Làm đẹp đón tết, coi chừng tật mang

Trong những ngày qua, liên tiếp xảy ra những trường hợp chị em phụ nữ bị thương tích do làm đẹp, buộc phải nhờ bác sĩ chuyên khoa các bệnh viện (BV) lớn can thiệp…
Làm đẹp đón tết, coi chừng tật mang

Trong những ngày qua, liên tiếp xảy ra những trường hợp chị em phụ nữ bị thương tích do làm đẹp, buộc phải nhờ bác sĩ chuyên khoa các bệnh viện (BV) lớn can thiệp…

Sự cố luôn rình rập

Mới đây, chỉ trong cùng một ngày, BV Trưng Vương (TPHCM) đã tiến hành phẫu thuật cho 2 nữ bệnh nhân nhập viện vì làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng. Chị T. (39 tuổi, trú tại quận Tân Bình) bị bỏng tai dẫn đến hoại tử một vùng tai trong một lần đi làm đẹp tóc. Bệnh nhân đã tự chữa ở nhà, sau 3 tuần thì vết bỏng không giảm mà càng nặng hơn, sâu hơn.

Bệnh nhân bị hoại tử một vùng tai sau khi làm tóc

Bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc, Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ của BV Trưng Vương, cho biết: “Bệnh nhân nhập viện cách đây 4 ngày trong tình trạng bỏng 1/2 vành tai, hoại tử một 1/3 vành tai. Hiện tại, BV đang cố gắng giữ lại những phần bị bỏng nhưng chưa hoại tử bằng phương pháp đắp ẩm, còn phần hoại tử thì phải cắt bỏ. Trên nền những gì còn sót lại, chúng tôi sẽ tạo lại vành tai phần đã mất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, kích thước tai bệnh nhân sau vụ bỏng sẽ giảm đi, vì phần sụn ở vành tai hoại tử buộc phải cắt bỏ”.

ũng tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, BV đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 16 tuổi; trong quá trình uốn tóc, có 1 ống làm nóng cho tóc xoăn bị xì hơi, khiến bệnh nhân bị bỏng da đầu diện tích 10cm x 5cm. Bệnh nhân cũng tự ý về nhà chăm sóc, sau 10 ngày tự điều trị nhưng không lành, bệnh nhân phải vào BV Trưng Vương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ nhận định là một ca bỏng sâu, phải lấy da đùi để ghép lên vùng đầu.

Khảo sát tại một số cơ sở dịch vụ làm đẹp trên địa bàn quận Gò Vấp, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán có rất nhiều chị em phụ nữ đổ xô đi làm đẹp để “tân trang” lại nhan sắc chuẩn bị đón tết, du xuân. Tại một thẩm mỹ viện trên đường Quang Trung, không chỉ những chị em nội trợ, nhân viên văn phòng mà có cả những sinh viên cũng đang chờ đợi đến lượt để làm đẹp, khiến cửa hàng quá tải. Nhiều người không lường được những hiểm họa khi chạy đua làm đẹp cấp tốc vào dịp cuối năm. Khách hàng thì nóng lòng, các tiệm làm đẹp lại luôn quá tải nên khó tránh được sự cẩu thả.

Chị Mai Huyền Sương, chủ tiệm cắt tóc gội đầu ở quận Gò Vấp, nhận định rằng việc làm đẹp mà vội vàng, cẩu thả sẽ gây tác dụng ngược. Đẹp đâu chưa thấy, có khi lại rước họa vào thân. Ví dụ như khi duỗi hay làm xoăn tóc, chị Huyền Sương cho biết: “Phải ủ thuốc lên đầu đúng quy trình và thời gian như quy định, nếu nhanh quá thì không có tác dụng, mà để lâu thì sẽ rất hại tóc và da đầu”.

