2015 là một năm đặc biệt đối với người dân khắp các châu lục. Với người Pháp, đó là nỗi ám ảnh khủng bố và kinh tế khó khăn. Với người châu Âu và Trung Đông, đó là nỗi ám ảnh di cư, là các mối quan hệ mâu thuẫn chồng chéo. Với Đông Nam Á, là sự mở ra một chương mới trong lịch sử cộng đồng…Từ những sự kiện xuyên suốt, Ban Quốc tế Báo SGGP xin điểm lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm.
1. Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời
Ngày 22-11, lãnh đạo 10 nước ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với sự chứng kiến của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và nguyên thủ 8 nước đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Nga và Mỹ. Ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra đời, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Sự kiện đang thu hút mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. AEC sẽ là thị trường khổng lồ 2.600 tỷ USD với dân số hơn 622 triệu người, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ bảy trên thế giới.
2. Thế giới hướng về biển Đông
Vấn đề biển Đông trong năm 2015 tiếp tục là điểm nóng. Trung Quốc một mặt tuyên bố ngừng bồi đắp các bãi đá và đảo chìm ở biển Đông nhưng mặt khác, tiếp tục xây dựng nhiều công trình trên các thực thể này, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trước tình thế đó, Mỹ đã đưa tàu khu trục vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép và điều máy bay do thám Poisedon tới Singapore để tuần tra biển Đông. Máy bay ném bom B52 của Mỹ cũng đã bay gần các đảo này. Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa biển Đông, đồng thời cam kết đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế La Hay và tòa này đã mở phiên xử, sẽ ra phán quyết trong nửa đầu năm 2016. Australia tuyên bố tuần tra biển Đông, xem đây là biện pháp bảo vệ an ninh hàng hải trong khu vực là đường vận chuyển hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD hàng năm. Nhiều nước và tổ chức tuyên bố ủng hộ quan điểm của Việt Nam về biển Đông thông qua rất nhiều hội thảo quốc tế tại các nước, theo đó thống nhất không làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình.
3. TPP và 300 tỷ USD/năm cho GDP thế giới
Ngày 5-10-2015, sau 5 năm đàm phán, 12 nước (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về việc cắt giảm hàng loạt hàng rào thuế quan từ mặt hàng ô tô cho đến gạo. TPP là một thỏa thuận toàn diện, sẽ mở cửa các thị trường với các chuẩn mực thương mại cao. Tham gia hiệp định TPP, các nước cam kết giảm và miễn thuế đối với nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực vẫn phải cần quốc hội các nước tham gia phê chuẩn. Sau khi chính thức đuợc quốc hội các nước thông qua, TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
4. Khủng bố Paris, nỗi lo toàn cầu
Ngày 7-1-2015, tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris, Pháp bị tấn công khủng bố, 12 người chết. Hơn 10 tháng sau, Paris một lần nữa rúng động với hàng loạt vụ khủng bố đêm 13-11, làm 130 người thiệt mạng, hơn 350 nguời bị thương. Khủng bố đã chọn Pháp, một quốc gia luôn đề cao tự do-bình đẳng-bác ái, để thực hiện một cuộc tấn công với mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Pháp cũng như người dân toàn cầu. Sau khủng bố, cộng đồng quốc tế thể hiện sự đoàn kết với Pháp, cam kết tăng cường cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Các vụ khủng bố tại Paris cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách an ninh, xã hội tồn tại lâu nay. Đơn cử như tại châu Âu, rất nhiều nước đã tuyên bố không tiếp nhận người di cư do lo ngại khủng bố trà trộn vào dòng người này.
Các công trình lớn trên thế giới đổi sang màu quốc kỳ Pháp để tỏ tình đoàn kết với Paris sau vụ tấn công khủng bố.
5. Thỏa thuận hạt nhân lịch sử
Thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) ngày 14-7 được xem là một trong những diễn biến ngoại giao được mong đợi nhất trên thế giới năm 2015. Theo thỏa thuận này, lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc đối với Iran sẽ được giữ nguyên trong 5 năm nữa. Iran cũng đồng ý chỉ sở hữu không quá 300kg uranium được làm giàu ở mức 3,67% trong vòng 15 năm tới và tất cả các hoạt động làm giàu uranium này chỉ được giới hạn ở cơ sở hạt nhân Natanz. Thỏa thuận hạt nhân cũng giúp Iran gia tăng tiếng nói trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Việc nới lỏng cấm vận cũng mở đường cho Iran tăng cường xuất khẩu dầu mỏ. Theo giới chuyên gia phân tích, Iran có thể tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ lên đến 60% trong năm 2016.
6. Nga - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì vụ bắn hạ máy bay Su-24
Từ ngày 24-11, quan hệ hai nước rơi vào căng thẳng sau khi máy bay Su-24 của Nga bị tên lửa từ máy bay F-16 của Ankara bắn rơi tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria với lý do vi phạm không phận 17 giây. Trong khi đó, Nga tuyên bố máy bay hoạt động hoàn toàn trong vùng trời Syria và không đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Để trả đũa, Nga đã đình chỉ tất cả các dự án chiến lược song phương giữa hai nước, trong số này có dự án đường ống dẫn khí đốt giá trị cao “Turkish Stream” với chính quyền Ankara. Chuyên gia nhận định mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ kỳ và Nga đã leo thang vượt ra ngoài vấn đề Syria, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
7. Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu
Số người di cư vào châu Âu bằng đường bộ và đường biển năm 2015 đã vượt ngưỡng 1 triệu người, theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). Khủng hoảng di cư trong năm được đánh giá là chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II. Khủng hoảng này vẫn còn là bài toán nan giải, đẩy Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi những giá trị và lợi ích châu Âu đặt ra cách đây hơn 60 năm đang bị thách thức bởi làn sóng di cư có quy mô chưa từng thấy. Các nước trong khu vực thì bất đồng xung quanh vấn đề giải pháp. Điều cần nhất đặt ra cho EU là tìm được tiếng nói chung trong xử lý khủng hoảng di cư cũng như cùng thực hiện các luật chung của châu Âu về việc tiếp nhận và tạo công ăn việc làm cho người tị nạn.
Mỗi ngày, có hàng trăm ngàn người Syria vượt biển tràn vào châu Âu
8. Giá dầu thấp kỷ lục
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên lớn nhất của năm nay đến từ Trung Quốc - nơi có đồng nội tệ giảm 4,2% so với USD sau khi ngân hàng trung ương nước này bất ngờ phá giá hồi tháng 8 và chuyển sang cơ chế tỷ giá phụ thuộc vào thị trường nhiều hơn. Nhân dân tệ cũng được bổ sung vào rổ tiền tệ dự trữ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Nền kinh tế thế giới giảm tốc kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu chững lại đã khiến giá dầu trong năm 2015 liên tục trượt dốc, xuống mức thấp kỷ lục dưới 37 USD/thùng. Nga, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa đang khai thác vượt nhu cầu hàng trăm ngàn thùng dầu mỗi ngày (Nga 10 triệu thùng/ngày, OPEC 31,5 triệu thùng/ngày), Iran sẽ tăng xuất khẩu dầu vào đầu năm 2016 khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này cũng là nguyên nhân. Đã có kịch bản bi quan tồi tệ cho giá dầu là mức giá có thể tụt xuống 20 USD/thùng.
9. Ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu
Sau 30 năm tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường, ngày 12-12-2015, đại diện của 195 quốc gia tại COP21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2o C. Thỏa thuận có hiệu lực từ sau năm 2020, kết thúc sự tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng ngàn tỷ USD nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.Các nước phát triển đồng ý đóng góp ít nhất 100 tỷ USD/ năm, kể từ năm 2020 để giúp các quốc gia đang phát triển nhưng do sự phản đối của Mỹ, điều này không được ghi trong phần ràng buộc pháp lý của thỏa thuận. Trong nỗ lực nhằm tăng cường sự cam kết của các quốc gia, thỏa thuận sẽ tiến hành đánh giá cam kết 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 2030. Tuy nhiên, Thỏa thuận Paris không phải là một hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý đầy đủ, mà chỉ có một phần bắt buộc về pháp lý và một phần tự nguyện.
10. Động đất Nepal
Một trận động đất mạnh 7,9 độ richter ngày 25-4 đã làm rung chuyển khu vực nằm giữa thành phố Pokhara và thủ đô Kathmandu của Nepal khiến ít nhất 3.300 người thiệt mạng. Nhiều tòa nhà, chùa tại thủ đô Kathmandu bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài Nepal, Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng. Sau đó không lâu, vào tháng 5, cũng tại Kathmandu xảy ra động đất 7,3 độ richter làm hàng chục người chết, hơn 1.100 người bị thương.
Thủ đô Kathmandu của Nepal tan hoang sau trận động đất 7,9 độ richter
Ban Quốc tế