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính, gặp nhiều lúng túng trong phân biệt đánh giá chất lượng thuốc, nên lại càng khó hơn.

Để bảo đảm hiệu quả điều trị, dưới sự chỉ đạo của UBND TP, trong công tác đấu thầu tập trung, Sở Y tế hết sức quan tâm đến vấn đề chất lượng thuốc. Mặc dù tất cả các thuốc trúng thầu với số đăng ký hợp lệ do Bộ Y tế cấp đã vượt qua vòng kỹ thuật để sau đó lựa chọn giá rẻ nhất, nhưng chúng tôi vẫn lưu ý yêu cầu các bệnh viện báo cáo hiệu quả sử dụng của thuốc, đặc biệt là những thuốc lần đầu trúng thầu, những thuốc vừa có số đăng ký, thuốc có giá quá rẻ... để rút kinh nghiệm cho công tác đấu thầu.

Ban giám đốc sở đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm các thuốc này để giám sát chặt chẽ về mặt chất lượng. Cho tới thời điểm này, nhìn chung các công ty và bệnh viện đều tuân thủ hợp đồng, mọi sự cố phát sinh đều được báo cáo về sở để giải quyết, đây là nỗ lực rất lớn của các bệnh viện và công ty. Riêng cơ chế đấu thầu thuốc dẫn đến chọn thuốc giá rẻ, Sở Y tế sẽ có báo cáo đề xuất với Bộ Y tế để khắc phục những hệ lụy của nó. Vấn đề này theo tôi biết, cũng đang được cả ngành y tế rất quan tâm và tìm cách tháo gỡ.

° Xin cảm ơn PGS.

LÂM TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục