Chung tay chăm lo người cao tuổi - Bài 3: Nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Khó khăn trong sinh hoạt, khởi nghiệp, người cao tuổi (NCT) còn bị bệnh tật bủa vây, tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người già ở nước ta còn nhiều hạn chế: thiếu cơ sở y tế lão khoa và nguồn nhân lực chăm sóc.

Khám bệnh cho người cao tuổi tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: QUANG HUY
Khám bệnh cho người cao tuổi tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: QUANG HUY

“Tôi ước được là công dân thành phố!”

Một trong 5 địa phương có số NCT nhiều nhất TPHCM là phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Tính đến hết tháng 3-2024, địa phương này có 8.608 NCT/123.000 dân thuộc diện quản lý của chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Út, Chủ tịch Hội NCT phường Bình Hưng Hòa A, chia sẻ, trước đây, phường có 27 khu phố, 372 tổ dân phố nên công tác chăm lo NCT gặp khó khăn do thiếu nhân sự. Thực hiện Nghị quyết 11/2024 của HĐND TPHCM về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp, phường Bình Hưng Hoà A từ ngày 1-4 đã triển khai sắp xếp thành 52 khu phố, đặt theo thứ tự từ 1 đến 52. Nhân sự tại 52 khu phố là 468 người, công việc quản lý, chăm lo NCT của địa phương thuận lợi hơn. “Năm 2023, TPHCM thí điểm triển khai kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm cho NCT miễn phí trên địa bàn nhằm “đánh chặn” bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho NCT. Việc này NCT chúng tôi đánh giá rất cao. Hiện hội đang phối hợp với đảng ủy, chính quyền địa phương lập danh sách các cụ đến khám sức khỏe miễn phí tại trạm y tế phường, phấn đấu hoàn thành trong quý 3-2024”, ông Lê Văn Út cho hay.

J5a.jpg
Người cao tuổi bị bại liệt, sức khỏe yếu tại TPHCM không đến được cơ sở y tế sẽ được nhân viên y tế đến tận nhà thăm khám. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Cao Đức Thuận (86 tuổi, khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa A) hồ hởi chia sẻ: “Người già thường gặp nhiều bệnh lý mạn tính, gia đình khá giả còn chật vật tiền thuốc thang, điều trị, nói gì đến người khó khăn. Không chỉ được khám bệnh và nhận thuốc miễn phí từ chương trình, khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi còn được nhân viên, cộng tác viên y tế mang đến tận nhà”.

Việt Nam chính thức vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ NCT chiếm 10% dân số. Dự báo đến năm 2049, Việt Nam trở thành “xã hội siêu già” với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25% dân số. Trong gần 17 triệu NCT hiện nay, số NCT từ 60 đến dưới 70 tuổi trên 9,4 triệu người; từ 70 đến dưới 80 tuổi khoảng 5 triệu người; 80 đến dưới 90 tuổi trên 1,9 triệu người; từ 90 đến dưới 100 tuổi có 623.221 người và từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người. Đồng bằng sông Hồng là khu vực có số NCT nhiều nhất, chiếm 28%; thấp nhất là khu vực Tây Nguyên (4%). Tuổi thọ trung bình cao (73,7 tuổi), nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ 65,3 tuổi và chịu gánh nặng bệnh tật kép (khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây nhiễm).

Phe phẩy quạt dưới cái nóng ngộp thở của tháng 4, ông Hoàng Ủy (68 tuổi, quê Gia Lai) thở nặng nhọc, cho biết đã mất ngủ mấy hôm nay vì nắng nóng. Ông bị ung thư dạ dày nên mỗi đợt nắng nóng kéo dài, không ăn uống được gì, ông lại lên cơn khó thở, càng yếu sức hơn. Thuộc diện hộ nghèo lại mắc bệnh nan y, ông Ủy hết hy vọng thuốc thang vì không có tiền. May mắn thay trong một lần đi nhận cơm từ thiện ở cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM, ông được người dân chỉ đến “nhà trọ Thanh Liên” ở số 460/1 đường Hoàng Hữu Nam (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TPHCM, cách bệnh viện khoảng 200m) - hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho người bệnh ung thư. Từ khi đến đây, gánh nặng kinh tế của ông đã giảm đáng kể, ngoài việc được ở miễn phí, ông và mọi người còn được các mạnh thường quân hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày, người nuôi bệnh cũng được hỗ trợ. “Ở đây có cả gối, mền, mỗi người 1 giường. Có chỗ nấu ăn, nửa đêm đói thì có sữa, mì miễn phí. Tấm lòng của người dân thành phố thật nhân hậu, nghĩa tình. Thành phố còn có chính sách khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm miễn phí cho NCT. Tôi ước mình được là công dân của thành phố để được chăm lo và thụ hưởng những chính sách ưu việt cho NCT”.

