80% bệnh nhân mắc virus Zika không có triệu chứng lâm sàng

(SGGPO).- Có tới 80% số bệnh nhân mắc virus Zika trên thế giới không có triệu chứng lâm sàng nên việc giám sát phát hiện ca bệnh trong cộng đồng sẽ phải được được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Đây là thông tin được đưa ra cuộc họp của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, Cục Y dự phòng, Bộ Y tế về việc phòng chống dịch bệnh do virus Zika được tổ chức ngày 16-2, tại Hà Nội.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra và nguy cơ virus này xâm nhập vào nước ta, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam sẽ mở rộng việc giám sát bệnh nhân Zika nếu có bằng việc lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, tất cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đang lưu hành dịch bệnh Zika về Việt Nam sẽ được xét nghiệm miễn phí xem có có mắc dịch bệnh Zika hay không.

Trong khi đó, ông Tonny, Đại diện Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh của Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang tăng cường giám sát dịch bệnh Zika tại các cửa khẩu quốc tế là việc làm cần thiết, nhưng cũng cần đẩy mạnh giám sát dịch bệnh này tại cộng đồng vì phần lớn số ca bệnh Zika trên thế giới không có triệu chứng lâm sàng, số còn lại, triệu chứng của bệnh cũng rất mờ nhạt, biểu hiện giống nhiều dịch bệnh khác. Do đó nếu xuất hiện dịch bệnh này thì vấn đề nguy hiểm nhất là phụ nữ mang thai mắc bệnh có thể để lại di chứng teo não cho thai nhi. Trong khi đó, những di chứng này thường chỉ được phát hiện trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Liên quan đến thông tin mới về việc Brazil phát hiện hóa chất Pyriproxyfen trong thuốc diệt muỗi mới là nguyên nhân gây teo não ở trẻ sơ sinh chứ không phải do virus Zika gây ra khiến nhiều người lo ngại, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là vấn để mà Bộ Y tế rất quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, hóa chất này đã được dùng để diệt muỗi tại Brazil trong một thời gian dài cùng với các dịch bệnh như sốt xuất huyết và chưa có mối quan hệ rõ ràng.

Còn tại Việt Nam, việc sử dụng hoá chất Pyriproxyfen được thực hiện theo khuyến cáo của WHO và được cấp phép từ năm 2010. Tuy nhiên, hóa chất này chỉ được cấp phép trên phạm vi hẹp với quy trình cấp phép rất chặt chẽ. Từ năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu nhập khẩu và đến nay là 9.500 kg chất Pyriproxyfen sử dụng chủ yếu trong nước thải, công trình xây dựng, không sử dụng trong nước uống. Trong khi đó, tại Brazil sử dụng hoá chất Pyriproxyfen diệt muỗi bằng cách cho vào nguồn nước sinh hoạt.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay virus Zika đã được ghi nhận ở 36 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt từ cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, virus Zika diễn biến phức tạp hơn với tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt ở châu Mỹ. Trên thế giới đã ghi nhận trường hợp tử vong tại một số nước như: Venezuela (3), Brazil (2), trước đó đến 19-1-2016 chưa có trường hợp tử vong nào do virus Zika. Đáng lưu ý, Brazil cũng xác nhận trường hợp virus Zika qua truyền máu và Mỹ xác nhận lần đầu tiên trường hợp lây nhiễm virus Zika qua đường tình dục là những thông tin mới nhất về dịch bệnh này.

Đối với Việt Nam cho tới thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika nhưng nguy cơ virus nguy hiểm này xâm nhập, lây lan vào nước ta là hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, 80% số bệnh nhân Zika được phát hiện trên thế giới đều không có triệu chứng lâm sàng nên việc giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam rất khó khăn.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay, 8 điểm giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết tại miền Nam và 3 điểm tại miền Bắc đã thực hiện lồng ghép giám sát luôn cả dịch bệnh do virus Zika nhằm phát hiện sớm ca bệnh Zika đầu tiên nếu có. Cùng với đó, cả nước có 4 cơ sở có khả năng xét nghiệm được virus Zika.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục