LTS: Tiếp theo các sự kiện nổi bật trên các lĩnh vực y tế, kinh tế, văn hóa, hôm nay mời bạn đọc theo dõi 10 sự kiện chính trị - xã hội trong nước nổi bật năm 2011 do Báo SGGP bình chọn.
1- Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI
Đại hội diễn ra từ ngày 12 đến 19-1 tại Hà Nội, thông qua các văn kiện có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết, trong đó lần đầu tiên có 2 Ủy viên Trung ương Đảng trẻ nhất - 35 tuổi. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên, Ban Bí thư gồm 10 thành viên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
2- Bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016
Ngày 22-5, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước để kiện toàn bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở, trong đó đã bầu chọn 500 đại biểu Quốc hội, là kỳ Quốc hội có nhiều doanh nhân nhất - 38 người. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII đã xem xét về tổ chức nhân sự, bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước. 14 Ủy viên Bộ Chính trị đều trúng cử đại biểu Quốc hội, giữ các chức vụ chủ chốt.
3- 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển và nỗ lực củng cố lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam
50 năm trước, Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Đoàn 125 Hải quân ngày nay, để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam với mật hiệu Đoàn Tàu không số. Với hơn 100 chuyến ra Bắc, vào Nam, cùng với tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại lịch sử, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, Đảng, Chính phủ ta tiếp tục nỗ lực xây dựng lực lượng Hải quân ngày càng tinh nhuệ, hiện đại nhằm bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc.
4- Vấn đề biển Đông và quan hệ Việt - Trung
Ngày 11-10, tại Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, xác định các nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan.
Hai bên nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6-2011, Trung Quốc có một số hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông.
5- Thời tiết diễn biến bất thường
Nhiều đợt lũ sớm diễn ra ở ĐBSCL liên tiếp từ cuối tháng 9 đến tháng 11-2011, nhiều nơi nước lũ cao hơn đỉnh lũ lịch sử 10 năm trước. Miền Trung phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do lũ lụt vào trung tuần tháng 10-2011. Lũ lụt đã khiến 85 người chết, thiệt hại về vật chất hơn 4.000 tỷ đồng. Trong lúc đó, giá rét bất thường xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào các tháng 3, 11, 12, nền nhiệt độ xuống thấp nhất trong 24 năm gần đây, gây nhiều thiệt hại về mùa màng và súc vật. Đặc biệt tại Sa Pa, tháng 3 có tuyết rơi bất thường, nhiệt độ giảm xuống có lúc còn 00C.
6- Chiến dịch đưa hơn 10.000 lao động Libya về nước an toàn
Trước bất ổn chính trị ở Libya, từ ngày 23-2 đến ngày 4-4, Việt Nam đã đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước an toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Phần lớn lao động trở về thông qua cầu hàng không quy mô lớn nhất từ trước đến nay. So với các nước trong khu vực có lao động làm việc tại Libya, nước ta là quốc gia đầu tiên đã sớm hoàn thành công tác sơ tán toàn bộ công dân của mình về nước. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đánh giá Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tích cực, khẩn trương đưa công dân của mình tại Libya về nước một cách an toàn, hiệu quả.
7- Tê giác một sừng tuyệt chủng và phát hiện thêm loài mới ở Việt Nam
Ngày 25-10, Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) chính thức thông báo: con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã bị bắn chết hồi tháng 4-2011 để lấy sừng. WWF cũng cảnh báo nhiều loài động vật khác ở Việt Nam như cọp, voi châu Á, cá sấu Xiêm La... cũng có nguy cơ tuyệt chủng. Bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF tại Việt Nam, phải thốt lên: “Thật đau lòng khi những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài tê giác Java này. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam”.
Trong lúc đó, vào tháng 12, 3 loài chỉ có tại Việt Nam cùng với hơn 200 loài động thực vật khác tại các nước trong lưu vực sông Mekong được WWF thông báo mới được phát hiện: thạch sùng ngũ sắc ở Hòn Khoai, một loài nhông cát tự nhân bản không cần con đực và loài chim hót lá.
8- Vỡ nợ “tín dụng đen” hàng loạt
Trong lúc tình hình kinh tế - xã hội đất nước gặp nhiều khó khăn thì hàng trăm vụ vỡ nợ “tín dụng đen” đã xảy ra dây chuyền trên khắp cả nước. Người này cho người kia vay rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn, cứ thế tạo thành đường dây “tín dụng đen” đa cấp. Số tiền mà các chủ nợ không thể trả được đã lên tới hàng chục, hàng trăm thậm chí cả ngàn tỷ đồng dẫn đến vỡ nợ hàng loạt, gây ra nhiều thảm cảnh. Điển hình là các vụ vỡ nợ của Huỳnh Thị Huyền Như (TPHCM), của các gia đình ở Hà Nội như Quang - Quyên, Hảo - Dậu, Chinh - Chúc. Tổng cộng quy mô của tất cả các vụ vỡ nợ này theo thông tin được các báo chí cung cấp tương đương bằng vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cỡ vừa.
9- Những vụ cháy nổ ô tô, xe máy “bí hiểm”
Hàng loạt vụ cháy, nổ xe máy, xe hơi bất thường diễn ra dồn dập, có vụ dẫn đến chết người trong thời gian gần đây đã khiến người dân hoang mang. Điều đáng nói, những vụ cháy nổ này xảy ra đối với nhiều loại xe và ở nhiều địa phương, trong đó tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an, vào cuộc điều tra, đưa ra hàng loạt nguyên nhân, trong đó tập trung vào hệ thống phát lửa, chất lượng xăng, nhưng cũng chỉ mang tính suy đoán, khiến dư luận càng thêm lo ngại.
10- Thay thế hình thức tử hình bằng súng sang tử hình bằng thuốc độc
Ngày 1-7, Luật Thi hành án hình sự của Việt Nam có hiệu lực thi hành và theo Nghị định số 82/2011/NĐ-CP “Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc”, từ 1-11-2011, tiêm thuốc độc sẽ thay cho xử bắn đối với các phạm nhân bị tuyên án tử hình. Đây là một thay đổi quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam thể hiện sự văn minh và nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, do quá trình xây dựng các cơ sở thực hiện thi hành án tại 5 địa phương thí điểm là Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Đắc Lắc và Sơn La chưa xong, nên dự kiến từ đầu năm 2012, việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc mới được thực hiện.
BAN CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI