(SGGP).- Chiều 20-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp gỡ các tài năng trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2014.
Giải thưởng Quả cầu vàng 2014 được xét trao trong 4 lĩnh vực là công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ y dược, công nghệ sinh học và công nghệ môi trường. Từ 50 hồ sơ được gửi về, qua 2 vòng đánh giá, hội đồng giải thưởng đã chọn ra 10 tài năng trẻ tiêu biểu nhất để trao giải. Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng Quả cầu vàng 2014 có sự gia tăng về số lượng và chất lượng, các cá nhân được đề cử đều có thành tích xuất sắc, có đề tài ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả cao, nhiều công trình khoa học có chất lượng. Mỗi cá nhân nhận giải Quả cầu vàng được nhận Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giấy chứng nhận của Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ cùng tiền thưởng 20 triệu đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các tài năng trẻ đoạt giải thưởng Quả cầu vàng và các nữ sinh viên tiêu biểu tại buổi gặp mặt.
Cùng với giải thưởng Quả cầu vàng, phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm nay được trao cho 20 nữ sinh ngành công nghệ thông tin, điện - điện tử và cơ khí, là những ngành học mà nữ sinh còn hạn chế và cần được khuyến khích. Các nữ sinh nhận phần thưởng ngoài thành tích học tập xuất sắc, các sinh viên còn tham gia nghiên cứu khoa học với những đề tài có tính thực tế và được đánh giá cao, tham gia hoạt động đoàn thể, xã hội tích cực. Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu là biểu trưng, bằng khen, giấy chứng nhận của Trung ương Đoàn, giấy chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng tiền thưởng 6,5 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao thành tích của các cá nhân nhận giải thưởng, đồng thời nhấn mạnh, đất nước không thể phát triển nếu không có tiềm lực về khoa học, kỹ thuật, vì vậy, các bạn trẻ cần đam mê, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ, đóng góp thiết thực vào xây dựng nền khoa học, công nghệ nước nhà. Tuổi trẻ có nhiều thế mạnh, nhưng điều quan trọng hơn là phải trẻ trong suy nghĩ, hành động; phải luôn mới, luôn sáng tạo, đầy sức sống, không nên già trước tuổi.
BÍCH QUYÊN
Đổi mới nghiên cứu khoa học
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) hiện tiềm lực và trình độ KH-CN nước ta nhìn chung còn khoảng cách tụt hậu xa so với thế giới. KH-CN và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Trong quản lý hoạt động KH-CN, còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Chưa huy động được các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN. Mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Việc chuyển đổi các tổ chức KH-CN sang cơ chế tự chủ gặp nhiều rào cản dẫn tới hiệu quả chính sách còn thấp...
Trước tình hình nêu trên, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ KH-CN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay mức đầu tư cho KH-CN hàng năm từ ngân sách nhà nước là xấp xỉ 2%. Vấn đề không phải là nhiều hay ít mà sử dụng số kinh phí này như thế nào, có thực sự đem lại hiệu quả hay không. Đây là điều mà nhiều người, nhất là những người tâm huyết với với nền KH-CN nước nhà trăn trở. Bên cạnh ngân sách nhà nước, thì cần huy động sự đầu tư cho KH-CN lớn hơn từ doanh nghiệp và xã hội. Để doanh nghiệp thực sự đầu tư vào ứng dụng, đổi mới công nghệ, cần xây dựng những cơ chế thiết thực hơn. Cùng với đó, phải quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ độc quyền, để các nguồn lực được phân phối thực sự dựa trên sức cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thì KH-CN mới khẳng định được vai trò, có cơ hội phát triển. Ngoài doanh nghiệp, Nhà nước và cụ thể là ngành KH-CN phải làm sao để khơi dậy sáng tạo của toàn xã hội, nói cách khác là xã hội hóa hoạt động KH-CN. Từ ý tưởng sáng tạo của một người dân đến việc sáng chế, tạo ra sản phẩm chắc chắn là một đoạn đường dài, trong đó phải có vai trò của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và doanh nghiệp. Thay vì đầu bài nghiên cứu khoa học từ các viện, nghiên cứu viên tự nghĩ ra rồi trình đề tài, chờ được cấp tiền thực hiện thì phải đẩy mạnh những đầu bài, đề tài xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội. Những vấn đề gì cần khoa học giải đáp thì đấy chính là đầu bài.
Đổi mới mạnh mẽ hoạt động hội đồng khoa học ở các cấp cũng là một nhiệm vụ trọng tâm mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu yêu cầu cho năm 2015. Phó Thủ tướng phân tích: Hội đồng khoa học là cần thiết nhưng lựa chọn ai, ý kiến ra sao, trách nhiệm như thế nào, công khai đến đâu? Về cơ bản là công khai, minh bạch tối đa có thể để cộng đồng giám sát hội đồng, thành viên. Chúng ta đẩy mạnh cơ chế khoán trong hoạt động KH-CN, thì càng phải công khai, minh bạch từ đầu bài cho đến tiến độ, kết quả, nghiệm thu đối với mỗi đề tài khoa học. Sự minh bạch, công khai cả về chất lượng, lẫn chi phí thực hiện, đến trách nhiệm của mỗi cá nhân cũng như tập thể trong từng đề tài, công trình khoa học chắc chắn sẽ là động lực mạnh mẽ cũng như điều kiện tiên quyết để nền KH-CN Việt Nam thực sự phát triển trong thời gian tới!
TRẦN LƯU