2 năm trước tại Philippines, tay bơi Nguyễn Hữu Việt đã ghi tên vào lịch sử làng bơi nước nhà khi đoạt lại chiếc HCV cho bơi lội Việt Nam tại đấu trường SEA Games sau 44 năm, kể từ 2 chiếc HCV tại SEA Games lần 2-1961. Vào tháng tới, sứ mạng phải bảo vệ cho được chiếc HCV này của Việt càng cao hơn hết, và khả năng các đồng đội của Việt sẽ cùng anh làm được hơn như thế...
BƠI ẾCH VẪN LÀ NỘI DUNG VÀNG

Có một trùng hợp thú vị, chiếc HCV bơi lội cách đây 44 năm của tay bơi Huỳnh Văn Hai là ở 100m ếch. Sau đó, năm 2001 tại SEA Games 21 (tức sau 40 năm), tay bơi trẻ Trần Xuân Hiền lần đầu tiên đoạt huy chương trở lại cho làng bơi Việt Nam, dù chỉ là HCB sau ngần ấy năm tay trắng, nhưng chiếc HCB nhưng quí như vàng ấy cũng ở nội dung 100m ếch. 4 năm sau ở SEA Games 23, Nguyễn Hữu Việt đã ghi tên vào bảng vàng khi lên ngôi vô địch cũng ở nội dung 100m ếch. Chính điều trùng hợp kể trên, nhưng quan trọng hợp cả là Nguyễn Hữu Việt đang là đương kim vô địch, nên cự ly 100m ếch được xem là nội dung vàng của bơi lội Việt Nam.
Sau SEA Games 23, UBTDTT cũ đã lên kế hoạch để nâng cao thành tích cho Hữu Việt nhằm giúp anh bảo vệ chiếc HCV như đưa đi tập huấn nước ngoài dài hạn, thuê chuyên gia huấn luyện... Thế nhưng tất cả đều phá sản vào giờ chót, nên suốt năm 2006, Việt hầu như "tập huấn tại gia" và thành tích vì thế cứ đì đẹt.
ĐIỂM YẾU TÂM LÝ |
Đó là điều đáng lo ngại nhất của các tay bơi trẻ Việt Nam chính vì tâm lý thi đấu không tốt, và tay bơi Nguyễn Hữu Việt là một minh chứng. Cách đây 2 năm, khi vừa đoạt HCV 100m ếch ở SEA Games 23 hôm trước, thì ngày hôm sau, Việt đã bị loại từ vòng loại ở cự ly 200m ếch, dù rất có hy vọng. Cũng vì yếu tâm lý nên tay bơi Đỗ Huy Long luôn bơi rất tốt tại các giải đấu trong nước, nhưng lại rất phập phù ở các giải quốc tế, đặc biệt là SEA Games. Hiện nay, BHL đang cố công điều chỉnh và khắc phục cho các học trò, nhưng làm được đến đâu, chỉ khi nhảy xuống hồ thi đấu thì... mới biết. |
Nỗi lo hiện hình, bởi vậy mà ngay từ đầu năm 2007, ngành thể thao đã tức tốc cử HLV Đặng Anh Tuấn cùng 3 tay bơi Nguyễn Hữu Việt, Đỗ Huy Long và Nguyễn Thanh Hải sang Côn Minh "luyện công" dài hạn, và đến giải VĐQG vào cuối tháng 9 vừa qua mới trở về. Tại giải VĐQG 2007 mới đây, 3 tuyển thủ tập huấn tại Trung Quốc đã ra mắt "báo cáo" khá ấn tượng. Trong đó, thành tích kỷ lục quốc gia mới ở 100m ếch nam (1’03"63) của Hữu Việt so với thành tích cũ (1’03"80 tại SEA Games 23) đã khiến hy vọng vào việc bảo vệ chiếc HCV càng lớn. Niềm tin đó càng được củng cố khi thời điểm ấy, các tuyển thủ vẫn không có sự điều chỉnh giáo án nên chưa có được điểm rơi tốt nhất...
SẼ CÒN LÀM TỐT HƠN
Sau mùa SEA Games 23 được 1 HCV, nhưng mất trắng ở các nội dung còn lại, nên tháng 12 tới đây, bơi lội Việt Nam hy vọng sẽ được 1 HCV và có thể còn tốt hơn, đó là lời khẳng định chắc nịch của HLV trưởng đội tuyển bơi lội Việt Nam Đặng Anh Tuấn và chuyên gia Trung Quốc với chúng tôi trước khi đội quay lại tập huấn tại Vũ Hán (Trung Quốc).
Cơ sở cho lời khẳng định ấy là ngoài thành tích 100m của Hữu Việt, thì nội dung 200m ếch với KLQG mới của anh 2’20"91 đã tiệm cận trong tốp 3 của SEA Games (vượt thành tích HCĐ), nhưng đó là tính trên lý thuyết vì "ta tiến thì bạn ắt cũng chẳng lùi". Ngoài Hữu Việt, "chuyên gia bơi ngửa" Đỗ Huy Long cũng đang là một ẩn số hứa hẹn nhiều bất ngờ, vì thành tích 100m và 200m ngửa của Long đang có những bước tiến rất tốt trong chuyến tập huấn vừa qua, đó là chưa nói đến việc đương kim vô địch SEA Games 22 và 23 Lim Liat (Malaysia) đã giã từ đường đua xanh nên "cửa" huy chương của Long càng lớn.
Ngoài ra, kình ngư Thanh Hải và Thái Nguyên cũng đang nhiều hy vọng ở nội dung bơi bướm nam. Đến Thái Lan sắp tới, trong đội tuyển bơi quốc gia chỉ có 1 gương mặt nữ duy nhất là Trần Thị Thuận, và cô gái trẻ này cũng là niềm hy vọng ở các nội dung bơi ếch nữ.
Tuy nhiên, có một nội dung mà BHL đội tuyển Việt Nam kỳ vọng sẽ làm nên bất ngờ chính là cự ly tiếp sức 4x100m hỗn hợp nam. Ở nội dung này, Hữu Việt vẫn bơi ếch, Huy Long bơi ngửa, riêng phần bơi bướm và tự do đang là sự lựa chọn giữa Thanh Hải, Thái Nguyên và kể cả gương mặt trẻ Nguyễn Văn Tý. Hiện nay, thành tích của các tay bơi nam Việt Nam đang nằm trong nhóm 3 hạng đầu và chắc chắn sẽ có huy chương, thậm chí là sẽ lấy vàng. HLV Anh Tuấn nửa đùa, nửa thật: "Biết đâu đấy, hãy chờ xem!".
ĐỖ TUẤN

1 tuyển thủ quốc gia judo bị chấn thương nặng tại Trung Quốc: Theo nguồn tin của SGGP Thể thao, sáng 6-11, trong một buổi tập với võ sĩ Trung Quốc khi đội DTQG Judo Việt Nam tập huấn tại Hà Bắc (Trung Quốc), nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Sáu (-78kg) đã bị gãy xương đòn. Buổi tối cùng ngày, BHL đã cử người đưa ngay võ sĩ này về nước để chữa trị. |