Thiếu trầm trọng cơ sở chăm sóc người già

Theo Bộ LĐTB-XH, hiện cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 190 cơ sở công lập và 235 ngoài công lập. Nhưng chỉ có 46 cơ sở chăm sóc NCT, còn lại 222 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, trẻ em; 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội. Chỉ dưới 10% cơ sở có dịch vụ tham vấn, tư vấn, đánh giá sức khỏe tâm thần, trị liệu tâm lý xã hội. Đây là con số khá khiêm tốn so với tổng số người cần trợ giúp, chăm sóc xã hội ở nước ta.

Thiếu nhân lực và cơ sở vật chất

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của NCT. Cả nước mới có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa Lão với 106 khoa Lão; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho NCT và trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT; nhân viên y tế được đào tạo chuyên ngành lão khoa mới có gần 1.800 người… Những con số này không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho 95% NCT có bệnh hiện nay. Qua thực tế, các bệnh viện ghi nhận, trung bình 1 NCT mắc từ 3-7 bệnh mạn tính nên chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc gấp 7-10 lần người trẻ. Trong khi, thu nhập trung bình của NCT chỉ khoảng 538.000 đồng/ người/tháng, chủ yếu từ bảo trợ xã hội, lương hưu và trên 5% trong số 17 triệu NCT chưa có thẻ BHYT. “Không có BHYT, họ sẽ không kham nổi chi phí khám và điều trị bệnh, dẫn đến bệnh nặng hơn”, PGS-TS Nguyễn Trung Anh nêu thực trạng.

Đồng tình, ThS Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, lưu ý, hiện ở nước ta có 4 loại hình chăm sóc NCT nhưng loại hình chăm sóc tại gia đình là chủ yếu. Tại TPHCM, 99,5% NCT được chăm sóc tại nhà, một số ít được chăm sóc trong các cơ sở tập trung, chủ yếu là NCT neo đơn, không nơi nương tựa hoặc diện chính sách. Nhưng số cơ sở trợ giúp xã hội cũng thiếu, có tỉnh thành không có trung tâm, viện dưỡng lão công lập. Theo các chuyên gia, để đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT cần được chuyển dần từ gia đình sang xã hội. Một trong những chính sách quan trọng nhất là tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe NCT, cụ thể là đầu tư xây dựng trung tâm, viện dưỡng lão do nhu cầu hiện nay rất lớn, nhưng việc đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này không dễ. Đồng thời cần tăng cường đào tạo chuyên ngành lão khoa cho đội ngũ nhân viên y tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực lão khoa.

Đồng chí PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TPHCM:

Đầu tư chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn

Từ năm 2022, số người trên 60 tuổi tại TPHCM là 1,033 triệu người - chiếm tỷ lệ 12,24% tổng dân số thành phố. Đây được xem là dấu mốc thành phố chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, là thách thức không nhỏ trong công tác chăm lo từ sức khỏe đến tinh thần cho NCT. Chính vì vậy, thành phố đặt mục tiêu nâng tuổi thọ bình quân NCT đạt 76,8 tuổi vào năm 2025 và 77 tuổi vào năm 2030, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm vào năm 2025 và 68 tuổi vào năm 2030. Thành phố tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động 144 câu lạc bộ NCT giúp NCT và 144 tổ tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe NCT già yếu neo đơn tại cộng đồng ở 144 xã, phường, thị trấn. 100% NCT khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025, duy trì đến năm 2030. NCT cô đơn, bệnh nặng, không thể đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế sẽ được khám chữa bệnh tại nơi ở đạt 70% năm 2025 và 100% năm 2030.

Trước những thách thức về dân số và các mục tiêu nâng chất chăm sóc sức khỏe người dân, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, đề án cụ thể: áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám bệnh tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ); phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm cho trên 1 triệu NCT giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo, số tiền 150 tỷ đồng/năm; thí điểm bổ sung nguồn nhân lực cho trạm y tế theo quy mô dân số; hợp tác với Bộ Y tế Cuba triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình; chính sách mạng lưới cộng tác viên y tế… Thành phố cũng nghiên cứu để có những định hướng, kế hoạch, chính sách mới nhằm phát triển y tế toàn diện, đạt yêu cầu là trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả nước và khu vực; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tuổi thọ kéo dài và chi phí cho y tế sẽ thấp hơn.

Tin cùng chuyên mục