Hiểm họa từ dụng cụ “bẩn”

Nhiều người nghĩ làm đẹp không liên quan đến sức khỏe, họ thường chủ quan và phó mặc hết cho các chủ tiệm. Họ tìm đến dịch vụ làm nail (làm móng), lăn kim, xăm mi… ở tiệm mà không có dụng cụ riêng của mình. Bộ cắt móng được dùng chung cho cả hàng chục người, tiềm ẩn rất nhiều nguy hại.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Da liễu TPHCM, những ngày gần tết, rất nhiều bạn gái đi làm móng chấp nhận dùng chung kềm với nhiều người mà không hề lo lắng. Việc sử dụng chung kềm với nhiều người mà không được khử trùng rất dễ gây viêm da, nhiễm trùng… hay lây các bệnh truyền nhiễm qua đường máu. Đặc biệt là dù tỷ lệ rất thấp, nhưng vẫn có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Lướt qua các trang mạng xã hội sẽ thấy tràn ngập các thông tin quảng cáo về công nghệ lăn kim tế bào gốc vô cùng hấp dẫn, khẳng định sẽ điều trị dứt điểm được các bệnh về da mặt như: da dầu, da có mụn, da lão hóa, lỗ chân lông to, da nhăn, sẹo lõm, mụn đầu đen… Vì vậy, không ít người tìm đến phương pháp này để làm đẹp “cấp tốc” với mong muốn có làn da mịn màng tươi trẻ. Tuy nhiên, hiểm họa rất khó lường. Chị Phan Thị Thuận (ngụ quận 2) cho biết: “Tin vào lời rao và hình ảnh trên facebook một spa, tôi đến lăn kim trị mụn, điều trị được vài ba ngày, da bỗng nổi sần đỏ lên như bị dị ứng. Đến tái khám, nhân viên spa nói đó là chuyện bình thường, không đáng lo ngại và cho thuốc độc quyền của spa về chữa trị. Vài ngày sau, tình trạng không những không giảm mà còn lan rộng ra cả khuôn mặt. Tôi tìm đến bác sĩ BV Da liễu, bác sĩ kết luận bị nhiễm trùng da sau lăn kim do không đảm bảo kỹ thuật và vệ sinh kim lăn”.

Không chỉ riêng chị Thuận, còn có rất nhiều chị em phụ nữ đã tin vào những tác dụng được quảng cáo hấp dẫn, sẵn sàng chi số tiền lớn để lăn kim lên da mặt, mong muốn có một làn da như mơ ước, nhưng cuối cùng lại lãnh hậu quả buồn cho nhan sắc. Cũng theo bác sĩ Thanh Hùng, việc dùng chung kim lăn đều ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Với kim tái sử dụng nhiều lần, chất lượng kém, lại thực hiện trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, sẽ gia tăng nguy cơ gây tổn thương và viêm nhiễm, dẫn đến sưng tấy da kéo dài. Ngoài ra, người làm đẹp có thể bị nhiễm HIV/AIDS nếu kim không được vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn BV. Riêng với loại kim trôi nổi, đầu kim không đủ nhỏ và sắc, khi thực hiện trị liệu sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu, dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da làm da sạm đen sau khi lăn.

Theo các chuyên gia thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp, ngoài một vài trường hợp thật sự là tai nạn khách quan không mong muốn, còn phần lớn nguyên nhân gây hậu quả trong làm đẹp vẫn là do con người. Phụ nữ ai cũng muốn mình đẹp, nhưng đẹp phải đi đôi với an toàn. Chị em nên đến những đơn vị thẩm mỹ uy tín, nên biết người làm cho mình là ai, có chuyên môn hay không? Cần tìm hiểu những gì mình sẽ thực hiện, có thể có những biến chứng gì? Và khi xảy ra bất kỳ sự cố gì như nhiễm trùng, bỏng, sẹo..., chị em nên đến BV để được tư vấn điều trị, không nên tự điều trị tại nhà, có thể làm tình trạng nặng thêm.


THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục