Sáng qua 1-11, tại trụ sở VFF, đã khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài khu vực phía Bắc. Đây chính là lớp đào tạo cấp tốc (từ ngày 1 đến 7-11) các “vua sân cỏ” để bù đắp sự thiếu hụt về lực lượng cầm còi, cầm cờ sau khi một loạt các trọng tài có năng lực và kinh nghiệm đã bị công an “sờ gáy” do dính dáng đến tiêu cực: nhận và môi giới hối lộ trong thời gian vừa qua. Đứng lớp là Ủy viên Thường trực Hội đồng trọng tài quốc gia Đoàn Phú Tấn với sự trợ giảng của ông Phạm Văn Quang, Nguyễn Văn Mùi. Các học viên sẽ học lý thuyết buổi sáng và rèn luyện thực tế buổi chiều qua việc tham gia điều hành Giải bóng đá Sinh viên toàn quốc lần thứ 1 – Cúp Samsung – năm 2005 ngay tại sân Hàng Đẫy.
Trong tổng số 46 học viên chính thức và 8 học viên dự bị (3 nữ), người ta thấy có cả những trọng tài đã tương đối thành danh dù còn trẻ tuổi như Kiều Việt Hùng (Hà Nội), Nguyễn Phong Vũ (Hà Tĩnh), Nguyễn Quốc Việt (Hải Phòng)..., đặc biệt còn có cả trợ lý trọng tài cấp FIFA Phạm Mạnh Long. Tuy nhiên, số còn lại đều là những trọng tài phong trào hoặc chưa bao giờ làm công việc này, có cả một số học viên còn rất trẻ: 23-24 tuổi, thậm chí có trường hợp mới 20 tuổi.
Từ 15 đến 16 giờ chiều qua, lớp học đã được đón nhận bài giảng về Luật hình sự của Trung tá Doãn Công Huân của C14, người trực tiếp thực hiện chuyên án tiêu cực vừa qua. Qua những gì mà ông Huân nói, có thể thấy nhận thức của giới trọng tài và cả một vài trường hợp các lãnh đạo đội bóng, các quan chức khác về hành vi và các yếu tố cấu thành hành vi, cấu thành hình thức đưa, nhận hối lộ rất yếu kém nên rất nhiều trường hợp khi đọc tống đạt quyết định khởi tố, bị can đều tỏ ra ngô nghê, ngỡ ngàng.
Ông Huân đã lấy một loạt ví dụ để chứng minh điều này. Theo điều 279 Bộ luật hình sự, chỉ cần giá trị vật chất lên đến 500.000 đồng là đã có thể xem xét về mặt hình sự song không ít các bị can đã trả lời cơ quan điều tra là: tôi nghĩ cầm phong bì có 1-2 triệu thì đáng là bao nhiêu mà phải bị bắt giam.
Còn nữa, có một số bị can khi bị cơ quan điều tra chất vấn đã trả lời rằng: chúng tôi chỉ bồi dưỡng trọng tài để họ điều khiển trận đấu một cách khách quan, trung thực trong khi lý lẽ này hoàn toàn sai về mặt luật pháp vì rằng: trọng tài được phân công điều khiển các trận đấu (UBTDTT ủy quyền cho VFF để thành lập BTC và triệu tập các trọng tài làm nhiệm vụ) đương nhiên phải thổi đúng luật, trung thực, khách quan nên không cần có bồi dưỡng, hối lộ, họ cũng phải làm vì đó là nhiệm vụ của họ, được hưởng chế độ của giải.
Một ví dụ nữa được đưa ra là: khi một thành viên bất kỳ nào đó của đội bóng (đăng ký chức vụ với BTC giải) có hành vi hối lộ hoặc môi giới hối lộ, là cả đội bóng đó sẽ bị xử lý, ít ra cũng liên đới trách nhiệm chứ không có chuyện “ai làm người đó chịu”.
Ngoài ra, trong trường hợp có việc gợi ý trước, trong khi trận đấu diễn ra, đề nghị trọng tài thổi có lợi cho đội mình hoặc thậm chí ngay cả khi thổi phạt không chính đáng, không đúng luật bóng đá đối với cầu thủ A, B của...chính đội mình nhưng chưa đưa ra, chưa trao vật chất hối lộ thì vẫn coi như là hối lộ – yếu tố cấu thành hình thức hối lộ.
Nói tóm lại, theo ông Huân, tiêu cực, hối lộ có muôn vàn hình thức – do đó các trọng tài cần phải suy nghĩ trước khi hành động để điều chỉnh hành vi của mình cho đúng đắn, đưa các hành động của mình vào chỉ một trong 2 khả năng: làm và không được làm. Vị Trung tá công an này giải thích sở dĩ ông phải đưa ra lời khuyên, lời răn đe có tính chất sơ đẳng xét trên khía cạnh kiến thức pháp luật nói trên là do trên thực tế, ý thức về hành vi vi phạm luật hình sự của các trọng tài, các lãnh đạo đội bóng...khi ông được tiếp xúc làm việc, hỏi cung là rất ấu trĩ.
Ngoài ra, trong buổi nói chuyện – giảng bài, ông Huân cũng tiết lộ, trong thời gian tới đây, sẽ tiếp tục thực hiện quyết định khởi tố với một số trọng tài khác. Ông cũng cho biết trong tổng số 86 trọng tài tham gia điều hành các trận đấu của V-League và hạng Nhất quốc gia mùa bóng 2004, 2005 vừa qua, có đến gần một 1/2 có dấu hiệu “nhận hoặc môi giới hối lộ” và nếu xét chi li, đều có thể xử lý về mặt hình sự.
AN HƯNG